Văn kiện Đại hội XII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh an toàn thực phẩm” (1). Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cần hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện để tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kiện toàn các mô hình hợp tác theo Luật Hợp tác xã đến việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các hợp tác xã kiểu mới.
Tiếp tục phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại tạo điều kiện phát triển các mô hình hợp tác
Kinh tế hộ gia đình là một lực lượng sản xuất quan trọng ở nông thôn. Hộ gia đình nông thôn thường sản xuất, kinh doanh đa dạng, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh ngành nghề phụ. Theo số liệu thống kê, nước ta có khoảng 13 triệu hộ nông dân. Đây là lực lượng nền tảng của kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, giữ vững an ninh chính trị - xã hội. Kinh tế hộ gia đình đã có đóng góp lớn cho kinh tế nông nghiệp, sản xuất lúa gạo đạt tỷ suất hàng hóa khoảng trên 50%, cà phê 45%, cao su 85%, chè trên 60%, điều trên 90%. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ hộ gia đình đang loay hoay trong cảnh sản xuất tự cấp, tự túc, thậm chí còn nhiều hộ sản xuất tự nhiên, nhất là ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh tế hộ gia đình thích ứng với cơ chế thị trường sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lao động, giải quyết việc làm ở nông thôn. Vì vậy, việc nghiên cứu vận dụng các mô hình kinh tế hộ gia đình sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao năng lực sản xuất của các hộ kinh tế nông nghiệp là rất cấp thiết. Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế hộ gia đình, một mặt, làm xuất hiện nhu cầu kinh tế khách quan của sự hợp tác, liên kết - cơ sở cho sự ra đời của các mô hình kinh tế hợp tác; mặt khác, sẽ xuất hiện nhiều hộ gia đình sản xuất theo phương thức trang trại gia đình trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản,…
Kinh tế trang trại có đặc điểm chung là thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hàng hoá theo cơ chế thị trường. Ở mức độ khác nhau, các trang trại có thuê mướn lao động. Các trang trại vừa có xu hướng biệt lập với nhau, vừa có xu hướng liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Cần tiếp tục thực hiện chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại theo hướng liên kết, nhất là theo chuỗi hàng hóa. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, mà hình thức phổ biến ban đầu là tổ hợp tác, ví dụ theo lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; hay có thể phát triển kinh tế hợp tác sản xuất, kinh doanh theo nhóm hàng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Thực hiện chính sách thúc đẩy liên kết kinh tế để hình thành, phát triển tổ chức cung ứng các yếu tố đầu vào, trao đối, giúp nhau các vấn đề về khoa học công nghệ, trao đổi thông tin về thị trường tiêu thụ,... nhằm tập trung vào giải quyết các vấn đề chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng chuyên môn hoá cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các vùng, miền trên cả nước.
Một giải pháp quan trọng nữa là thúc đẩy sự liên kết kinh tế giữa các hộ gia đình sản xuất hàng hóa (gia trại) với trang trại (có thuê mướn lao động); và nhất là đẩy mạnh sự đầu tư của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn,…
Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng
Theo Đề án phát triển kinh tế hợp tác của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, mục tiêu đề ra là đến năm 2020 phấn đấu có 50% số xã có các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả ở nông thôn; hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế tập thể trong nông thôn (hợp tác xã, tổ hợp tác, ...); hình thành một số mô hình tổ chức kinh tế hợp tác xã hiệu quả ở địa phương.
Phương châm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể là tránh duy ý chí, nóng vội, gò ép, áp đặt; phải căn cứ từ nhu cầu kinh tế của sự hợp tác, trình độ sản xuất tới đâu thì mô hình tổ chức sản xuất tương ứng tới đó; xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, từ thấp đến cao, đạt hiệu quả thiết thực, vì sự phát triển của sản xuất; đồng thời, không buông lỏng lãnh đạo, quản lý để mặc cho phát triển tự phát, chậm nắm bắt và đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế hợp tác của nông dân.
Phương châm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể là tránh duy ý chí, nóng vội, gò ép, áp đặt; phải căn cứ từ nhu cầu kinh tế của sự hợp tác, trình độ sản xuất tới đâu thì mô hình tổ chức sản xuất tương ứng tới đó; xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, từ thấp đến cao, đạt hiệu quả thiết thực, vì sự phát triển của sản xuất; đồng thời, không buông lỏng lãnh đạo, quản lý để mặc cho phát triển tự phát, chậm nắm bắt và đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế hợp tác của nông dân.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, một mặt, phát triển kinh tế tập thể phải trên cơ sở bảo đảm quyền tự chủ của kinh tế hộ gia đình, trang trại nhằm hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại phát triển gắn với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nhằm không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong quá trình phát triển các thể chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ở các vùng, miền. Mặt khác, tiếp tục đổi mới, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã phù hợp với cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế bằng nhiều hình thức, quy mô, cấp độ để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội. Nhà nước và các thành phần kinh tế thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể về đào tạo cán bộ quản lý, tiếp cận các nguồn vốn; phát triển các quỹ tín dụng nhân dân để tạo điều kiện thuận lợi cho huy động vốn; có chính sách thuế phù hợp đối với các hoạt động dịch vụ; thực hiện việc trợ giúp kỹ thuật và chuyển giao công nghệ; phát triển thể chế thị trường, xúc tiến thương mại,... Các hợp tác xã tập trung làm dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp; tổ chức thực hiện tốt việc quy hoạch, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ mới, chuyển đổi cơ cấu sản xuất; liên kết với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để bán vật tư, tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông dân.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể
Ngày 20-11-2012, Quốc hội khoá XIII, tại kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật Hợp tác xã. Để Luật phát huy hiệu quả trong thực tiễn, cần ban hành đồng bộ, kịp thời các văn bản dưới luật, sửa đổi bổ sung điều lệ mẫu phù hợp với đặc thù của hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã phi nông nghiệp để các hợp tác xã dễ vận dụng; hướng dẫn về tổ chức, hoạt động đối với tổ hợp tác, hợp tác xã và sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan đến kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể:
- Chính sách đất đai: Khuyến khích và tạo điều kiện cho hộ nông dân "dồn điền, đổi thửa", tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất hàng hóa, mở mang ngành nghề. Nhà nước giao đất không thu tiền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hợp tác xã nông nghiệp xây dựng trụ sở, làm cơ sở sản xuất, kinh doanh,... Hợp tác xã phi nông nghiệp được thuê đất dài hạn, được giảm mức nộp tiền thuê đất trong một thời gian nhất định và được nộp tiền thuê đất nhiều lần. Đất do hợp tác xã đầu tư để khai khẩn, tôn tạo, khi Nhà nước chuyển sang chế độ cho thuê, cần trả lại chi phí khai khẩn, tôn tạo cho hợp tác xã.
- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực: Các ngành, các địa phương chủ động xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và nghiệp vụ cho khu vực kinh tế tập thể. Nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hợp tác xã. Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm, có chính sách thu hút cán bộ quản lý và khoa học kỹ thuật về công tác tại hợp tác xã.
Các hợp tác xã căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh và Điều lệ hợp tác xã tự quyết định mức lương các chức danh cán bộ quản lý, mức tiền công trả cho người lao động, thù lao trả cho xã viên hợp tác xã và quyết định các quan hệ phân phối khác trong nội bộ đơn vị. Cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật được tăng cường về công tác ở hợp tác xã trong một thời gian nhất định được giữ nguyên lương và chế độ bảo hiểm xã hội, lương và bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước cấp; được hưởng phụ cấp gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.
- Chính sách bảo hiểm xã hội: Thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với xã viên hợp tác xã và người lao động làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công quy định tại Bộ luật Lao động; các thành viên khác không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tạo điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo nhu cầu.
- Chính sách tài chính - tín dụng: Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn điền cho hộ nông dân; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian nhất định đối với hợp tác xã nông, lâm, diêm, ngư nghiệp mới chuyển đổi hoặc mới thành lập; thực hiện chính sách hỗ trợ đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp; khuyến khích nhiều hình thức góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sử dụng đất,... của thành viên để tăng thêm vốn kinh doanh cho hợp tác xã; công khai hoá những đóng góp của thành viên; xử lý dứt điểm nợ tồn đọng của hợp tác xã nông nghiệp; tiếp tục xem xét để xử lý nợ tồn đọng cho hợp tác xã phi nông nghiệp; giao những tài sản của hợp tác xã cũ và tài sản của Nhà nước giao cho hợp tác xã sử dụng trước đây cho hợp tác xã chuyển đổi để làm vốn sản xuất - kinh doanh.
Hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp, có thể vay vốn bình đẳng như doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác; các tổ chức tín dụng tăng mức cho vay và tạo thuận lợi về thủ tục vay vốn đối với hộ và các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; các hợp tác xã được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay để vay vốn ngân hàng, được vay vốn bằng tín chấp và vay theo dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Hợp tác xã được vay vốn từ các chương trình, dự án quốc gia và các tổ chức phi chính phủ, được làm chủ một số dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng các quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ bảo lãnh tín dụng cho kinh tế tập thể. Ngân hàng nhà nước tăng cường quản lý và củng cố hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân hiện có và phát triển mới ở những nơi có đủ điều kiện; hướng dẫn nghiệp vụ và chỉ đạo chặt chẽ đối với hoạt động tín dụng nội bộ trong hợp tác xã.
- Hỗ trợ về khoa học và công nghệ: Nhà nước hỗ trợ kinh tế tập thể ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin,... qua hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công. Tập trung đầu tư nâng cao năng lực một số viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ ở các vùng, nhằm hỗ trợ hợp tác xã và hộ nông dân; khuyến khích các cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ liên kết với hợp tác xã, chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ mới cho hợp tác xã, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới, khai thác và sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước; khuyến khích xây dựng các cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng nghề... ở nông thôn; hướng dẫn và giúp đỡ các tổ hợp tác, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.
- Hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường: Các ngành, các địa phương, các hiệp hội ngành nghề và liên minh hợp tác xã hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường cho các hộ, tổ hợp tác và hợp tác xã; tổ chức các hình thức giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài nước phù hợp với trình độ hiện tại và xu thế phát triển của kinh tế tập thể. Thực hiện rộng rãi việc ký kết hợp đồng trực tiếp giữa doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp với nông dân qua các hợp tác xã. Các doanh nghiệp cung ứng vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho hợp tác xã theo các hợp đồng dài hạn đối với những sản phẩm có khối lượng lớn; Nhà nước có chế độ ưu đãi các doanh nghiệp này. Khuyến khích nông dân và hợp tác xã sản xuất nguyên liệu mua cổ phần, trở thành cổ đông của các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản.
- Củng cố hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam theo hướng làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tăng cường vai trò, trách nhiệm của Liên minh trong quá trình phát triển kinh tế tập thể. Mở rộng hoạt động của hệ thống liên minh hợp tác xã trong một số lĩnh vực dịch vụ công. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân làm tốt việc vận động, giáo dục quần chúng tự nguyện tham gia kinh tế tập thể, phát huy vai trò làm chủ trong các tổ chức kinh tế này./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét