Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức.

Phương thức lãnh đạo của Đảng là tổng thể các hình thức, phương pháp, quy chế, quy trình, phong cách, lề lối làm việc mà Đảng sử dụng để tác động vào đối tượng lãnh đạo, nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Đại hội XII của Đảng đánh giá: “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới…Việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở có bước tiến bộ…”1. Tuy nhiên: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn chậm, nhất là việc cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có những nội dung còn lúng túng…Tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít chậm được khắc phục”2. Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong thời gian tới, tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với Nhà nước. Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đảng lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền đồng bộ cả trong lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đảm bảo cho Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đảm bảo Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Lãnh đạo Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, nhất là đối với việc quản lý, sử dụng các nguồn nhân lực của đất nước. Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động giám sát của Quốc hội với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Chính phủ, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, với vai trò là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Đổi mới, kiện toàn, tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử; bảo đảm nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, đương sự. Thực hiện đầy đủ quyền công tố trong hoạt động điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Đảng tập trung lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách về cán bộ, công chức. Đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện thí điểm dân trực tiếp bầu một số chức danh ở cơ sở và cấp huyện; mở rộng đối tượng thi tuyển chức danh cán bộ quản lý. Tiếp tục hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi công cụ; xác định rõ thêm trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan hành chính. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gắn với thực hành tiết kiệm trong cơ quan nhà nước và trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương quản lý biên chế thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị. Khẩn trương tinh giản tổ chức, bộ máy, gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Thực hiện đồng bộ mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ mới.
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc đổi mới, hoàn thiện luật pháp, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Xác định rõ hơn và thực hiện đúng tiêu chí, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội bầu giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tăng cường lãnh đạo, định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nội dung hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đa dạng hóa hình thức tổ chức và hoạt động; phát huy tính năng động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân; đại diện, chăm lo lợi ích, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị. Tăng cường lãnh đạo xây dựng và thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với các cơ quan đảng, nhà nước, cán bộ, đảng viên, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khắc phục tình trạng quan liêu hóa, hành chính hóa hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Tiếp tục hoàn thiện, xác định rõ và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện tốt quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội; quan hệ giữa Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc với đảng đoàn các tổ chức thành viên. Phân biệt rõ hơn nguyên tắc hiệp thương chính trị trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc với nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của đảng đoàn và sinh hoạt đảng của đảng viên ở Mặt trận Tổ quốc. Tăng cường sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Mặt trận đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bằng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giải thích rõ quan điểm, đường lối của Đảng để tạo sự thống nhất cao trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ba là, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đảng lãnh đạo xã hội bằng đường lối, chính sách. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Sự đúng đắn về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là điều kiện tiên quyết để giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước.
Tiếp tục mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia đóng góp xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học trong tham mưu, tư vấn, đề xuất, cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành đường lối, chính sách, pháp luật. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Từng bước làm sáng tỏ thêm mục tiêu, mô hình, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật. Nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ của cán bộ, đảng viên trong xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước. Tăng cường sự lãnh đạo, định hướng, cho ý kiến chỉ đạo của Đảng đối với việc xây dựng, ban hành pháp luật của Nhà nước. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện đúng chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bốn là, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Trước hết, cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng, hoạt động và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong đổi mới và thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng. Phát huy dân chủ trong Đảng phải luôn gắn liền với giữ vững, củng cố tập trung, đoàn kết, thống nhất, tăng cường kỷ luật trong Đảng. Khắc phục tình trạng tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, dân chủ hình thức, vô tổ chức, vô kỷ luật, phân tán, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm.
Thực hiện nghiêm chế độ thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng. Xác định, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng từ Trung ương đến cơ sở; chức trách, nhiệm vụ của từng thành viên trong cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, đặc biệt là chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Giữ vững và kết hợp chặt chẽ giữa sự lãnh đạo của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với cá nhân phụ trách; phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Quy định rõ hơn thẩm quyền và trách nhiệm của ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Kết hợp chặt chẽ giữa sự lãnh đạo, quản lý tập trung, thống nhất của Trung ương với đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, phát huy quyền chủ động, sáng tạo gắn liền với đề cao trách nhiệm của địa phương. Khắc phục tình trạng buông lỏng lãnh đạo, bao biện làm thay, trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm, tranh công, đổ lỗi, thành tích thuộc về cá nhân, sai lầm, khuyết điểm thuộc về tập thể.
Cơ quan lãnh đạo, cơ quan tham mưu của Đảng ở tất cả các cấp đều phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch, quy chế làm việc. Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quy chế làm việc của từng cơ quan lãnh đạo, tham mưu của Đảng. Xác định, lựa chọn chính xác, kịp thời những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn cụ thể, tập trung lãnh đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề cơ bản, cấp thiết, trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, khắc phục những thủ tục rườm rà, bất hợp lý, giảm hội họp.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cách ra nghị quyết, chỉ thị và việc quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở chỉ ra nghị quyết, chỉ thị khi thật cần thiết, không ra quá nhiều nghị quyết, chỉ thị ở một nhiệm kỳ và ở một hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết, chỉ thị của các cơ quan lãnh đạo của Đảng cần ngắn gọn, đủ, rõ chủ trương, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phân công thực hiện rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành; rút ngắn thời gian nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. Các cơ quan lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải xây dựng phong cách làm việc khoa học, khách quan, tôn trọng sự thật, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng cần dành nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu lý luận; đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện nghị quyết, chỉ thị và tổng kết thực tiễn, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với đảng viên và nhân dân.
Tóm lại, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là công việc hệ trọng, đòi hỏi các cấp phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao; đồng thời, cần thận trọng, có bước đi vững chắc, vừa làm vừa tổng kết rút kinh nghiệm, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, sát với đặc điểm, nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng ngành và từng địa phương.
Đại tá, PGS, TS. PHẠM VĂN THẮNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét