Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

Từ quan điểm hội nhập…

Thực hiện phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”(2), Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có công nghiệp quốc phòng.

Ngay từ Nghị quyết 27-NQ/TW và Nghị quyết 06-NQ/TW (khóa XI) Bộ Chính trị đã có chủ trương “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Đảng ta khẳng định, xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là nhiệm vụ cơ bản vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài… cần tự lực tự cường, phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế để tận dụng thành tựu khoa học - công nghệ và các nguồn lực khác, nhằm tiếp nhận công nghệ mới sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta lại nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện tốt chủ trương và có chính sách phù hợp để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp quốc phòng, theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học - công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược.

Vì thế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về công nghiệp quốc phòng là một nhu cầu tất yếu khách quan nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng quốc gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để công nghiệp quốc phòng Việt Nam hội nhập quốc tế có hiệu quả, đúng hướng, cần nhận thức rõ cơ hội, thách thức, kiên định mục tiêu, phương hướng đã xác định.

Cho đến nay Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với hơn 60 nước, trong đó có 34 nước đặt cơ quan tùy viên quốc phòng; ở chiều ngược lại có 45 nước đặt cơ quan tuỳ viên quốc phòng tại nước ta; Việt Nam đã tham gia hiệu quả vào các hội nghị, diễn đàn hằng năm, như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và các Diễn đàn đối thoại quốc phòng, an ninh quan trọng khác… Các hội nghị, diễn đàn nêu trên đều đề cập đến nội dung hợp tác phát triển công nghiệp quốc phòng.

Mới đây, ngày 21-3-2017, tại Hà Nội, Tổng Cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Hợp tác và Xuất khẩu quốc phòng Israel (SIBAT) đã tổ chức Diễn đàn Công nghiệp quốc phòng Việt Nam - Israel. Tại Diễn đàn này, hai bên đã giới thiệu tổng quan về tình hình phát triển nền công nghiệp quốc phòng mỗi nước; đánh giá kết quả hợp tác giữa các doanh nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam - Israel thời gian qua; đồng thời khẳng định, tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa hai nước là rất lớn; hai bên mong muốn thời gian tới tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Israel.

Trước đó, ngày 12-5-2016, cũng tại Hà Nội, Tổng Cục công nghiệp quốc phòng phối hợp với Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng Việt Nam) cùng Phòng Thương vụ và Cơ quan hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ đã tổ chức Hội thảo Xúc tiến công nghiệp quốc phòng Việt Nam - Mỹ. Tại hội thảo, hai bên đã giới thiệu các chính sách, quy định, thủ tục của Chính phủ và Bộ Quốc phòng mỗi nước; thảo luận chuyên đề về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm. Nhân dịp này, các doanh nghiệp của Mỹ giới thiệu về sản phẩm, năng lực sản xuất và có các cuộc tiếp xúc, trao đổi bên lề với các cơ quan, doanh nghiệp phía Việt Nam về các nội dung liên quan.

Ngày 26-9-2016, cũng tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Cộng hòa Séc đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “công nghiệp quốc phòng và hàng không của Cộng hòa Séc và hợp tác trong công nghiệp quốc phòng và hàng không với Việt Nam”. Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu về công nghệ quốc phòng cũng như hàng không của Cộng hòa Séc. Bộ Quốc phòng Việt Nam luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp quốc phòng của Cộng hòa Séc sang giới thiệu về tiềm năng, tìm hiểu và thúc đẩy quan hệ song phương nói chung, quan hệ quốc phòng nói riêng, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Đó là những hoạt động chủ động tích cực nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng theo định hướng mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra.

Đến giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác…

Từ những hoạt động thực tiễn nêu trên, để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm, đường lối về quân sự, quốc phòng, đối ngoại của Đảng; tăng cường sự thống nhất trong định hướng chiến lược, xây dựng quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo điều hành trong quá trình hội nhập quốc tế về công nghiệp quốc phòng, bảo đảm các lợi ích quốc gia, đặt trong tổng thể chung của hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh, hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với nội lực và nhu cầu phát triển của công nghiệp quốc phòng Việt Nam, sớm tiếp cận với những sản phẩm, công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Hai là, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng, các ban, bộ, ngành, địa phương và Bộ Quốc phòng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách cũng như các nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, cần có sự liên kết đồng bộ hơn trong quá trình xác định, lựa chọn đối tác, nghiên cứu, đàm phán, thực thi các văn kiện pháp lý quốc tế cũng như trong đấu tranh, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo môi trường thuận lợi cho hội nhập quốc tế về công nghiệp quốc phòng.

Nghiên cứu, ban hành và đồng bộ hóa các văn bản pháp lý của Việt Nam về công nghiệp quốc phòng, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý công nghiệp quốc phòng cho phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Sớm nghiên cứu những vấn đề pháp lý nảy sinh khi các sản phẩm của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 xuất hiện được ứng dụng vào lĩnh vực quốc phòng như: xu thế rô-bốt hóa thị trường lao động, các phương tiện bay không người lái, thực tế ảo, internet vạn vật…

Ba là, tiếp tục thúc đẩy quá trình tham gia thị trường quốc tế về vũ khí và công nghệ quân sự trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, hiệu quả, lợi ích và tuân thủ nghiêm luật pháp Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu hàng kinh tế, hàng lưỡng dụng và một số chủng loại vũ khí thông thường do Việt Nam sản xuất. Quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại quân sự, cảnh giác và ngăn ngừa các tiêu cực của “chợ đen vũ khí quốc tế”, sớm khắc phục các chế tài cấm vận, hạn chế của một số quốc gia, xử lý tốt các tình huống “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế về mua sắm vũ khí, công nghệ quân sự hiện đại; không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, chống phá quan hệ đối ngoại quốc phòng Việt Nam với các nước.

Bốn là, tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác, các cơ chế liên doanh, liên kết để thu hút các nguồn lực mới từ bên ngoài, phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Mạnh dạn thí điểm một số mô hình, phương thức mới trong vấn đề hợp tác công nghiệp quốc phòng với các đối tác chiến lược, với các nước trong khu vực và với một số tập đoàn công nghiệp quốc phòng xuyên quốc gia… Đồng thời, tranh thủ khai thác các nguồn ngoại lực khác, nhất là bà con Việt kiều, chuyên gia nư¬ớc ngoài, doanh nhân Việt Nam ở nư-ớc ngoài và những người có tâm huyết với sự nghiệp phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Năm là, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng tích cực, chủ động phát triển thị trường, bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả cao hơn trong hội nhập quốc tế. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ hiểu biết luật pháp quốc tế, nghiệp vụ thương mại quân sự. Nâng cao năng lực cạnh tranh, chấp hành nghiêm các quy định về bảo mật, an ninh quốc gia. Kết nối doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng với công nghiệp quốc gia trong hội nhập quốc tế và tham gia các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu trong các lĩnh vực chế tạo cũng như xuất khẩu hàng kinh tế. Cần quan tâm đến 3 nhóm xu hướng chủ đạo của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đó là vật lý, số hóa, sinh học, đặc biệt là “sản phẩm siêu kết nối” ứng dụng trong phát triển công nghiệp quốc phòng.

Như vậy, với quan điểm “chủ động hội nhập quốc tế”, trong đó có hội nhập công nghiệp quốc phòng, phát triển quốc phòng với mục đích tự vệ để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc… thì tiến trình hiện đại hóa quân đội, phát triển và hội nhập về công nghiệp quốc phòng có tầm quan trọng đặc biệt là sớm có được những sản phẩm quân sự, quốc phòng chứa hàm lượng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là điều cần thiết./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét