Vai trò của Đảng Cộng sản, của Nhà nước XHCN và năng lực làm chủ của nhân dân với tư cách là nhân tố chủ quan quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển KTTT định hướng XHCN ở nước ta là không thể phủ nhận. Đảng và Nhà nước vừa có vai trò lãnh đạo, tổ chức và quản lý mang tính sáng tạo không thể thay thế, quần chúng nhân dân là chủ thể thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực sinh động. Khi “ý Đảng” và “lòng dân” cùng nhất trí và đồng thuận sẽ tạo nên sức mạnh không gì lay chuyển nổi. Việc phát huy vai trò của những nhân tố chủ quan đó là yêu cầu không thể thiếu, bởi nó không chỉ là “bà đỡ” cho những điều kiện, tiền đề của KTTT định hướng XHCN được tạo lập mà còn chủ động can thiệp trên cơ sở tôn trọng các quy luật khách quan để khắc phục những mặt trái, những khuyết tật của thị trường, bảo đảm cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” từng bước trở thành hiện thực.
Công cuộc đổi mới nói chung, xây dựng nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta hiện nay nói riêng, đang diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Thực tế cho thấy, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi diện mạo của đất nước thì những hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta vẫn đang đối diện với những thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục giải quyết. Một trong những nhân tố đó là chúng ta chưa nhận thức đúng và đầy đủ về những điều kiện khách quan cùng những nhân tố chủ quan, mối quan hệ biện chứng và sự tác động đa chiều, đan xen của nó trên các mặt, các phương diện của đời sống. Do đó, có lúc chúng ta tuyệt đối hóa những yếu tố, những điều kiện khách quan mà không thấy hết vai trò của nhân tố chủ quan; hoặc quá nhấn mạnh nhân tố chủ quan mà chưa đánh giá đúng mức vai trò, sự tác động của điều kiện khách quan trong tiến trình vận động, phát triển.
Hiện nay, quan niệm về điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Hiểu theo nghĩa chung nhất hiện nay, điều kiện khách quan là tổng thể các mặt, các yếu tố, các quá trình và các quan hệ (cả vật chất lẫn tinh thần), độc lập với chủ thể, không phụ thuộc vào ý thức của chủ thể và chi phối hoạt động của chủ thể.
Nhân tố chủ quan là tổng thể các yếu tố thuộc về năng lực, phẩm chất của chủ thể, tạo nên tính tích cực, chủ động, sáng tạo của chủ thể trong hoạt động nhận thức và vận dụng, cải biến điều kiện khách quan để thực hiện mục tiêu xác định.
Điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan không hoàn toàn biệt lập, đối lập nhau một cách tuyệt đối mà sự phân biệt ở đây chỉ mang tính tương đối, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh và những mối quan hệ cụ thể.
Điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Tuy điều kiện khách quan giữ vai trò quyết định đối với nhân tố chủ quan, song nhân tố chủ quan không phải cái hoàn toàn thụ động mà nó cũng có vai trò quan trọng, thể hiện trong nhận thức, vận dụng và cải biến điều kiện khách quan. Vì vậy, ý nghĩa biện chứng giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan chính là ở chỗ, nó đòi hỏi phải phát huy vai trò của nhân tố chủ quan - nghĩa là phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo của chủ thể trong việc nhận thức, vận dụng quy luật khách quan để cải biến hiện thực. Quá trình đó đòi hỏi phải khắc phục cả hai khuynh hướng sai lầm, cực đoan - hoặc là thụ động, bảo thủ; hoặc là chủ quan duy ý chí, bất chấp điều kiện, quy luật khách quan trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Theo nghĩa trên, nói đến nhân tố chủ quan trong phát triển KTTT định hướng XHCN ở nước ta hiện nay chủ yếu là nói đến vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, năng lực làm chủ của nhân dân. Vì vậy, phát huy vai trò của nhân tố chủ quan nghĩa là phải nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và nâng cao năng lực làm chủ của nhân dân trong việc tạo lập những tiền đề vững chắc cho nền kinh tế thị trường; khai thác những thuận lợi, hạn chế những rủi ro từ sự tác động của điều kiện khách quan; kịp thời phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh, bảo đảm giữ vững định hướng XHCN trong phát triển KTTT ở nước ta hiện nay. Điều đó được thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:
Một là, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển KTTT định hướng XHCN
Vai trò của Đảng với tư cách là nhân tố chủ quan, thể hiện ở chỗ Đảng xác định đường lối, chiến lược, sách lược đúng đắn, từ đó tạo lập những điều kiện, tiền đề cần thiết bảo đảm cho những mục tiêu của nền KTTT định hướng XHCN trở thành hiện thực. Đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về KTTT định hướng XHCN từng bước được hiện thực hóa trong cuộc sống.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường hiện nay, việc giữ vững và không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng (với tư cách là nhân tố chủ quan quan trọng) là một trong những yêu cầu hàng đầu của sự nghiệp cách mạng. Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết, bảo đảm cho việc xây dựng thành công nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta.
Trên tinh thần đó, để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò nhân tố chủ quan trong phát triển KTTT định hướng XHCN, thì một trong những điều cốt yếu là phải không ngừng đổi mới tư duy lý luận, trước hết là tư duy kinh tế của Đảng, từng bước hoàn thiện lý luận về KTTT định hướng XHCN.
Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta chỉ rõ: “Đây là vấn đề còn chưa thật sáng tỏ về lý luận và còn thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành thực tiễn”(1). Do đó, “Cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện nhận thức khoa học về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt xác định rõ phạm vi, mức độ, nội dung phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất, phù hợp với yêu cầu, điều kiện của đất nước trong giai đoạn 10, 20 năm tới”(2).
Quan niệm về KTTT định hướng XHCN hiện nay là kết quả của quá trình tìm tòi, thể nghiệm, tổng kết từ thực tiễn đổi mới, kết hợp với sự tham khảo kinh nghiệm xây dựng, phát triển nền KTTT của các nước. Lịch sử phát triển của các nước cho thấy, để giàu mạnh, phồn vinh cần phát triển KTTT.Thời kỳ quá độ lên CNXH,sử dụng KTTT để phục vụ cho mục tiêu phát triểndo đó là một yếu tố khách quan. Ở Việt Nam là mô hình KTTT định hướng XHCN.
Vận dụng sáng tạolý luận và từ tổng kết thực tiễn đất nước, Đảng ta đã khẳng định, KTTT và mục tiêu XHCN không phải là sự đối chọi không thể dung hợp mà đó là phương thức hữu hiệu để tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.Qua các kỳ đại hội, từ Đại hội VI đến nay, quan niệm của Đảng về nền KTTT định hướng XHCN không ngừng phát triển và ngày càng hoàn thiện. Đại hội XII của Đảng (2016) khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, cần thống nhất nhận thức về nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta “là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(3). Mặc dù vậy, hàng loạt vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN, như: sự vận động của các quan hệ sở hữu, các thành phần kinh tế, các quan hệ trong tổ chức quản lý cũng như trong quan hệ phân phối; mối quan hệ giữa các quy luật của kinh tế thị trường với các yêu cầu xã hội phải giải quyết theo mục tiêu XHCN... vẫn đang cần phải được nghiên cứu làm sáng tỏ hơn.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, cùng với việc đổi mới tư duy lý luận, nhất là tư duy kinh tế, từng bước hoàn thiện lý luận về KTTT định hướng XHCN, để giữ vững và không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển KTTT định hướng XHCN, đòi hỏi nâng cao năng lực lãnh đạo kinh tế của các tổ chức đảng, tăng cường sự lãnh đạo và kiểm tra về phát triển kinh tế. Mặt khác, Đảng phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, kiên trì đường lối đổi mới trên nguyên tắc và sáng tạo; Đảng phải được xây dựng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng cao sức chiến đấu; phải thường xuyên chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh, phẩm chất và trí tuệ; phải gắn bó máu thịt với nhân dân, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường và nâng cao chất lượng của công tác kiểm tra, giám sát; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” được thực hiện một cách cụ thể và sinh động trong hiện thực.
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong phát triển KTTT định hướng XHCN
Có ý kiến cho rằng, chuyển sang kinh tế thị trường thì Nhà nước không cần can thiệp vào kinh tế và không phải xây dựng kế hoạch kinh tế vĩ mô... Đó là ý kiến hoàn toàn sai lầmvàthiếu căn cứ. Thực tiễn đổi mới cho thấy, sự năng động của nền KTTT không thể tương dung với cơ chế quản lý cứng nhắc, mệnh lệnh hành chính, quan liêu; bộ máy quản lý cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả. Trong phát triển KTTT định hướng XHCN, vai trò của Nhà nước thể hiện rõ ở việc “định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển”(4).
Nhà nước Việt Nam là chủ thể quản lý, đồng thời là chủ thể kinh tế lớn nhất của nền kinh tế nước ta. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Nhà nước phải khẳng định vai trò trong việc bảo đảm cho thị trường hoạt động hiệu quả. Do đó, Đại hội X chỉ rõ vấn đề quan trọng là phải giảm thiểu sự can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường và doanh nghiệp. Tách chức năng quản lý hành chính của Nhà nước khỏi chức năng quản lý kinh doanh của doanh nghiệp,bảo đảm nguyên tắc “Nhà nước tác động đến thị trường chủ yếu thông qua cơ chế, chính sách và các công cụ kinh tế”(5). Đại hội XI khẳng định: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế”(6);“chủ động điều tiết, giảm các tác động tiêu cực của thị trường, không phó mặc cho thị trường hoặc can thiệp làm sai lệch các quan hệ thị trường”(7). Nhà nước không thể làm thay thị trường mà chủ yếu là thực hiện vai trò quản lý, kiến tạo môi trường phát triển, đa dạng hóa các chủ thể làm kinh tế, khắc phục các khuyết tật cố hữu của thị trường...Điều đó có nghĩa là, phải giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Bỏ qua hay vi phạm các quy luật thị trường thì sự can thiệp của Nhà nước chẳng những sẽ làm méo mó các quan hệ thị trường, mà các mục tiêu của CNXH cũng khócó thểđược thực hiện.
Nhà nước quản lý nền KTTT định hướng XHCN thông qua hệ thống pháp luật, các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch và cơ chế, chính sách, cùng các công cụ kinh tế, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của thị trường để giải phóng sức sản xuất, phát huy mặt tích cực của cơ chế thị trường, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, của toàn thể dân tộc và phù hợp với yêu cầu xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam. Sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước không chỉ khắc phục những khuyết tật cố hữu của thị trường, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững mà còn thực hiện công bằng xã hội, làm cho mọi người dân đều được hưởng những thành quả chung từ sự tăng trưởng kinh tế, bảo đảm cho các mục tiêu của CNXH từng bước được hiện thực hóa.
Những đổi mới trong quản lý kinh tế của Nhà nước ta thời gian qua đã từng bước tạo tiền đề cần thiết cho nền KTTT ra đời, phát triển, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm định hướng XHCN, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, cải cách hành chính còn chậm, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức còn hạn chế, tham nhũng, lãng phí còn có những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng... khiến cho “Nhà nước của chúng ta chưa thực sự trở thành nhà nước pháp quyền thích ứng trong kinh tế thị trường. Mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước chưa tạo được một cơ chế thỏa đáng”(8). Thực tiễn đó đòi hỏi, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong phát triển KTTT định hướng XHCN cần tiếp tục quan tâm và giải quyết tốt các vấn đề quan trọng, cấp bách đang đặt ra hiện nay, như: tái cấu trúc nền kinh tế; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước trong bối cảnh mới của thời đại; nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, nâng cao vai trò của kinh tế tập thể; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, khắc phục tình trạng bộ máy quản lý hành chính tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh thông qua mệnh lệnh hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của đất nước; kịp thời phát hiện và giải quyết hợp lý những mâu thuẫn nảy sinh từ KTTT trong bối cảnh toàn cầu hóa...
Muốn vậy, Nhà nước phải không ngừng tự hoàn thiện cho phù hợp với những yêu cầu mới, “tập trung tạo dựng thể chế, cơ chế, chính sách và môi trường, điều kiện ngày càng minh bạch, an toàn, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tự do sáng tạo, đầu tư, kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường”(9).
Ba là, nâng cao năng lực làm chủ của nhân dân trong phát triển KTTT định hướng XHCN
Trong quá trình xây dựng, phát triển KTTT định hướng XHCN, nhân dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng phục vụ mà nền kinh tế hướng tới, bởi “Đó là nền kinh tế được xây dựng ở một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhằm mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội”(10).
Để khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các tiềm năng của điều kiện khách quan thì một yêu cầu không thể thiếu là năng lực làm chủ của nhân dân phải được phát huy, đó là một trong những nhân tố chủ quan quan trọng bảo đảm sự thành công của quá trình phát triển KTTT định hướng XHCN và của toàn bộ công cuộc đổi mới đất nước nói chung. Rõ ràng, phát triển một nền kinh tế với mục tiêu vì sự ấm no và hạnh phúc của nhân dân thì đó cũng phải là sự nghiệp do chính nhân dân xây dựng. Do đó, phảitừng bước hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước, nhất là về các chính sách kinh tế, xã hội; bảo đảm để “nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”(11).
Tuy nhiên, để phát huy quyền và năng lực làm chủ của nhân dân, ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống, kích thích lợi ích của người lao động, phải nâng cao trình độ dân trí. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng “chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”(12), đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục theo hướng cập nhật, gắn học với hành, xây dựng xã hội học tập, ưu tiên đầu tư cho giáo dục - đào tạo để giáo dục - đào tạo thực sự trở thành “quốc sách hàng đầu”. Giáo dục và đào tạo phải được xem là khâu then chốt, là yếu tốquyết định trong việc xây dựngnguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của phát triển KTTT định hướng XHCN hiện nay. Đồng thời,thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe và tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đó là những con người “đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật; phát huy tốt vai trò chủ thể sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”(13). Với sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam, quyền và năng lực làm chủ của nhân dân được phát huy sẽ là nhân tố quan trọngđóng góp vào sự thành công của công cuộc đổi mới nói chung, xây dựng và phát triển nền KTTT định hướng XHCN nói riêng.
Như vậy, “Chủ thể lãnh đạo, quản lý, thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thể ai khác là Đảng Cộng sản, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cùng với toàn thể nhân dân làm chủ”(14). Đại hội XII của Đảng (2016) xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế - xã hội và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội”(15[1]) là một trong những phương hướng, nhiệm vụ trọng yếu hiện nay.
Như vậy, vai trò của Đảng Cộng sản, của Nhà nước XHCN và năng lực làm chủ của nhân dân với tư cách là nhân tố chủ quan quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển KTTT định hướng XHCN ở nước ta là không thể phủ nhận. Đảng và Nhà nước vừa có vai trò lãnh đạo, tổ chức và quản lý mang tính sáng tạo không thể thay thế, quần chúng nhân dân là chủ thể thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực sinh động. Khi “ý Đảng” và “lòng dân” cùng nhất trí và đồng thuận sẽ tạo nên sức mạnh không gì lay chuyển nổi. Việc phát huy vai trò của những nhân tố chủ quan đó là yêu cầu không thể thiếu, bởi nó không chỉ là “bà đỡ” cho những điều kiện, tiền đề của KTTT định hướng XHCN được tạo lập mà còn chủ động can thiệp trên cơ sở tôn trọng các quy luật khách quan để khắc phục những mặt trái, những khuyết tật của thị trường, bảo đảm cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” từng bước trở thành hiện thực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét