Những hạn chế, bất cập trong việc phát triển đồng bộ các loại thị trường ở nước ta thời gian qua
Quy mô, cơ cấu, tốc độ phát triển của một số thị trường và phân đoạn thị trường còn mất cân đối, khập khiễng, chưa tương hợp.
Thị trường hàng hóa, dịch vụ có quy mô tương đối lớn, tốc độ phát triển nhanh nhưng chưa bền vững, tăng trưởng không đều, có những năm suy giảm(1). Cơ cấu thị trường hàng hóa, dịch vụ chưa hợp lý, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị và đô thị lớn; thị trường ở khu vực nông thôn quy mô nhỏ, hàng hóa ít. Thị trường hàng hóa, dịch vụ có sự chia cắt, thiếu liên thông, không đồng đều giữa các vùng, miền. Trong cơ cấu thị trường hàng hóa, dịch vụ, khu vực thương nghiệp, chủ yếu là bán lẻ hàng hóa, chiếm tỷ trọng cao nhất (76,8%); còn khu vực dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ) chiếm tỷ trọng nhỏ (23,2%).
Thị trường lao động phát triển không đồng đều, mất cân đối. Quy mô thị trường lao động nhỏ, tính ổn định của thị trường không cao. Quy mô của thị trường lao động chính thức thấp, chỉ đạt khoảng 30%, chủ yếu là thị trường lao động phi chính thức và không chính quy. Trong cơ cấu thị trường lao động, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Thị trường bất động sản, thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa bền vững, một số phân đoạn thị trường còn phát triển méo mó, các nguyên tắc thị trường chưa được vận dụng hiệu quả, Nhà nước vẫn là chủ thể can thiệp chính trên thị trường. Một số thị trường bất động sản ở các đô thị lớn, như thị trường nhà ở, nhà chung cư tăng trưởng nóng. Thị trường đất đai nông nghiệp tồn tại nhiều bất cập, như quy mô đất nông nghiệp của các hộ nông nghiệp ít thay đổi, nhỏ lẻ, manh mún, gây rất nhiều khó khăn cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất.
Thị trường vốn quy mô nhỏ, thanh khoản yếu, thiếu hấp dẫn, chưa đủ khả năng thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các dòng vốn lớn. Có sự mất cân đối giữa thị trường vốn ngắn hạn và dài hạn. Cơ cấu tín dụng mất cân đối về kỳ hạn, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ lệ cao.
Thị trường khoa học - công nghệ quy mô còn nhỏ, kết nối cung - cầu còn nhiều hạn chế. Các nghiên cứu khoa học và công nghệ có tính ứng dụng thấp, ít gắn kết với thực tiễn, chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Năng lực nghiên cứu của các viện, trung tâm nghiên cứu thấp. Các doanh nghiệp ít có nhu cầu mua bán, chuyển giao công nghệ ở trong nước.
Trình độ phát triển và hiệu quả hoạt động của các loại thị trường không đồng đều.
Nhìn tổng thể, trình độ phát triển một số loại thị trường trong nền kinh tế nước ta còn thấp, điều này được thể hiện rõ ở chỉ số tự do kinh tế của nước ta chỉ ở mức 51-52/100 điểm, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po.
Trình độ phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ ở khu vực nông thôn còn thấp. Các kênh phân phối hiện đại, các tổ chức kiểm định chất lượng hàng hóa, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng... trên thị trường hàng hóa, dịch vụ chưa phát triển. Hệ thống thương mại và các kênh phân phối trong nước có nhiều cấp trung gian, hiệu quả hoạt động thấp. Hiệu quả hoạt động của thị trường hàng hóa và dịch vụ chỉ đạt 4,2/7 điểm, xếp thứ 81/133 theo như xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016.
Quan hệ cung - cầu trên thị trường lao động bị mất cân đối. Tồn tại nhiều nghịch lý trên thị trường lao động, như thừa lao động trình độ thấp nhưng lại thiếu lao động trình độ cao hay tỷ lệ sinh viên mới tốt nghiệp đại học ra trường chưa tìm được việc làm phù hợp với trình độ đào tạo cao, hoặc phải đi làm công nhân trong các khu công nghiệp. Tranh chấp lao động, đình công, bãi công diễn ra phức tạp.
Thị trường bất động sản vẫn có phân đoạn phát triển tự phát, tình trạng đầu cơ làm méo mó quan hệ thị trường vẫn tồn tại. Tình trạng giao dịch “ngầm” vượt ngoài các quy định pháp luật, gây nhiều lãng phí và tổn thất cho ngân sách nhà nước vẫn tồn tại trên thị trường bất động sản.
Cơ chế giám sát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro đối với hệ thống ngân hàng còn chưa theo kịp diễn biến thị trường và còn nhiều bất cập. Thị trường cổ phiếu còn thiếu minh bạch và mang tính đầu cơ hơn là đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Năng lực khoa học và công nghệ của nước ta vẫn còn thấp, chưa gắn kết được giữa khoa học và công nghệ với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ thấp, thiếu nhiều tổ chức trung gian, tư vấn về khoa học và công nghệ. Việc chuyển đổi các tổ chức khoa học - công nghệ công lập thành các tổ chức tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thể chế, môi trường cho phát triển các loại thị trường còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất và chồng chéo.
Cơ chế quản lý thị trường hàng hóa, dịch vụ còn có điểm chưa thống nhất giữa các địa phương và giữa các bộ, ngành. Chính sách về giá của một số thị trường dịch vụ như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục còn nhiều bất cập, như chưa xác định rõ mức độ hỗ trợ của Nhà nước đối với các lĩnh vực này; chưa tính hết các khoản chi phí vào giá dịch vụ giáo dục; sự điều chỉnh, thay đổi phí dịch vụ y tế mất nhiều thời gian (trung bình mất 5 năm, thậm chí 10 năm để điều chỉnh giá dịch vụ y tế). Thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ chế quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm... trên thị trường hàng hóa, dịch vụ còn rất hạn chế. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh còn diễn biến phức tạp.
Chính sách tiền công, tiền lương trên thị trường lao động còn nhiều bất cập. Chính sách tiền lương tối thiểu ở mức thấp, không đồng đều. Tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực nhà nước chưa phù hợp với vị trí làm việc, chức danh và hiệu quả công tác. Cơ chế, chính sách về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và doanh nghiệp chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường. Hệ thống thông tin, tổ chức trung gian, môi giới về người lao động và người sử dụng lao động đều không đầy đủ và có độ tin cậy thấp. Chỉ có 32/63 tỉnh, thành phố có thị trường lao động phát triển; các tổ chức trung gian trên thị trường lao động (sàn giao dịch, trung tâm dịch vụ việc làm...) hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa thực sự làm vai trò kết nối cung - cầu lao động.
Thị trường bất động sản chịu sự chi phối và can thiệp thiếu hiệu quả của Nhà nước. Tình trạng thông tin thiếu minh bạch vẫn tồn tại trên thị trường bất động sản, đặc biệt là thông tin về giá đất. Một số cơ chế, chính sách đối với thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, như có sự khác biệt về giá đất cho các đối tượng sử dụng; cơ chế đổi đất lấy hạ tầng chưa tính toán hết được giá trị tương lai của đất; nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhà nước sử dụng lãng phí đất được giao. Chính sách thu hồi đất nông nghiệp để đô thị hóa, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng ở nhiều nơi chưa hợp lý, gây khiếu kiện kéo dài.
Đối với thị trường tài chính, mức độ lành mạnh của hệ thống ngân hàng còn thấp. Thể chế cho sự phát triển của thị trường tiền tệ chưa hoàn thiện, còn thiếu những tổ chức trung gian, những nhà môi giới tiền tệ chuyên nghiệp trên thị trường.
Trên thị trường khoa học - công nghệ, các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao còn ít. Thiếu định chế trung gian (tổ chức trung gian, môi giới; tổ chức thẩm định, đánh giá công nghệ; tổ chức tư vấn pháp lý...) để kết nối cung - cầu trên thị trường khoa học - công nghệ. Việc quản lý về tài chính, nhân lực đối với các tổ chức khoa học và công nghệ còn mang nặng tính hành chính, chưa phù hợp với đặc điểm lao động của nhà khoa học, chưa phát huy được khả năng nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ này. Cơ chế, chính sách phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư đổi mới công nghệ chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ.
Xu thế phát triển của các loại thị trường chưa bền vững và không ổn định.
Thị trường hàng hóa, dịch vụ nội địa còn bất cập, sự liên thông giữa thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước và nước ngoài còn hạn chế ở một số phân đoạn thị trường. Ở một số phân đoạn của thị trường hàng hóa, dịch vụ bị chi phối bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như thị trường bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, trên một số phân đoạn còn có sự độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một số lĩnh vực mang tính hiện đại và hội nhập cao, như lĩnh vực thương mại điện tử, các giao dịch số hóa, lĩnh vực mua bán trên mạng in-tơ-nét... còn thiếu cơ chế quản lý hữu hiệu của Nhà nước.
Thị trường lao động trong lĩnh vực nông nghiệp không ổn định, biến động theo mùa vụ. Việc chuyển dịch lao động còn chậm, gặp khó khăn và chưa tương thích với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Việc nhận diện và đưa ra các giải pháp để tận dụng các cơ hội cũng như ứng phó với các thách thức, nguy cơ trên thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước còn chưa chủ động và kịp thời. Tình trạng chảy máu chất xám, nhân lực chất lượng cao ra nước ngoài hoặc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn tồn tại, gây lãng phí chi phí đào tạo, hỗ trợ của Nhà nước.
Trong thị trường bất động sản, giá đất được coi như là một công cụ để ưu đãi đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Trong một số trường hợp, quy hoạch kết cấu hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng hay việc định giá đất tạo nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân thuộc loại nhỏ và vừa còn gặp khó khăn trong việc mở rộng mặt bằng để sản xuất, kinh doanh.
Cạnh tranh trên lĩnh vực tài chính ngày càng gia tăng do sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế. Lợi thế của các ngân hàng trong nước có xu hướng giảm trong bối cảnh gia tăng hội nhập quốc tế trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Một số ngân hàng thương mại có nguy cơ gặp phải rủi ro lớn do tình trạng đầu tư chưa hiệu quả, nợ xấu, nợ khó đòi cao.
Trên thị trường khoa học và công nghệ, tình trạng nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu, tốn kém trong chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều. Nhiều công nghệ được nhập khẩu trùng lắp, không theo định hướng, quy hoạch và tập trung quá nhiều vào nhập khẩu phần cứng của công nghệ. Việc chuyển giao công nghệ qua đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có nhiều bất cập, ít có tác dụng nâng cao năng lực công nghệ của Việt Nam.
Một số thị trường ở nước ta chưa phát triển đồng bộ, vận hành chưa thông suốt có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó nổi bật là các nguyên nhân sau:
Một là, nền kinh tế nước ta có xuất phát điểm thấp và đang trong giai đoạn chuyển đổi. Chúng ta xuất phát từ nền kinh tế hàng hóa kém phát triển, chuyển sang nền kinh tế thị trường và hiện nay là phát triển theo hướng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập quốc tế. Đây là mô hình kinh tế thị trường chưa có tiền lệ, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết cả về lý luận và thực tiễn. Chúng ta phải từng bước hoàn thiện mô hình kinh tế này từ nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Do vậy, những thị trường đã được làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn, không đòi hỏi điều kiện phức tạp (như thị trường hàng hóa và dịch vụ) sẽ phát triển nhanh, trong khi các thị trường khác đòi hỏi trình độ tổ chức ở mức cao, đòi hỏi những thể chế đặc thù, phù hợp (thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ…) sẽ khó khăn hơn. Chúng ta sẽ phát triển từng bước, theo lộ trình phù hợp với đặc điểm nước ta.
Hai là, nhận thức và tư duy về kinh tế thị trường ở một số nội dung còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Những hạn chế yếu kém nói trên chủ yếu là do nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đủ rõ, nhất là về kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể; về cơ chế phân bố nguồn lực, sở hữu đất đai, cơ chế giá một số hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu...”(2). Điều này làm cho thành tựu, kết quả đạt được trong phát triển các loại thị trường chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nền kinh tế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Ba là, hệ thống pháp luật, chính sách cho việc phát triển các loại thị trường chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao và chưa theo kịp sự phát triển của các loại thị trường này. Mặc dù một số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các yếu tố thị trường đã được ban hành nhưng một số văn bản có hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa bảo đảm tính thống nhất với tổng thể hệ thống pháp luật chung.
Bốn là, việc triển khai, thực thi hệ thống pháp luật, chính sách và hiệu lực quản lý nhà nước trong phát triển các loại thị trường còn nhiều bất cập. Thủ tục hành chính mặc dù đã được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn cồng kềnh, rườm rà, không nhất quán, có nhiều loại giấy phép, gây nhiều khó khăn cho các chủ thể trên thị trường. Việc áp dụng, thực thi nhiều chính sách phát triển các loại thị trường, như chính sách đưa về giá thị trường của một số loại hàng hóa do Nhà nước kiểm soát còn chậm và gặp nhiều cản trở.
Năm là, môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các chủ thể trên thị trường. Trong một số trường hợp, quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ. Các hoạt động gia nhập, rút lui khỏi thị trường gặp nhiều rào cản và chi phí lớn.
Một số giải pháp cơ bản
Để phát triển đồng bộ các loại thị trường, Đại hội XII của Đảng đã xác định phương hướng phát triển các loại thị trường ở nước ta: “Tiếp tục phát triển đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường. Thực hiện đa dạng thị trường hàng hóa, dịch vụ theo hướng hiện đại, chú trọng hình thành khung pháp lý, phát triển hệ thống phân phối thông suốt và hiệu quả…”(3). Trên cơ sở thực trạng phát triển các loại thị trường ở nước ta và quan điểm, phương hướng trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong thời gian tới, để phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt các loại thị trường ở nước ta, cần thực hiện những giải pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt các loại thị trường. Tư duy, nhận thức cần được thay đổi từ tư duy, nhận thức mang tính bao cấp, “xin - cho”, ban phát trong các hoạt động kinh tế, kinh doanh sang tư duy phục vụ, tư duy kiến tạo phát triển ở các cấp, các ngành, nhất là ở cấp cơ sở, địa phương. Cần làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn còn vướng mắc trong phát triển các loại thị trường, đặc biệt là các vấn đề về: vai trò, chức năng của Nhà nước, kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân; vai trò của thị trường trong phát triển kinh tế; thị trường quyền sử dụng đất, cơ chế xác định giá trên thị trường bất động sản; mức độ hỗ trợ của Nhà nước đối với dịch vụ công, như dịch vụ giáo dục, y tế... Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các vấn đề lý luận mới, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn trong nước và quốc tế để làm cơ sở cho việc đề ra đường lối, chính sách đúng đắn phát triển các loại thị trường.
Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong việc phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt các loại thị trường. Giảm sự can thiệp hành chính, trực tiếp của Nhà nước vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể trên thị trường. Cần xác định rõ thị trường là cơ chế chủ yếu để điều tiết nền kinh tế, Nhà nước đóng vai trò quản lý và kiến tạo phát triển, tạo môi trường để các thị trường phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt. Nhà nước định hướng, xây dựng và lập quy hoạch, kế hoạch để phát triển các loại thị trường trong từng giai đoạn, kết hợp quy hoạch phát triển giữa các loại thị trường với nhau nhằm bảo đảm sự phát triển đồng bộ, như định hướng cơ cấu lại thị trường tài chính để bảo đảm cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Đối với các thị trường chậm phát triển hoặc phát triển méo mó, chưa đồng bộ, Nhà nước hỗ trợ, điều chỉnh, định hướng để bảo đảm tính đồng bộ giữa các loại thị trường, như hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ để phát triển, tạo sự liên thông giữa các vùng, miền, ngành, nghề trong thị trường lao động.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, chính sách cho việc phát triển các loại thị trường. Xây dựng thể chế cho sự phát triển của thị trường sơ cấp, thứ cấp về quyền sử dụng đất. Chú trọng hình thành khung pháp lý đối với những thị trường mới hình thành, như thị trường mua bán nợ, thị trường mua bán sản phẩm trong lĩnh vực văn hóa, thị trường mua bán hàng hóa online, thương mại điện tử... Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách cho các loại thị trường đã có, như hoàn thiện pháp luật về chống hàng lậu, hàng giả; hoàn thiện pháp luật về các tổ chức tài chính, tín dụng phi ngân hàng; đổi mới cơ chế quản lý đối với các tổ chức khoa học và công nghệ; hoàn thiện chính sách định giá đất; đổi mới cơ chế quản lý tiền lương trong các doanh nghiệp...
Thứ tư, đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Nâng cao trình độ, nhận thức, đạo đức, nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đổi mới quan hệ giữa cơ quan nhà nước, công chức với doanh nghiệp, người dân theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ, là đối tác bình đẳng cùng tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế. Tăng tính công khai, minh bạch trên các thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường lao động.../.
------------------------------------------
(1) Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có chiều hướng suy giảm, trung bình giai đoạn 2008 - 2010 là 25,3%; giai đoạn 2011 - 2013 chỉ đạt khoảng 17,5%
(2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 109
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét