Hay là: tự tin, tự trọng, tự tôn, tự hào, tự lập, tự lực tự cường, tự nguyện, tự giác...
Dở là: tự đắc, tự ti, tự tư tự lợi, tự phụ tự mãn, tự cao tự đại...
Liên hệ đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII mới đây về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, thấy có hai cái tự không chỉ dở mà còn rất nguy hại: “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Hơn 3 thập niên trước, thời còn Chiến tranh lạnh giữa hai hệ thống thế giới, chúng ta từng nghe nói đến âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đế quốc chủ nghĩa nhằm phá hoại các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, không qua chiến tranh và súng đạn... Đáp lại, phe ta tiến hành cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”.
Ở nước ta, 8 năm sau đổi mới, năm 1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta cảnh báo bốn nguy cơ trước mắt của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó, “diễn biến hòa bình” là một.
Năm 2016, qua 30 năm đổi mới, mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, Đại hội XII của Đảng vẫn nhận định: bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế và nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta.
Vậy trong cuộc chiến giữa “diễn biến hòa bình” và “chống diễn biến hòa bình”, phải chăng các thế lực thù địch ở thế tiến công, còn ta trong thế bị động? Không hoàn toàn như vậy. Nhưng cũng cần thấy, trận địa tư tưởng của ta còn nhiều khoảng trống, có lúc bị buông lơi. Thực tế là, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đang làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Về những biểu hiện của suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đưa ra sự nhận diện khá đầy đủ. Và chỉ rõ: sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường.
Xin hãy thử xem.
Có những cán bộ, đảng viên mới ngày nào còn thề trung thành với Đảng, với cách mạng nay bỗng quay ngoắt lại, trở thành con người khác. Họ lên tiếng phản bác, phủ nhận những gì trước đây họ từng ủng hộ, cho là đúng, là phải. Những biểu hiện cụ thể là: phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng. Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang, đòi “phi chính trị hóa” quân đội và công an... Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí và văn học - nghệ thuật, cổ súy cho tư tưởng dân chủ cực đoan, thổi phồng mặt trái của xã hội.
Đó còn là: nói, viết và làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Câu kết với các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá quan điểm đối lập, thậm chí vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá.
Về sự nhận diện này, có câu hỏi đặt ra là: liệu nhận diện như vậy có quá khắt khe, cứng nhắc và cường điệu? Có làm cho những người có ý kiến phản biện cảm thấy bị quy chụp chăng?
Ai chẳng biết, phản biện xã hội, tự do tư tưởng, tự do phát biểu ý kiến là những quyền đã được luật pháp công nhận. Nhưng phản biện là để tìm ra lẽ phải, ủng hộ cái đúng, phê phán cái sai nhằm xây dựng chế độ chứ đâu phải để phản bác, phủ nhận, phá bỏ sạch trơn? Chắt lọc, tiếp thu có chọn lựa cái hay, cái tốt của các nền dân chủ Đông - Tây không có nghĩa là bê nguyên xi mô hình của nước này hay nước khác vào nước ta.
Bản nhận diện không chỉ đích danh cá nhân hay tổ chức cụ thể nào, nhưng qua đó, mỗi người, mỗi tổ chức có thể tự liên hệ, tự kiểm điểm để phòng, tránh và khắc phục.
Suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là biểu hiện của sự thoái hóa, nhưng ở “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sự thoái hóa đã đến mức thành biến chất.
Phương thuốc hữu hiệu là gì? Là thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII nêu lên.
Đối với mỗi cá nhân, tổ chức, việc trước hết là phải tự học tập, rèn luyện. Không ai từ xấu trở thành tốt mà không qua rèn luyện. Còn nếu buông thả theo những dục vọng cá nhân thì tốt trở nên xấu chỉ là trong gang tấc.
Chuyện xưa kể lại: một con cáo nhờ khổ công tu luyện nghìn năm mà được hóa thành người, rồi chỉ một phút lỡ lầm vì dục vọng mà bị trừng phạt, tức khắc từ kiếp người trở lại nguyên hình kiếp thú.
Cậu chuyện có vẻ hoang đường, nhưng phía sau nó là một thứ đạo lý có thể giúp những ai trót sa chân vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tĩnh tâm nghĩ lại./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét