Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Đổi mới tư duy chính sách giáo dục bậc cao vì phát triển bao trùm, bền vững ở Việt Nam

Dưới áp lực của luồng dư luận xã hội này hành động đổi mới giáo dục được tập trung mạnh vào cải cách nội dung chương trình giáo dục - đào tạo, sách giáo khoa, giáo trình và cơ chế thi cử. Một hệ thống các cơ quan, tổ chức, trung tâm, bộ phận khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục đã được thiết lập và đi vào hoạt động nhằm cao chất lượng của giáo dục tiểu học và trung học cơ sở cho đa số còn giáo dục sau trung học phổ thông và giáo dục đại học cho thiểu số dân cư. Các cuộc khảo sát nhanh hàng nghìn cán bộ có trình độ đại học và sau đại học cho biết rõ luồng ý kiến “thừa thày thiếu thợ” vừa nêu bắt nguồn từ sự thiếu thông tin về tỷ lệ nhập học đúng tuổi của dân số trong độ tuổi trung học phổ thông và đại học.

Trong khi đó, một quyết sách kinh tế - xã hội được nêu ra là Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình phát triển từ mô hình phát triển chiều rộng dựa vào lao động trình độ thấp giá rẻ và nặng về vốn tài chính, vật chất sang mô hình phát triển chiều sâu dựa vào khoa học công nghệ và các nguồn vốn vô hình, vốn xã hội, vốn con người trình độ cao. Nhưng làm thế nào để chuyển đổi được mô hình phát triển theo hướng bao trùm và bền vững như vậy nếu như dư luận xã hội “thừa thày thiếu thợ” đang phổ biến ở người dân, cán bộ lãnh đạo, quản lý và cả những người làm khoa học và giáo dục, đào tạo? Bài viết tập trung giới thiệu cách tiếp cận phát triển bao trùm và bền vững (insclusive and sustainable development, phát triển dung hợp, toàn diện và bền vững) để nhấn mạnh rằng sự phát triển như vậy đòi hỏi phải xuất phát từ con người nhằm mục tiêu phát triển con người thông qua việc mở rộng các cơ hội giáo dục từ mầm non đến đại học cho tất cả mọi người.

Phát triển bao trùm, bền vững: Các mô hình và giai đoạn


Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014 - 2015 đưa ra bảng phân loại các nền kinh tế trên thế giới thành ba nhóm theo mức thu nhập bình quân đầu người: nhóm 1 có mức thu nhập dưới 2.000 USD, nhóm 2 có mức thu nhập từ 3.000 đến gần 9.000 USD và nhóm 3 có mức thu nhập trên 17.000 USD. Giữa các nhóm này là nhóm trung gian, nhóm chuyển đổi. Đồng thời Báo cáo này đưa ra 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh quốc gia và phân chia chúng thành ba nhóm như sau. Nhóm 1 gồm bốn trụ cột nhân tố nguồn lực là (i) thể chế, (ii) kết cấu hạ tầng, (iii) môi trường kinh tế vĩ mô và (iv) y tế - giáo dục. Nhóm 2 gồm sáu trụ cột hiệu quả là (v) giáo dục - đào tạo bậc cao, (vi) hiệu quả của thị trường hàng hóa, (vii) hiệu quả của thị trường lao động, (viii) sự phát triển của thị trường tài chính, (ix) tính sẵn sàng về công nghệ và (x) quy mô thị trường. Nhóm 3 gồm hai trụ cột tinh vi, sáng tạo là (xi) mức độ tinh vi của hoạt động kinh doanh và (xii) mức độ đổi mới sáng tạo. Tương ứng với ba nhóm trụ cột này là ba mô hình phát triển: thứ nhất là mô hình phát triển dựa vào nhân tố nguồn lực hay còn gọi là mô hình phát triển chiều rộng, thứ hai là mô hình phát triển dựa vào hiệu quả hay còn gọi là mô hình phát triển chiều sâu, và thứ ba là mô hình phát triển dựa vào đổi mới, sáng tạo.

Tại mỗi thời điểm phát triển của mỗi quốc gia có thể quan sát thấy cả 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh quốc gia và cả ba mô hình phát triển. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp của các nhóm trụ cột và tương ứng là các mô hình phát triển khác nhau, do đó mỗi một giai đoạn phát triển đặc trưng bởi một cấu trúc các trụ cột và các mô hình phát triển.

Việt Nam đang có mô hình phát triển nào và đang ở đâu trong quỹ đạo phát triển? Dựa vào Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014 - 2015, các tác giả của Báo cáo của UNDP cho biết(2), năm 1986 Việt Nam có mức thu nhập bình quân đạt 89 USD/người, đến năm 2014 mức thu nhập đạt 2.054 USD/người và dự báo đến năm 2020 mức thu nhập đạt 2.724 - 3.348 USD/người. Điều này có nghĩa là vào những năm 1986 – 2014, Việt Nam ở vào giai đoạn 1 phát triển dựa vào các trụ cột nhân tố nguồn lực tức là mô hình phát triển chiều rộng; những năm 2014 – 2020, Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 phát triển dựa vào trụ cột hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; từ năm 2020 trở đi, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn 2, sau đó bước vào giai đoạn chuyển đổi lên giai đoạn 3 phát triển dựa vào sự đổi mới sáng tạo. Thật khó có thể xác định chính xác thời gian của từng giai đoạn phát triển. Nhưng Việt Nam đã dành khoảng 25 năm cho giai đoạn 1 phát triển chiều rộng và 10 năm cho giai đoạn chuyển đổi sang phát triển chiều sâu thì rất có khả năng Việt Nam cũng sẽ phải dành một khoảng thời gian tương tự cho giai đoạn 2 phát triển dựa vào hiệu quả và giai đoạn chuyển đổi tiếp theo.

Tuy nhiên, về mặt kinh tế - kỹ thuật, cần lưu ý rằng cách tính toán mức thu nhập bình quân đầu người có thể khác nhau, nên các mức thu nhập được đưa ra khác nhau, do vậy việc xác định thời điểm của từng giai đoạn phát triển chỉ mang tính chất tương đối. Điều quan trọng từ góc độ tiếp cận phát triển bao trùm và bền vững ở đây là giai đoạn 1 đặc trưng bởi các trụ cột nhân tố nguồn lực trong đó nhân tố giáo dục chủ yếu là ở trình độ phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Trong khi đó trụ cột hàng đầu của giai đoạn 2 là “giáo dục và đào tạo bậc cao” và đây sẽ là trụ cột cốt lõi của đổi mới, sáng tạo ở giai đoạn 3. Điều đó có nghĩa là để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 cần phải tăng cường đầu tư phát triển “giáo dục và đào tạo trình độ cao” tức là phổ cập giáo dục trung học phổ thông và mở rộng cơ hội đào tạo sau trung học phổ thông và nhất là đào tạo đại học. Sự phát triển của Việt Nam ở giai đoạn chuyển đổi hiện nay đòi hỏi giáo dục phải vượt lên trước, không dừng lại ở việc củng cố phổ cập tiểu học, phổ cập trung học cơ sở và dạy nghề cho đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở mà mở rộng cơ hội giáo dục trung học phổ thông, sau trung học phổ thông và đào tạo đại học. Dư luận xã hội về “thừa thày, thiếu thợ” như nêu ở trên tỏ ra rất phù hợp với giai đoạn phát triển dựa vào các trụ cột nhân tố nguồn lực đặc trưng bởi lực lượng lao động có trình độ học vấn thấp, tiền công rẻ. Dưới áp lực của dư luận xã hội “thừa thày, thiếu thợ” mà đổi mới giáo dục để nhằm mục tiêu giảm thày và tăng thợ thì rất khó có thể chuyển đổi được mô hình phát triển chiều rộng sang mô hình phát triển chiều sâu, khó có thể chuyển sang giai đoạn 2 phát triển dựa vào các trụ cột hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực đặc trưng bởi phần đông lực lượng lao động được giáo dục - đào tạo trình độ cao, cụ thể là trình độ giáo dục sau trung học phổ thông và trình độ giáo dục đại học trở lên.

Về mặt phát triển xã hội và phát triển con người, giáo dục vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển. Tuy nhiên, để nhấn mạnh sự thay đổi về chất trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển cần phải kế thừa cách tiếp cận phát triển như là quyền tự do của A-mát-da Sen (Amartya Sen), người có công xây dựng chỉ số phát triển người (HDI) và được giải thưởng Nô-ben về khoa học kinh tế năm 1998. Theo A-mát-da Sen, phát triển xã hội đòi hỏi phải bảo đảm quyền con người và bảo đảm nâng cao năng lực thực hiện các quyền cơ bản của con người về kinh tế, giáo dục, y tế và tham gia quản lý xã hội. Từ năm 1980 đến nay cách tiếp cận phát triển của A-mát-da Sen tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện theo hướng “bao trùm” và “bền vững”, tức là mở rộng các cơ hội phát triển và nâng cao năng lực nắm bắt các cơ hội một cách bình đẳng cho tất cả mọi người, bao trùm cả người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn ở cả thành thị và nông thôn. Báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2015 của UNDP nhấn mạnh ba chiều cạnh của phát triển mang tính bao trùm và bền vững là: (i) tăng cường cơ hội thông qua việc làm có năng suất cao hơn, (ii) tăng cường năng lực thông qua cải thiện dịch vụ y tế và giáo dục, (iii) tăng cường năng lực phòng, chống rủi ro thông qua cải thiện bảo trợ xã hội. Trong ba chiều cạnh này, giáo dục vừa là mục tiêu vừa là động lực để tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và phát triển con người. Các bằng chứng khoa học cho thấy học vấn tăng làm tăng đáng kể thu nhập của người lao động, thúc đẩy sự phát triển trí tuệ, nhân cách và củng cố niềm tin, tăng cường sự đoàn kết, trật tự, đồng thuận xã hội. Nhưng giáo dục chỉ có thể phát huy được chức năng, vai trò động lực của phát triển, mục tiêu của phát triển khi các cơ hội tiếp cận giáo dục từ mầm non đến đại học được mở rộng cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ dành cho những người, những nhóm, những cộng đồng có đủ điều kiện.

Tình hình giáo dục của Việt Nam qua tỷ lệ đi học đúng tuổi 

Trước yêu cầu có tính chất bao trùm của sự phát triển bền vững, giáo dục Việt Nam trong thời gian qua mới bảo đảm phổ cập giáo dục tiểu học ở mức trên 95% trẻ em đi học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt gần 90%. Từ đây xuất hiện thuật ngữ “công bằng xã hội ở trình độ thấp” và “bình đẳng xã hội ở trình độ thấp” để chỉ sự công bằng về cơ hội giáo dục đã được mở rộng một cách bình đẳng cho hầu như tất cả mọi người nhưng chỉ ở trình độ giáo dục bậc thấp là phổ cập tiểu học và phổ cập trung học cơ sở. Cần ghi nhận và đánh giá cao thành tựu cơ bản và quan trọng này của giáo dục Việt Nam. Năm 2014, chỉ số giáo dục đóng góp nhiều nhất, tới 43% cho sự phát triển con người của Việt Nam, chỉ số thu nhập đóng góp 40% và chỉ số tuổi thọ đóng góp 17%. Nhờ thành tựu giáo dục mà Việt Nam đạt trình độ phát triển con người thuộc loại cao so với nền kinh tế còn nghèo và đang rút ngắn khoảng cách giữa thứ bậc thu nhập và thứ bậc HDI (Human Development Index, chỉ số phát triển con người). Năm 2014, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đạt giá trị 0.666 và xếp hạng 116, trong khi tổng thu nhập bình quân đầu người là 5,1 nghìn USD (GNI ngang giá sức mua năm 2011) xếp hạng thứ 131. Việt Nam đã giảm được khoảng cách giữa thứ bậc thu nhập và thứ bậc HDI từ 24 năm 2000 xuống còn 15 năm 2014.

Tuy nhiên, tỷ lệ đi học đúng tuổi trung học phổ thông của Việt Nam vào năm 2014 vẫn ở mức thấp là 63,1% tức là có tới hơn một phần ba dân số từ 15-17 tuổi không đến trường trung học phổ thông. Đến năm 2014 chỉ có một phần năm thanh niên tuổi cao đẳng, đại học đến trường cao đẳng, đại học và số còn lại 80% không đến trường cao đẳng, đại học. Theo UNDP (2015), đến năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ có gần 1 triệu thanh niên “tay không” tức là chưa học xong bậc trung học cơ sở và khoảng 1,3 triệu thanh niên chưa học xong bậc trung học phổ thông tham gia thị trường lao động. Đồng thời, có khoảng 1 triệu trẻ em từ 5 - 14 tuổi chưa bao giờ đến trường hoặc đã từng đến trường nhưng bỏ học dở dang. Với tốc độ tăng trung bình hơn 1%/năm của tỷ lệ nhập học đúng tuổi, Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian nữa để bảo đảm phổ cập trung học phổ thông và mở rộng cơ hội giáo dục đại học cho tất cả mọi người.

Từ góc độ tiếp cận phát triển bao trùm, bền vững có thể phát hiện ra một số vấn đề khác về bất bình đẳng xã hội trong giáo dục giữa khu vực thành thị và nông thôn và giữa các vùng miền. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi trung học phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ đạt trên dưới 50% tức là có khoảng một nửa dân số 15 - 17 tuổi ở hai vùng này không đến trường trung học phổ thông. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cao đẳng đại học ở đồng bằng sông Hồng nhiều gấp 3 - 4 lần so với ở vùng vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cao đẳng, đại học ở thành thị nhiều gấp ba lần so với nông thôn. Nói cách khác, về mặt bao trùm xã hội của sự phát triển bền vững, Việt Nam cần thêm thời gian để bảo đảm mở rộng cơ hội nhập học đúng độ tuổi trung học phổ thông và giáo dục sau trung học phổ thông cho tất cả mọi người ở các khu vực thành thị - nông thôn và các vùng miền.

Trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhân lực Việt Nam


Đến năm 2014, Việt Nam mới chỉ có 9,5% dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao, cụ thể là 2,6% trình độ cao đẳng và 6,9% trình độ đại học trở lên. Cấu trúc trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhân lực Việt Nam năm 2014 là: 6,9% đại học, 10,2% cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và 82,8% chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, quy ra 1 thày “đại học” có 1,5 kỹ thuật viên và cao đẳng và 12 thợ giản đơn. Nếu coi trình độ cao đẳng cũng là “thày” thì cấu trúc nhân lực của Việt Nam là: 1 thày/0,8 kỹ thuật viên/8,7 thợ giản đơn. Đây là cấu trúc của mô hình phát triển theo theo chiều rộng đặc trưng cho giai đoạn 1 phát triển dựa vào nhân lực trình độ thấp, tiền công rẻ.

Trong 5 năm qua, Việt Nam đã nâng được tỷ lệ dân số được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ 13,3% năm 2009 lên 17,2% năm 2014 tức là giảm được số người không qua đào tạo từ 86,7% xuống còn 82,8% trong cùng thời kỳ này. Đồng thời, tỷ lệ dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc thấp sơ cấp và trung cấp tăng không đáng kể, trong khi tỷ lệ dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao tăng từ 6% lên 9,5%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao của dân số vẫn rất chậm chỉ đạt 0,7% /năm. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ cần rất nhiều năm để nâng cao tỷ lệ dân số được đào tạo chuyên môn kỹ thuật trong đó có chuyên môn kỹ thuật bậc cao. Từ góc độ tiếp cận phát triển bao trùm bền vững như đã nêu, có thể nói Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn 2 phát triển dựa vào hiệu quả nếu căn cứ vào mức tăng của chỉ số mức thu nhập bình quân đầu người, nhưng sẽ rất chậm chạp đạt tới trình độ phát triển hiệu quả nếu xét theo chỉ số giáo dục - đào tạo trình độ cao.

Trong tình hình giáo dục và trình độ chuyên môn kỹ thuật như vậy mà vẫn có không ít ý kiến cho rằng Việt Nam đang “thừa thày thiếu thợ” một cách thiếu thông tin và thiếu phân tích các bằng chứng ví dụ như vừa nêu. Nếu Việt Nam tiếp tục chậm chạp chuyển đổi mô hình phát triển mà cụ thể ở đây tiếp tục duy trì phổ cập giáo dục trình độ thấp và nâng cao chất lượng của các cấp bậc giáo dục thấp thì nguy cơ xảy ra đối với phát triển không chỉ là “bẫy thu nhập trung bình” mà cả “bẫy giáo dục trung bình thấp”. Một số nghiên cứu cho biết, đến năm 2014 số năm đi học trung bình của dân số Việt Nam thuộc loại ngang bằng với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, với số năm đi học trung bình là 7,5 năm, Việt Nam vẫn thua kém các nước phát triển cao như Malaysia với số năm đi học trung bình là 10 năm và Hàn Quốc là 11,9 năm. Đáng chú ý là số năm đi học kỳ vọng của Việt Nam là 11,9 năm thấp hơn mức 12,7 năm của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, thấp hơn 13,1 năm của Trung Quốc, 13,5 năm của Thái Lan và thấp hơn nhiều so với 16,9 năm của Hàn Quốc.

Chính sách giáo dục vì phát triển bao trùm, bền vững

Khi bàn luận về giáo dục - đào tạo, có một câu hỏi hóc búa đặt ra là: tại sao giáo dục của Việt Nam đạt thành tích cao chẳng thua kém gì nhiều nước khác mà Việt Nam vẫn nghèo? Câu trả lời có lẽ nằm ở cái gọi là “bẫy giáo dục trung bình” và “bình đẳng xã hội ở trình độ thấp”, tức là Việt Nam có tỷ lệ dân số biết chữ cao và đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, nhưng chỉ một thiểu số có cơ hội giáo dục sau trung học phổ thông và giáo dục đại học. Trong khi đó năng suất lao động tăng cao là nhờ vào nhân lực trình độ cao chứ không phải nhờ vào lao động giản đơn và lao động trình độ thấp.

Một câu hỏi khác đặt ra là: Việt Nam đã chi tiêu rất nhiều cho giáo dục rồi vậy cần gì phải đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục? Câu hỏi này bắt nguồn từ số liệu cho biết, Việt Nam đã tăng tỷ trọng chi tiêu cho giáo dục từ 3,5% GDP năm 1999 lên 5,5% GDP năm 2010. Với mức 5,5% GDP cho giáo dục, Việt Nam chi tiêu nhiều cho giáo dục không kém gì thậm chí còn hơn các nước thu nhập cao với mức chi là 5,4% GDP và vượt xa mức chi 4,6 - 4,8% GDP của các nước thu nhập thấp và các nước thu nhập trung bình. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn có thể thấy vấn đề nằm ở chỗ mức chi tiêu cho giáo dục bình quân đầu người theo giá USD hiện hành của Việt Nam mới chỉ đạt mức thấp là 64 USD/người vào năm 2010. Trong khi mức chi tiêu cho giáo dục bình quân đầu người của Thái Lan là 162 USD, Malaysia là 477 USD, các nước thu nhập trung bình thấp là 105 USD, các nước thu nhập trung bình cao là 332 USD và các nước thu nhập cao là 1.792 USD và của thế giới là 644 USD gấp hơn 10 lần so với mức chi 64 USD của Việt Nam. Một phần khác của câu trả lời có lẽ nằm ở cấu trúc chi tiêu cho các cấp bậc giáo dục: Việt Nam có lẽ dành tỷ trọng chi tiêu quá nhiều, hơn 28% cho giáo dục tiểu học và gần 22% cho trung học cơ sở; nhưng dành tỷ trọng quá ít, hơn 8% cho giáo dục mầm non, hơn 11% cho giáo dục trung học phổ thông, hơn 13% cho giáo dục nghề, và hơn 12% cho giáo dục cao đẳng, đại học. Một nghiên cứu của OECD (2014) cho biết, mức chi tiêu bình quân một học sinh tiểu học ở Việt Nam năm 2011 chiếm 27,6% GDP bình quân đầu người, đạt mức cao nhất trong các nước Đông Á và cao hơn cả mức trung bình 23% của các nước OECD.

Việt Nam dành tỷ trọng chi tiêu quá ít cho giáo dục mầm non, rất có thể vì vậy mà đến năm 2012 tỷ lệ nhập học mầm non mới chỉ đạt 34,6%, có nghĩa là 65,4% trẻ em Việt Nam không có cơ hội để phát triển năng lực trong giai đoạn trước khi đến trường tiểu học. Theo cách tiếp cận bao trùm và bền vững, việc thiếu năng lực phát triển ở giai đoạn đầu đời của các cá nhân sẽ dẫn đến thiếu năng lực lao động và thiếu cơ hội việc làm chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp, chất lượng cuộc sống thấp và chậm phát triển. Do đó vấn đề đặt ra không chỉ là tăng tỷ trọng chi tiêu cho giáo dục trong GDP mà là tăng mức chi tiêu cho giáo dục bình quân đầu người và phân bổ, sử dụng hợp lý và có hiệu quả các khoản chi tiêu, đầu tư cho giáo dục các cấp từ mầm non đến đại học. Liên quan đến điều này, có thể nói chính sách giáo dục của Việt Nam đã dành đầu tư quá nhiều cho việc nâng cao chất lượng bên trong, chất lượng nội bộ của giáo dục trên cơ sở tập trung cải cách nội dung chương trình, sách giáo khoa, giáo trình. Do đó đã đến lúc đổi mới tư duy chính sách giáo dục cần chuyển trọng tâm sang nâng cao chất lượng bên ngoài hiểu theo nghĩa là đáp ứng yêu cầu của sự phát triển bao trùm và bền vững về tăng tỷ lệ trẻ em có cơ hội phát triển năng lực ở giai đoạn đầu đời, tức là giáo dục mầm non và tăng tỷ lệ dân số được giáo dục - đào tạo trình độ bậc cao sau trung học phổ thông và đại học trở lên.

Câu hỏi thực tiễn cần viện đến thực tiễn trả lời: lời giải đầy thuyết phục có thể được tìm thấy ở thực tiễn của hàng triệu gia đình Việt Nam đang đầu tư cho con, cháu học tập để sao cho thi đỗ trúng tuyển vào trường đại học. Trên thực tế chắc khó có các số liệu chính xác về tác động của trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao như vừa nêu, nhưng các bằng chứng về sự đổi đời nghèo khó lấy đời ấm no của các cá nhân, gia đình có trình độ giáo dục - đào tạo bậc cao rõ ràng là có sức thuyết phục và lan tỏa tác động rất lớn đến việc đầu tư cho giáo dục vì ích lợi kỳ vọng của các cá nhân và gia đình. Do vậy có một nghịch lý là dư luận xã hội về “thừa thày thiếu thợ” càng phổ biến bao nhiêu thì cuộc chạy đua vào đại học của các cá nhân và gia đình càng quyết liệt bấy nhiêu. Điều này trở nên hợp lý và có thể giải thích được nếu như dựa vào cách tiếp cận phát triển bao trùm và bền vững, theo đó có thể thấy là bất kỳ một sự tiến bộ xã hội nào cũng là kết quả của vô số các hành động lựa chọn duy lý của các cá nhân với điều kiện các cá nhân được bảo đảm quyền lựa chọn và các cơ hội được mở rộng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người. Một kinh nghiệm quý báu về làm chính sách phát triển của Việt Nam cần được phát huy ở đây là “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trên cơ sở tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Thực chất, dư luận xã hội về “thừa thày thiếu thợ” phản ánh một thực tế là Việt Nam vừa thừa thày chưa được đào tạo ở trình độ cao vừa thiếu thợ chưa được đào tạo ở trình độ cao, và do vậy cần đổi mới chính sách để sao cho tất cả các thày và thợ đều cần phải được giáo dục - đào tạo ở trình độ cao cho sự phát triển bao trùm và bền vững./.
-----------------------------------------------------------
(1) Lê Ngọc Hùng. “Từ đổi mới tư duy lý luận đến biến đổi cấu trúc kinh tế - xã hội ở Việt Nam”. Tạp chí Cộng sản (điện tử), ngày 12/12/2014. http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/ Nghiencuu-Traodoi/2014/30824/Tu-doi-moi-tu-duy-ly-luan-den-bien-doi-cau-truc.aspx

(2) UNDP. Tăng trưởng vì mọi người : Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, Tr.60

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét