Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Đằng sau động thái triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối của Mỹ ở Hàn Quốc

Sau nhiều lần hội đàm và chuẩn bị, ngày 08-7-2016, Mỹ và Hàn Quốc chính thức tuyên bố quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối ở Hàn Quốc. Vậy, đằng sau động thái này là gì? Đơn thuần là đánh chặn tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên hay còn ý đồ nào khác?Trấn an các nước trong khu vực

Để thực hiện quyết định này, Mỹ đã đưa ra nhiều lý lẽ nhằm trấn an các nước trong khu vực. Ngay cả với Hàn Quốc - quốc gia đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối cũng được Trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ca-thơ-rin Hích trấn an rằng, “Hàn Quốc có nhiều cách trợ giúp Mỹ triển khai phòng ngự tên lửa đạn đạo ở Đông Nam Á, ngoài việc tích cực tăng cường phòng vệ bản thân hoặc trực tiếp tham gia hệ thống phòng thủ của Mỹ, Hàn Quốc cũng có thể thông qua hệ thống ra-đa đóng góp cho hệ thống chống tên lửa đạn đạo của Mỹ”. Đây là lời giải thích mang nhiều hàm ý phục vụ cho ý đồ chiến lược triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên. Theo giới phân tích Mỹ, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ được triển khai sẽ làm gia tăng ảnh hưởng của Mỹ và Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Mặt khác, hệ thống này tham gia vào hệ thống phòng thủ chung sẽ tạo nhiều tầng, nhiều lớp, đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc. Bởi lẽ, hệ thống này có khả năng tiêu diệt các tên lửa của Triều Tiên trước khi chúng hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, Mỹ và Hàn Quốc không những tăng cường khả năng phòng thủ, mà còn tăng khả năng răn đe, ngăn chặn khả năng tấn công bằng tên lửa đạn đạo (có thể gắn đầu đạn hạt nhân) của Triều Tiên. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ các lực lượng quân sự của liên minh Hàn - Mỹ, cũng như đảm bảo an ninh của Hàn Quốc và người dân trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.
Đối với Trung Quốc và Nga, Mỹ và Hàn Quốc biện hộ rằng, hệ thống này chỉ nhằm vào Triều Tiên, không có khả năng tấn công các nước ngoài bán đảo Triều Tiên. Ngày 26-7-2016, hãng tin Roi-tơ dẫn lời một quan chức chính quyền Mỹ cho biết, “đây hoàn toàn chỉ là biện pháp phòng vệ. Nó không nhằm vào bên nào ngoài Triều Tiên và mối đe dọa từ họ. Hệ thống vũ khí phòng vệ này không được thiết kế hoặc có đủ khả năng để đe dọa các lợi ích an ninh của Trung Quốc”. Tham mưu trưởng quân đội Mỹ - Mác A. Mi-lây trấn an Trung Quốc là, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Hàn Quốc chỉ nhằm đối phó với tên lửa của Triều Tiên, không đe dọa đến an ninh của Trung Quốc. Đồng thời, có những lời lẽ trấn an người đồng cấp Trung Quốc - Li Zu-cheng: hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối chỉ là biện pháp phòng vệ. Cùng với đó, Hàn Quốc cũng khẳng định, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối hoàn toàn để tự vệ, không có ý nhằm vào Trung Quốc và Nga. Những lời giải thích trên của Mỹ và Hàn Quốc không thể làm hài lòng Trung Quốc và Nga, bởi các tính năng kỹ thuật của hệ thống phòng thủ này. Theo giới khoa học quân sự Trung Quốc, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối ở Hàn Quốc, nhằm thực hiện các ý đồ chiến lược sau: (1) ngăn chặn mối đe dọa chiến lược hạt nhân mà Trung Quốc có thể gây ra cho Mỹ từ phía Tây Thái Bình Dương; (2) sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối chủ yếu để đánh chặn tên lửa tầm trung và tầm xa từ 3.500km trở lên, thực chất là nhằm vào các mục tiêu nằm trên lãnh thổ Nga và Trung Quốc.
Thực hiện giám sát khu vực Đông Bắc Á
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối được triển khai ở Hàn Quốc, nó có chức năng như “kính viễn vọng cực lớn”. Thực tế, hệ thống này được trang bị ra-đa sóng ngắn, có thể dò tìm mục tiêu ở cự ly xa nhất là 2.000km. Thông qua hệ thống này, Mỹ sẽ nắm chắc các cơ sở quân sự ở Đông Bắc Trung Quốc, các hoạt động huấn luyện quân sự và sẵn sàng chiến đấu của PLA (Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa). Như vậy, đương nhiên hệ thống này được kích hoạt sẽ gây ra các mối đe dọa trực tiếp đối với Bắc Kinh. Truyền hình NHK Nhật Bản cũng cho biết, ra-đa trong hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối được triển khai tại Hàn Quốc có tính năng cực mạnh; nó có khả năng giám sát toàn bộ trang bị, vũ khí quân sự bố trí ở phía Đông Bắc Trung Quốc, cùng với các hoạt động thử nghiệm vũ khí. Còn chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Nga đưa ra nhận định, mục tiêu ẩn giấu sau hành động triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Hàn Quốc của Lầu Năm Góc là nhằm “phong tỏa bờ Đông của Trung Quốc”, kiểm soát các chiến hạm và máy bay của Trung Quốc xuất phát từ phía Đông nước này; đồng thời, cản trở Bắc Kinh xây dựng hạm đội tàu viễn dương. Các chuyên gia quân sự cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ giám sát được một khu vực lớn duyên hải phía Đông Trung Quốc và biển Hoa Đông, cùng với một phần khu vực Viễn Đông của Nga và các vùng biển giáp Nga. Đây là nguyên nhân chính khiến Bắc Kinh và Mát-xcơ-va kiên quyết phản đối hành động này của Oa-sinh-tơn và Xơ-un.
Phá thế ổn định chiến lược trong khu vực
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối triển khai ở Hàn Quốc thành hiện thực, thì bố cục hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ sẽ gây bất ổn chiến lược ở khu vực, thậm chí toàn cầu. Cuộc chạy đua vũ trang sẽ diễn ra ở Đông Bắc Á: Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa quân đội, Triều Tiên tập trung mọi nguồn lực hạt nhân hóa, Nga đang tăng cường sức mạnh quân sự về vùng Viễn Đông, Mỹ tăng cường xoay trục của mình, Hàn Quốc và Nhật Bản đều gia tăng các năng lực phòng thủ, v.v. Cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực này sẽ không diễn biến nhanh đến mức có thể mà nó sẽ gia tăng đều đặn, phụ thuộc vào năng lực của mỗi bên, mặc dù có một vài sự gia tăng đột ngột, đặc biệt là Triều Tiên. Trước hết, các nước sẽ tập trung nâng cao khả năng phòng thủ, đương nhiên phải buộc bên kia tìm cách gia tăng số lượng tên lửa đạn đạo, nâng cao khả năng đột phá, thậm chí phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của mình. Thứ hai, mặc dù khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ có nhiều tính năng vượt trội, nhưng vẫn có những hạn chế. Bởi lẽ, tuy là hệ thống phòng thủ, nhưng Mỹ đã tính đến tấn công nhiều hơn phòng thủ, nên càng gây mất ổn định chiến lược. Để hiện thực hóa ý đồ, Oa-sinh-tơn nghiên cứu phát triển vũ khí năng lượng định hướng, pháo quỹ đạo điện từ, chiến tranh mạng, v.v. Đáng chú ý là ngoài việc phòng thủ, Mỹ còn bắt đầu tiến hành nghiên cứu chiến lược “vô hiệu hóa tên lửa trước khi được phóng”. Biện pháp này có tính “xâm lược” rất mạnh, bởi nó sử dụng chiến tranh điện tử, chiến tranh mạng, “tác chiến tiến công”,… nhằm phá hoại trước việc phóng tên lửa đạn đạo của đối phương. Mỹ còn có tham vọng là, sau khi hoàn thành việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối ở Hàn Quốc, sẽ tìm mọi cách thuyết phục Tô-ky-ô cho phép triển khai hệ thống này ở Nhật Bản. Nếu ý tưởng này được thực hiện, sẽ hình thành hệ thống phòng thủ tên lửa hoàn chỉnh của ba nước (Nhật - Mỹ - Hàn Quốc). Đi cùng với nó là sự thống nhất về trinh sát tình báo, chia sẻ thông tin và chỉ huy, kiểm soát.
Trước tình hình đó, Trung Quốc và Nga không thể ngồi nhìn mà sẽ tập trung nghiên cứu phát triển và hợp tác trên phương diện kỹ thuật quân sự, nhất là khả năng đột phá phòng không của tên lửa chiến lược, tiến tới buộc hai bên rơi vào vòng luẩn quẩn, chạy đua vũ trang để kiềm chế và chống kiềm chế, có thể lại giẫm phải vết xe đổ của chiến tranh Lạnh. Do vậy, đồng thuận và lòng tin giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ không còn. Đó là căn nguyên để Triều Tiên công khai gia tăng các hành động chống Hàn Quốc, liên quân Mỹ - Hàn, đối đầu quân sự giữa các nước lớn, gây ra mâu thuẫn và va chạm trong khu vực. Không loại trừ Triều Tiên mượn cơ hội, tận dụng mâu thuẫn giữa Trung Quốc - Mỹ - Nga, có những hành động trực tiếp, mạo hiểm, dẫn tới xung đột quân sự, thậm chí phát động chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc và Nga cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối là không cần thiết và chính nó làm nghiêng cán cân sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương về phía Mỹ. Đồng thời, cảnh báo động thái này “ảnh hưởng nghiêm trọng” đến an ninh Đông Bắc Á, không đóng góp cho nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Hình thành khối quân sự “NATO” ở Đông Bắc Á
Giới phân tích cho rằng, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ tại Hàn Quốc sẽ là bước đệm để củng cố liên minh quân sự Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc. Sau khi hoàn tất việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ tại Hàn Quốc, bước tiếp theo là kết nối với hệ thống phòng thủ tên lửa ở Nhật Bản. Nếu các hệ thống phòng thủ của Mỹ ở khu vực này được kết nối, nó sẽ kéo theo việc đảm bảo thông tin tình báo, chỉ huy lực lượng,... cuối cùng là một quyết định được đưa ra. Nó không thể được đưa ra từ bộ chỉ huy tối cao của Hàn Quốc hay của Nhật Bản mà tất nhiên là phải từ “người Mỹ”. Để đạt được mục tiêu đó, Oa-sinh-tơn đang tìm cách hình thành một “NATO” ở Đông Bắc Á. Theo đó, Oa-sinh-tơn sẽ đẩy mạnh tiếp xúc, hội đàm với Tô-ky-ô triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Nhật Bản, nhằm hoàn chỉnh hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo toàn cầu của mình. Trên thực tế, Mỹ công khai bật đèn xanh cho Nhật Bản bình thường hóa về quân sự. Sự ủng hộ này của Mỹ đã tăng cường lòng tin cho Nhật Bản tiến hành “mạo hiểm quân sự”, gia tăng khả năng sử dụng các biện pháp quân sự đối với bên ngoài. Mặt khác, có thể dựa vào chuỗi đảo xây dựng bức tường phòng thủ tên lửa tương tự như ở Đông Âu nhằm vào Nga, làm suy yếu khả năng đáp trả chiến lược và đột phá phòng không của các đối thủ chiến lược tiềm tàng như Trung Quốc, Nga. Đúng như dự tính của Mỹ, gần đây, Nhật Bản đánh tiếng mua sắm hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ. Như vậy, Nhật Bản đã có những bước đi trúng ý của Mỹ. Đây là thời cơ để Mỹ thiết lập “NATO” ở Đông Bắc Á.
Thượng tá TRƯƠNG BẢO ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét