Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Phát triển mạnh mẽ và không ngừng hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

TCCS - Nhận diện, kiến tạo và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hoàn bị ở nước ta hiện nay, cho tới giờ, vẫn đang là một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn nan giải nhất. Dù các vấn đề liên quan được kiến giải, sử dụng khá phổ biến, rộng rãi: “chủ nghĩa xã hội thị trường và nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, nhưng dường như vẫn chưa ngang tầm với thực tiễn phức tạp, nên sự bàn luận trong giới lý luận và các nhà tổ chức thực tiễn vẫn không ngớt sôi nổi, thậm chí khác biệt nhau và hết sức lý thú(1).

Nói khái lược, nổi bật hai dòng ý kiến chính yếu khi nói về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Một là, khẳng định và chứng minh nó là đúng đắn, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Và, hai là, tâm trạng nghi ngại, thậm chí bác bỏ, cho rằng nó là sự lắp ghép “đầu Ngô mình Sở”(!) bất khả thi, vì các nhân tố cấu thành loại trừ nhau tuyệt đối “như nước với lửa”(!).
Tuy nhiên, cả hai dòng ý kiến này vẫn chưa có sự thuyết phục đủ độ cần thiết, và cố nhiên không thuyết phục được nhau. Vì, hoặc giả là chỉ nhìn nó được kiến tạo cơ học thuần túy như kiểu ghép hai vật với nhau hoặc giả lại bỏ quên “những tầng chìm thực thể”, như C. Mác nói, trong thuộc tính nội tại của nó, xét cả về bình diện lịch sử và phương diện lô-gíc, đang thiếu cách nhìn tổng thể đồng đại và lịch đại. Thành thử không ít vấn đề được đề cập mặt này hay kia nhưng đang còn dang dở, thậm chí nhiều vấn đề cơ bản và chủ yếu lại vẫn đang bỏ ngỏ. Nghĩa là, hơn lúc nào hết, dù muốn hay không, phải tiếp tục nhìn nhận và kiến giải vấn đề này một cách đa diện hơn, rộng rãi và sâu sắc hơn... như chính bản thân vấn đề và thực tiễn đất nước đòi hỏi. 
Nhìn tổng thể, điều then chốt ở đây là, nhận diện và kiến giải tính biện chứng khách quan và lịch sử cụ thể giữa kinh tế thị trường hiện đại và chủ nghĩa xã hội hiện đại, xét trong mối tương tác tất yếu, chứ không phải xem xét các vấn đề tồn tại độc lập tương đối (hay tuyệt đối) hoặc bên nhau thuần túy, cắt khúc; phát hiện sự xuyên thấm tất yếu và sự phát triển trong nhau tự nhiên như âm - dương; chúng không đồng nhất hoàn toàn nhưng không phải là sự chắp nối, loại trừ kiểu “đầu Ngô mình Sở”, như có ý kiến bài xích, không phải là sự đối lập nhau hoàn toàn như “nước với lửa”, như có những người từng lo ngại. Nói cách khác, dù vấn đề không mới, nhưng dứt khoát cần thiết phải trở lại xem vấn đề một cách khách quan, tự nhiên và cần thiết. 
Hai chủ nghĩa với nền kinh tế thị trường và nhận diện các thuộc tính bất biến và khả biến của kinh tế thị trường
1 - “Sự vĩ đại và tính tất yếu nhất thời” trong vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản với kinh tế thị trường
Kinh tế thị trường là gắn liền với quá trình sản xuất hàng hóa, nhưng là trình độ phát triển cao của nền kinh tế hàng hóa. Nền kinh tế thị trường thực sự cũng gắn liền với sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản, có khi như hình với bóng. Cùng với chế độ tư bản chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường trải qua nhiều giai đoạn và mô hình, như kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường cổ điển, kinh tế thị trường hiện đại.
Nhưng khi phê phán chủ nghĩa tư bản thường gắn với phê phán nền kinh tế thị trường với tất cả mặt trái của nó, như phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, phá hoại tài nguyên, chủ nghĩa ích kỷ, tính phi đạo đức, làm tha hóa con người, tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, cạnh tranh sinh độc quyền và độc quyền tiêu diệt tự do cạnh tranh, tạo nên những cuộc khủng hoảng chu kỳ hoặc bất thường...
Nhưng có thời lại ít thấy mặt tích cực của kinh tế thị trường, nhất là tạo nền tảng kinh tế cho quyền tự do; nền kinh tế luôn năng động, sáng tạo (phá hủy hoặc sáng tạo); khả năng tự điều tiết trong huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư và phát triển; và trong nền kinh tế xã hội, kinh tế tri thức thì nền kinh tế thị trường hiện đại có sự can thiệp của nhà nước một cách hợp lý, đã đặt ra yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu bất bình đẳng xã hội...
Như vậy, mặt trái của kinh tế thị trường thì ngược với chủ nghĩa xã hội văn minh, nhưng mặt phải, ưu điểm, ưu việt thì nó, nhất là kinh tế thị trường hiện đại, thúc đẩy và hướng tới chủ nghĩa xã hội, tạo nên lực lượng sản xuất cho chủ nghĩa xã hội, nằm trong xu hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vậy, “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” hay “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là sự thực hiện hữu. Nó đứng trên miếng đất của cơ sở thực tiễn và lý luận của nó, chứ không phải cái thứ “do tưởng tượng ra”(!), “tìm mãi vẫn chưa thấy, vì nó không có”(!), như có ý kiến từng hoang mang. Vấn đề là ở tầm nhìn, phương pháp và khả năng chứ không phụ thuộc vào sự tùy tâm, vào thái độ nhất thời nào đó, cho dù là thiện ý, là tốt đến mấy mươi.
Chủ nghĩa tư bản là một quá trình lịch sử gắn với kinh tế thị trường. Đặc trưng của chủ nghĩa tư bản là hình thức cuối cùng và cao nhất của chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, với việc sản xuất và chiếm đoạt giá trị thặng dư, chiếm đoạt lợi nhuận tối đa vào tay thiểu số mà hiện nay là khoảng 1% dân số ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất, gây nên sự bất bình đẳng cực lớn. Chủ nghĩa tư bản như vậy làm nảy sinh nhiều hệ lụy đẫm máu và mồ hôi trên con đường đi của nó, chiến tranh và nô dịch các dân tộc khác. Nó đã gây nên sự tha hóa nhân cách, lãng phí, gây nên tội ác chiến tranh lớn nhất trong lịch sử với nhiều mặt mà ngay các trí thức gia tư sản cũng coi nó là một xã hội “không thể chấp nhận được”, đang thức tỉnh cuộc đấu tranh xóa bỏ nó, nhất là khi nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó đối với lịch sử. Đúng như một số tác giả phương Tây cho rằng, chủ nghĩa tư bản đã làm tốt vai trò của nó, và hôm nay chứng thực nó hầu như đang đi tới những chặng đường lịch sử gay cấn sinh tồn, trong “tính tất yếu nhất thời” của nó. Đồng thời, cũng chính chủ nghĩa tư bản đã thúc đẩy nền văn minh nhân loại tiến lên vượt bậc, với khoa học và công nghệ ngày càng tiên tiến, năng suất lao động ngày càng cao, cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, văn hóa luôn xuất hiện hệ hình mới (dù có khi mang bệnh hoạn), an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nền dân chủ pháp quyền (cả dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp) cũng ngày càng hiện đại, nhà nước pháp quyền phát triển... Nghĩa là sự rạn vỡ có nguy cơ thành khủng hoảng và những kết quả ấy nó thúc đẩy chủ nghĩa xã hội ra đời trong lòng nó dù là mầm mống hay những tiền đề, tức nó tự phủ định nó trong lòng nó để vượt qua nó, đã nhãn tiền xuất hiện những nhân tố của chủ nghĩa xã hội, một cách tự nhiên không cưỡng lại được.
Như vậy, chủ nghĩa xã hội văn minh ra đời từ chủ nghĩa tư bản phát triển ở trình độ cao nhất, một phương án lịch sử đúng như các nhà kinh điển C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin dự báo: Rằng, chủ nghĩa tư bản hiện đại, dù muốn hay không, đang “mở cửa sổ nhìn sang chủ nghĩa xã hội”.
Nhưng hiện tại thì chưa nảy sinh chủ nghĩa xã hội từ chủ nghĩa tư bản phát triển ở trình độ cao nhất ấy, với tư cách một chế độ xã hội trong hiện thực. Chủ nghĩa tư bản còn tiếp tục con đường trong những chặng cuối cùng của nó. Từ đó xuất hiện tình huống rất mới là có một loại hình chủ nghĩa xã hội tồn tại cùng với chủ nghĩa tư bản đấu tranh, cạnh tranh (và hợp tác) nhau... Chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XX là chủ nghĩa xã hội tập trung, bao cấp, khép kín, phi tư hữu, phi thị trường,... “Chủ nghĩa xã hội tả khuynh” này đã khủng hoảng, thất bại. 
Lịch sử cho thấy, chủ nghĩa xã hội dân chủ hoặc xuất phát từ trình độ thấp về kinh tế tiến dần lên (như Thụy Điển), hoặc từ chủ nghĩa tư bản phát triển được cải biên, sửa chữa mà thành (kiểu chủ nghĩa tư bản nhân dân do đảng xã hội dân chủ cầm quyền kiến tạo,) dù có nhiều biến thái khác nhau, nhưng có nước phá sản, vì mang tính cải lương, nhưng cũng có nước phát triển khá tốt. “Chủ nghĩa xã hội hữu khuynh” này như là phản đề “chủ nghĩa xã hội tả khuynh” đã dựa vào chủ nghĩa tư bản để cải cách nó từng phần, nhưng không cơ bản. Ở các nước “chủ nghĩa xã hội tả khuynh”, có nước quay lại chủ nghĩa tư bản, có nước quay theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, có nước từ đổi mới, cải cách tạo nên trào lưu chủ nghĩa xã hội đổi mới, cải cách. Chủ nghĩa xã hội đổi mới ra đời, tiếp thu thị trường, thừa nhận kinh tế tư nhân, nhà nước pháp quyền... Từ đây khi sang thế kỷ XXI đã xuất hiện một số mô hình “chủ nghĩa xã hội hiện thực mới”. Mô hình này cũng có nhiều đặc trưng chung (kinh tế thị trường, xu hướng dân chủ hóa...) và những khác biệt (nhất nguyên chính trị hay đa nguyên chính trị, mức độ cải cách và hình thức sở hữu và mô hình chính trị...).
Mới đây, với sự kiện brexit, Vương quốc Anh đã “ly khai” Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6-2016, Thổ Nhĩ Kỳ đang trong “tình trạng sấp ngửa”, Bồ Đào Nha cũng vậy với “hai kịch bản sẵn sàng với EU”... Thực tế đó cho thấy, sự rạn vỡ của EU ngày càng lan rộng, những “thuộc địa mới” ấy nằm ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản, tình trạng “tư sản nô dịch tư sản” đã thành sự thật hiện hữu, làm cho khoảng cách giữa các nước tư bản với nhau ngày càng nới rộng không thể cưỡng lại, đã thúc đẩy ngày càng nhanh hơn sự kết thúc “tính tất yếu nhất thời” và vai trò lịch sử của chính chủ nghĩa tư bản được gây dựng hơn 500 năm. Nếu trước đây, chủ nghĩa tư bản đã bị chọc thủng ở vùng ngoại vi, ở khâu yếu của nó, thì nay ở những năm 2016 - 2017, brexit đã báo hiệu sự rạn vỡ ngay trong chính lòng nó. Điều này bổ sung và làm phong phú hơn cơ hội cùng với một số mô hình chủ nghĩa xã hội ra đời từ đó. 
Chân trời mới của chủ nghĩa xã hội đang rạng mở từ ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản. 
2- Kinh tế thị trường dưới chủ nghĩa xã hội - kết quả phát triển tất nhiên của “sự vĩ đại và tính tất yếu nhất thời” của chủ nghĩa tư bản 
Như vậy, quan hệ biện chứng giữa kinh tế thị trường, nói đúng là kinh tế thị trường hiện đại và chủ nghĩa xã hội là quan hệ nội tại, tất yếu, nhất là khi xây dựng chủ nghĩa xã hội ở trình độ phát triển kinh tế còn kém hơn chủ nghĩa tư bản phát triển.
Khi dự báo về chủ nghĩa xã hội hậu tư bản, C. Mác đã coi rằng, chủ nghĩa xã hội ấy sẽ không cần nền kinh tế thị trường, với mặt trái của kinh tế thị trường thì không tương dung với chủ nghĩa xã hội. Trong khi hiện nay, lịch sử chưa xuất hiện chủ nghĩa xã hội hậu tư bản. Vì thế, có người vin vào đó mà cho rằng, C. Mác đối lập chủ nghĩa xã hội với kinh tế thị trường, mà quên rằng, cái chủ nghĩa xã hội mà C. Mác nói, là chủ nghĩa xã hội hậu tư bản kia, chứ không phải là chủ nghĩa xã hội đang trong thời kỳ quá độ, chưa hoàn thiện. Người khác lại nói, do C. Mác chưa thấy hết mặt ưu việt của kinh tế thị trường, nhất là kinh tế thị trường hiện đại như ngày nay, cũng là cách nhìn phiến diện, phi lịch sử không khác loại với ý kiến trên. 
Trở lại vấn đề, lịch sử đang đặt ra bài toán khác, trước chủ nghĩa xã hội hậu tư bản. Xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, khi chủ nghĩa xã hội cùng tồn tại với chủ nghĩa tư bản, từ nền kinh tế phát triển thấp, do đó tất yếu phải phát triển kinh tế thị trường. Đó là con đường phát triển không thể khác của chủ nghĩa xã hội hiện nay. Tất nhiên, việc chủ nghĩa xã hội sử dụng kinh tế thị trường là quá trình thực tiễn vừa hàm chứa những cơ hội, vừa đối mặt với các thách thức. Và thực tế, việc xuất hiện khái niệm “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” (ở Trung Quốc), “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (ở Việt Nam) và “chủ nghĩa xã hội thị trường” (trong dự báo của các học giả Nga khi bàn về chủ nghĩa xã hội mới)(2) là điều hết sức bình thường và tự nhiên như chính cuộc sống tất yếu vậy.
Nghĩa là, lịch sử đang tự mở đường đi cho chính nó.
Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo quan niệm trước đây là nền kinh tế kế hoạch. Nhưng kiểu kế hoạch tập trung cao, cứng nhắc và bao cấp, phi thị trường đã kém hiệu quả và ngày nay là đã bị phá sản. Và nếu hiểu tính kế hoạch theo kiểu định hướng “mềm” thì nền kinh tế thị trường xã hội cũng đã mang đặc trưng này. Ngày nay, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là một nền kinh tế thị trường, nhưng là kinh tế thị trường hiện đại, là một nền kinh tế năng động, mang tính thị trường đầy đủ, phát huy mặt ưu việt của nó, và có vai trò quyết định tự điều tiết kinh tế. Tự nó dần dần mang tính xã hội chủ nghĩa hay có thuộc tính tương đồng với chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thị trường hiện đại ấy có mầm mống của đặc trưng xã hội chủ nghĩa, nghĩa là không chỉ là nền kinh tế tiết kiệm, năng suất và hiệu quả kinh tế cao, mà còn là tạo nên những phẩm chất xã hội, tự nó cho nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đích thực. Tức là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang tính dân chủ, công bằng và nhân đạo hơn, nền kinh tế vì nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đa số người dân, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội (điều này chủ nghĩa xã hội dân chủ, đã thực hiện khá rõ, tất nhiên là dựa trên kinh tế thị trường). Và, phát triển ở trình độ cao hơn, khi là kinh tế tri thức thì nền kinh tế ấy sẽ hạn chế mặt tiêu cực của thị trường. Và chính nhà nước pháp quyền với pháp luật và chính sách tác động kiến tạo môi trường pháp lý và các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô khác bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo hướng phát huy vai trò tích cực của nền kinh tế thị trường và hạn chế tối đa tiêu cực của nó, đồng thời theo mục tiêu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa một cách hợp lý, tương thích. 
Nếu kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mang hiệu quả kinh tế cao, nhưng mục tiêu xã hội lại kém thì nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hiện đại, hoàn bị lấy mục tiêu xã hội, lợi ích về mặt xã hội làm chủ đạo(3). Như thế đúng là chủ nghĩa xã hội không nhất thiết loại trừ, thậm chí bài xích thị trường, như có ý kiến lo ngại. Và, nền kinh tế này càng phát triển rất cao thì càng rất ít phụ thuộc vào lô-gích thông thường của thị trường. Chủ nghĩa tư bản là hệ hình xã hội lấy chủ nghĩa kinh tế làm chủ đạo, kinh tế vị kinh tế làm mục tiêu còn chủ nghĩa xã hội lấy yếu tố xã hội, lợi ích xã hội, mặt xã hội, văn hóa làm chủ nghĩa, làm chủ đạo (ở đây, hiểu chủ nghĩa xã hội là theo nghĩa đó). Cho nên mới có chủ nghĩa xã hội thay cho chủ nghĩa kinh tế là vì thế. Chủ nghĩa xã hội chứ không phải, không hẳn là chủ nghĩa công hữu, như có người lầm lẫn tuyệt đối hóa nó, dù nó là một yếu tố của chủ nghĩa xã hội hiện đại. 
Thực tiễn vận động của lịch sử thế giới hiện nay, cùng với chủ nghĩa xã hội thị trường về mặt kinh tế, chủ nghĩa xã hội dân chủ về mặt chính trị xã hội và mặt khác là chủ nghĩa xã hội công nghệ cao hay chủ nghĩa xã hội tri thức, là chủ nghĩa xã hội sinh thái, chủ nghĩa xã hội nhân văn... tất cả tạo nên những khả năng và môi trường chủ nghĩa xã hội văn minh, vượt qua và thay thế chủ nghĩa tư bản trong tương lai. Những biến thể đa dạng ấy đã cung cấp cho chúng ta những cách tiếp cận phong phú và cần thiết trong nhận thức chung quanh vấn đề chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường một cách cần thiết.
Tại sao ở Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?
Ở nhiều nước, khi trình độ của nền kinh tế chưa đạt tới trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoặc đang hiện đại hóa thì đề ra xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (định hướng xã hội chủ nghĩa) qua thực tiễn tỏ ra là đúng và phù hợp. 
Nhưng, kỳ lạ ở chỗ, đối với nước ta, nói kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa thì ít có tranh cãi, nhưng nói kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì lại nổ ra tranh luận, tạo nên tranh luận lớn, thậm chí có người lợi dụng ào lên bài xích và phản bác nó. Dường như người ta quên mất rằng, ở đây chỉ là nền kinh tế quá độ hay nói đúng hơn là nền kinh tế còn cả yếu tố tư bản chủ nghĩa và chúng ta sử dụng, dẫn dắt nó phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. V. I. Lê-nin cho thấy, “phải dùng cả hai tay” nắm lấy những gì tốt nhất của chủ nghĩa tư bản, để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với các nước thuộc loại này, trước đây dự định “bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” một cách duy ý chí, trên lĩnh vực kinh tế, nhưng không khả thi và đã thất bại. Hiện nay, vấn đề là bỏ qua sự thống trị của giai cấp tư sản trong chính trị và kinh tế, chứ không bỏ qua những thành tựu của chủ nghĩa tư bản, tức rút ngắn, lược bỏ giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nghĩa là trình độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trình độ nền kinh tế thị trường, các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế cổ phần (chủ nghĩa tư bản nhà nước, kinh tế hỗn hợp, cơ chế thị trường năng động...). Dù muốn hay không, phải thừa nhận rằng, không thể có chủ nghĩa xã hội phi tư bản và phi thị trường khi chưa phải là chủ nghĩa xã hội với thực thể hoàn chỉnh.
Nước ta, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, thì khó tránh khỏi tính sơ khai, thậm chí cả sự “hoang dã” của thị trường và ngay cả hình thức kinh tế của chủ nghĩa tư bản cũng còn ở trình độ thấp, thậm chí còn có những yếu tố của thứ “chủ nghĩa tư bản thân hữu”... Nhớ rằng, chủ nghĩa tư bản phải mất hơn 500 năm mới có nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, như ngày nay. Mặc dù nước ta không theo kinh tế thị trường tự do, mà kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng còn nhiều khiếm khuyết cần khắc phục, vượt qua... Do vậy, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, tự nó còn xa mục tiêu xã hội chủ nghĩa, nhưng rõ ràng là đúng hướng và hợp quy luật lịch sử - tự nhiên.
Có người cho rằng, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc hay nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nói như vậy có vẻ giống như cách nói của người “kết cấu lịch sử theo kiểu đòn bẩy Ph. Hê-ghen” hay lối nói của những ông “thày bói của lịch sử”. 
Kỳ thực, ai cũng thấy, chủ nghĩa tư bản đã nắm lấy kinh tế thị trường - thành quả văn minh của nhân loại, và biến nó thành mục tiêu của chế độ tư bản chủ nghĩa. Chúng ta nắm lấy kinh tế thị trường và nó là phương tiện, và khi là phương tiện thì chủ nghĩa tư bản nhà nước, đến lượt nó cũng chỉ là một ngả đường để chúng ta tới chủ nghĩa xã hội. Vì, không đi qua nó thì không có nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đích thực, trình độ cao của chủ nghĩa xã hội, như V. I. Lê-nin khẳng định. Chính vì vậy, ở đây vai trò định hướng xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế thị trường là không tránh khỏi, và nền kinh tế thị trường trong tay chúng ta không phải là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thuần túy, càng không thể là nền kinh tế thị trường hoang dã... Điều này là hợp quy luật. Sự lựa chọn này của lịch sử về một loại hình, trình độ của chủ nghĩa xã hội hiện thực khi chưa vượt qua chủ nghĩa tư bản phát triển, phát triển song song với chế độ tư bản chủ nghĩa, là con đường dích dắc của hiện thực lịch sử mà C. Mác và Ph. Ăng-ghen, trong điều kiện cụ thể, đều đang để ngỏ. Và, chúng ta phải làm tiếp.
Chủ nghĩa xã hội thị trường, như có ý kiến đề xuất, nếu có thể nói như vậy, là một xã hội quá độ hỗn hợp, trung đạo, mang tính “hội tụ” giữa hai loại xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Nhưng xét sâu xa hơn, theo xu hướng và mang tính toàn thể, thì không phải hoàn toàn như vậy. Bởi, chủ nghĩa xã hội không đơn thuần là học chủ nghĩa tư bản, cải tiến chủ nghĩa tư bản mà là thay đổi nó, ở trình độ, hình thái cao hơn, văn minh hơn. Điều đó càng đúng khi chủ nghĩa tư bản phát triển cao tiến lên chủ nghĩa xã hội. Do vậy, nếu coi hội tụ, như có người quan niệm, là quy luật tiến hóa xã hội sẽ là một sai lầm về mặt phương pháp luận và mất phương về hướng chính trị và lầm lẫn trong phát triển kinh tế.
Có người cho rằng, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản là “không đội trời chung”, nghĩa là không kết hợp với nhau được. Thoạt nhìn, về mặt hình thức, có vẻ hợp lý, nếu xét thuần túy cơ học theo bản chất xã hội. Nhưng, cần lưu ý tối thiểu rằng, ở một giai đoạn lịch sử nhất định, khi chủ nghĩa xã hội chưa thể chiến thắng hoàn toàn, thay thế chủ nghĩa tư bản thì sự “giao thoa”, “chồng lấn” đã xảy ra một cách tự nhiên và tất yếu; và ở đây “sự kết hợp các mặt đối lập” để “chuyển hóa các mặt đối lập” lại trở nên không gì cưỡng được. Đó là tự nhiên. Hơn nữa phải hiểu rằng, không phát triển từ tiền đề chủ nghĩa tư bản, không kế thừa nó, phát huy nó, khi nó còn mang tính tất yếu, cho dù là tính “tất yếu nhất thời” như C. Mác nói, còn là động lực tiến bộ, nhất là các nước kém phát triển - đang phát triển, trong xu thế toàn cầu hóa - hội nhập ngày nay thì làm ngược lại là trái quy luật, bất chấp cái tất yếu, tự tách đường đi cho mình. Như thế hẳn chỉ còn là chủ nghĩa xã hội nguyên thủy - công xã, chứ không phải chủ nghĩa xã hội hiện đại, văn minh. Bài học thực tiễn đã chỉ ra như vậy, chứ không phải là đơn thuần suy luận lô-gíc.
Vì vậy, cần thiết phải nhấn mạnh luận điểm sau đây: Định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường, trước hết xuất phát từ tính khách quan của nền kinh tế thị trường, đặt ra, tạo nên trong tiến trình phát triển, đồng thời Nhà nước phải chủ động qua chính sách, pháp luật hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, và tạo ra, xây dựng mặt xã hội (an sinh xã hội, tính công bằng, nhân bản xã hội và sinh thái...) của nó mà kinh tế thị trường khó tạo ra được(4). Và như thế mới là định hướng xã hội chủ nghĩa đúng đắn chứ không phải là áp đặt chủ quan từ Nhà nước. Hơn nữa, phải là nền kinh tế thị trường hiện đại từ đó mới có nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Còn khi nó chưa ở trình độ hiện đại thì là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng tính chất định hướng, sự định hướng ấy chỉ mới mang tính khởi phát, từng bước hoàn thiện trong hiện thực và còn lâu dài trong xu hướng vận động, từ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiến dần lên nền kinh tế thị trường hiện đại xã hội chủ nghĩa và nằm trong phạm trù kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. 
Thế là đã rõ. Có một sự lạ là chính những ý kiến bài xích nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại dễ dàng thừa nhận khái niệm “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” và cho nó là chính xác. Và, khi nói về “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì tự nó đã nói lên đầy đủ khái niệm và thực thể “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà chúng ta kiên định thực thi, xét về phương diện khoa học là khái niệm động, hợp lý và về bình diện thực tiễn là sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp đối với chúng ta.
Đó là biện chứng giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội, cần tiếp tục nhận thức, tiếp cận và nắm lấy hiện nay.
Chân lý nằm trong và tỏa sáng từ thực tiễn lịch sử - góc nhìn từ Việt Nam
Có người phủ nhận định hướng xã hội chủ nghĩa, với lập luận: Rằng, “bởi vì cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” được ghép vào nhiều khái niệm, chứ không phải chỉ có trong lĩnh vực kinh tế, đối với hầu hết những người có chút hiểu biết là không có nội hàm (!). Lý do đơn giản là, theo ý kiến này, vì bản thân cụm từ “chủ nghĩa xã hội” được ghi trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và trong Hiến pháp năm 2013 cũng không được định nghĩa rõ ràng. Mô hình chủ nghĩa xã hội như chúng ta đã từng tâm niệm là mô hình Xô-viết, được xây dựng trên các nguyên tắc bất di bất dịch như chúng ta đã biết. Ngày nay, không ai biết mô hình đó mà chúng ta vươn tới được xây dựng trên các nguyên tắc nào? Những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ghi trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam hầu hết là các mục tiêu muốn đạt được (như ở bất kỳ xã hội tiến bộ nào) dưới hình thức các khẩu hiệu chính trị” (!)(5). Nhưng chính ý kiến này lại nhận thấy: “Trên thế giới ngày nay, khi hoạch định chiến lược phát triển, bất kể quốc gia nào cũng phải hết sức coi trọng xu thế phát triển của thời đại, những giá trị phổ quát của nhân loại, những thông lệ được thế giới thừa nhận, đặc biệt là những công ước hay hiệp định quốc tế đã cam kết tham gia ở cấp độ nhà nước. Mặt khác, phải căn cứ vào thực tiễn của đất nước, bắt nguồn từ lịch sử, văn hóa, vị trí địa - chính trị, quan hệ quốc tế và tiềm năng hiện có của mình. Thực tiễn ấy tạo nên một vài đặc điểm của riêng từng nước, do đó không thể có mô hình phát triển nào là duy nhất đúng, là đúng toàn vẹn cho mọi nước. Nhưng quá lạm dụng tính đặc thù để trở thành “chủ nghĩa ngoại lệ” là điều rất tai hại”. Thế là ý kiến này lại tự mình mâu thuẫn với chính mình, khi lấy cái gọi là “chủ nghĩa ngoại lệ” làm “cái phao” và bấu víu lấy nó! Họ cố tình hoặc chưa thấy rằng, ngay chủ nghĩa tư bản, thì mô hình Mỹ khác Nhật bản, Nhật Bản khác Đức... là điều bình thường! Sự phát triển thống nhất trong đa dạng là bản chất phát triển của thế giới.
Vì vậy, xin nhấn mạnh, bất kể quốc gia nào cũng phải hết sức coi trọng xu thế phát triển của thời đại, những giá trị phổ quát của nhân loại thì chính giá trị chung phổ quát ấy và là xu thế phát triển của thời đại đó; và các mục tiêu cơ bản có tính bản chất và có tính nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội là nhất trí hay gần đồng nhất với nhau. Bởi các nước càng phát triển lên văn minh và hiện đại thì càng gần với chủ nghĩa xã hội văn minh, hiện đại, nhân văn và phát triển bền vững. Định hướng xã hội chủ nghĩa làm cho nó phù hợp với tính phổ quát và xu thế nhân văn, tất yếu ấy chứ không phải chủ nghĩa xã hội là khác, ngược với xu thế ấy. 
Chúng ta thấy đặc thù, nhưng tránh rơi vào vũng bùn của căn bệnh đặc thù (chủ nghĩa ngoại lệ). Hơn nữa cái đặc thù là trên cơ sở cái chung, mang tính bản chất cụ thể, (có thể chưa) toàn vẹn, chứ không phải nằm ngoài cái chung. 
Theo tôi, xét về xu hướng và tính phổ quát, giá trị chung nói trên thì, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa không phải là cái ngoại lệ nào đó. Bởi vì tính xã hội chủ nghĩa nảy sinh trên nền tảng kinh tế - xã hội hiện đại thông qua biến đổi có tính cách mạng gạt bỏ hình thức kinh tế xã hội lỗi thời của nó - chủ nghĩa tư bản mà thôi. Do đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội là một nấc thang, một giai đoạn phát triển của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hiện đại, hoàn bị, dưới chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là thứ gì khác. Nó là công cụ dưới chủ nghĩa xã hội.
Về “vai trò chủ đạo” của kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa luôn có tính thời sự, vẫn đang có những ý kiến khác nhau.
Với “định hướng xã hội chủ nghĩa”, vấn đề tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp rằng, kinh tế nhà nước là chủ đạo. Nhưng nhận thức cần nhất quán rằng, nếu duy chí doanh nghiệp nhà nước không thể là chủ đạo, càng không thể làm chủ đạo, không phải là công cụ duy nhất điều tiết kinh tế vĩ mô, mà trong thời gian tới, về thực tiễn cần được giảm thiểu tỷ trọng một cách cần thiết, để nhường lại không gian phát triển cho các khu vực kinh tế khác, nhất là khu vực tư nhân, động lực quan trọng của nền kinh tế. Chính điểm “nút” này đã gây nên những sự lệch pha, khi một số ý kiến đem đồng nhất doanh nghiệp nhà nước với kinh tế nhà nước rồi phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Do đó, nếu hiểu vai trò chủ đạo là vai trò dẫn dắt thị trường, khắc phục những khuyết tật cố hữu của thị trường, thì nó lại liên quan đến cách sử dụng kinh tế nhà nước như thế nào và sự phối hợp trong việc sử dụng cả hệ thống công cụ của Nhà nước (trong đó có công cụ về thể chế), chứ không đơn thuần chỉ là lực lượng vật chất nằm trong tay Nhà nước mà doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phận cấu thành. Vì thế, cho đến nay, dường như khi nhấn mạnh đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhiều người nghĩ ngay và chỉ chú tâm nghĩ đến việc duy trì lực lượng doanh nghiệp nhà nước, thậm chí cho rằng, nó phải độc quyền, nên vô hình trung đã đi ngược bản chất của thị trường. Đó là một sai lầm chết người.
Từ thực tế trong hơn 20 năm qua ở Thành phố Hồ Chí Minh chứng thực điều ngược lại đó. Nếu năm 1991 khu vực nhà nước chiếm 50,1% GDP, khu vực ngoài nhà nước chiếm 41,8% GDP và khu vực FDI chiếm 8,1% GDP thì đến năm 2013, các tỷ lệ trên lần lượt là: 17,9%; 58,7% và 23,4%. Chính quyền Thành phố vẫn thực hiện tốt hơn vai trò của Nhà nước ở địa phương trong việc điều hành kinh tế trên địa bàn, thu ngân sách, giải quyết việc làm, thậm chí tham gia ổn định giá cả có hiệu quả. “Do đó, chưa thấy mối liên quan trực tiếp nào giữa tỷ trọng cao của khu vực kinh tế nhà nước trong GDP với việc thực hiện tốt hơn chức năng quản lý kinh tế - xã hội của nhà nước. Đây là thực tiễn cần rút ra để định vị vai trò của khu vực kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong cơ chế thị trường của Việt Nam”,.... sử dụng các công cụ kinh tế thị trường không mâu thuẫn với tính chất định hướng xã hội chủ nghĩa trong mô hình kinh tế của Việt Nam”. Vấn đề quan trọng là, giải pháp làm thế nào để gỡ được các “nút thắt” thể chế hiện nay, tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế. 
Khi xem thực tế nền kinh tế thị trường ở các nước xã hội dân chủ, có ý kiến cho rằng, họ không đề cập hay không nói đề cao kinh tế nhà nước là chủ đạo, hơn nữa càng không phải doanh nghiệp nhà nước(6), rồi nói toáng lên rằng: Đây là “đặc sản” chỉ có ở Việt Nam và đã được hiến định trong Hiến pháp hiện hành; và nó cũng hiến định luôn cả việc đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Ấy thế mà chúng ta đang cầu cạnh người ta công nhận mình có nền kinh tế thị trường đầy đủ (?!) Nhưng, kỳ thực ý kiến đó lại chưa thấy, ở những “bước ngoặt” kinh tế và xã hội, khi cần giải cứu, kinh tế nhà nước ở những quốc gia ấy lập tức hiện diện. Điều đó gợi mở rằng, chúng ta không nên có “ ngoại lệ” cho bất cứ loại hình doanh nghiệp nào, dù doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, khi chúng chỉ là những bộ phận của nền kinh tế quốc gia, trong cuộc phát triển rộng và sâu kinh tế thị trường. Điều đó khác hẳn với sự “đánh đồng cả gói” một cách nhập nhằng giữa doanh nghiệp nhà nước là kinh tế nhà nước, ngõ hầu nhằm phủ nhận cả hai.
Kinh nghiệm thực tế của chúng ta chứng tỏ vấn đề ở đây là vai trò của nhà nước pháp quyền và sự quản lý - kiến tạo môi trường thể chế để cho thị trường phát triển đầy đủ, lành mạnh, văn minh - sao cho các mục tiêu phát triển kinh tế gắn chặt và bảo đảm vấn đề xã hội dân sinh được thực thi theo hướng công bằng, dân chủ, nhân bản, văn minh và phong phú hơn, trong phạm vi cho phép và khả năng có thể. Và, không ít trường hợp, những quyết sách về kinh tế luôn đặt ngang, thậm chí đặt sau những quyết sách về chính trị và xã hội, để tránh rơi vào vũng bùn quyết định luận kinh tế, kinh tế vị kinh tế, trong lộ trình thực thi nền kinh tế thị trường những năm qua. 
Về vai trò quản lý của chính phủ, có người nêu vấn đề: Ở Việt Nam nhiều người mặc định một điều hiển nhiên là Chính phủ được toàn quyền quản lý điều hành nền kinh tế. Vấn đề tưởng chừng đúng đắn tới mức mặc nhiên này đặt trong mối tương quan với việc nền kinh tế Việt Nam luôn duy trì ở thứ hạng các nền kinh tế yếu kém nhất thế giới lại đang buộc ta phải xem xét lại những điều lâu nay vẫn được xem là đúng đắn và tự mình “bằng lòng với mình”. Vấn đề của kinh tế Việt Nam hiện nay dường như cho thấy cần phải giải quyết ở tầm nhìn, sâu hơn là tầm chủ thuyết phát triển, chứ không phải đơn thuần chỉ dừng lại xem xét những chính sách sai lầm yếu kém đơn lẻ, dù là cần thiết, và vô hình tự bó mình vào đó. 
Vấn đề trở nên rõ ràng hơn là, việc đổi mới thể chế phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, thống nhất dù chỉ ở mức tương đối về nhận thức, trong đó có cả vai trò của kinh tế nhà nước, mà gần đây vẫn có ý kiến cho rằng, kinh tế nhà nước “không cần giữ vai trò chủ đạo” hoặc “nói vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thì không thể nói tới kinh tế thị trường”(!). Lô-gíc và lịch sử có thực sự như vậy không?
Rõ ràng là, không. Và, từ thực tiễn hiện nay, tối thiểu giải quyết ba loại công việc cần kíp về nhận thức luận: 
Một là, nắm lấy nguyên lý thị trường. Lâu nay, nhiều người nói đến kinh tế thị trường nhưng ít thấy những luận giải dễ hiểu chỉ ra tầng sâu bản chất nguyên lý vận hành của thị trường giúp nhân dân thấy được nguyên lý thị trường đó thực ra gần gũi và phổ quát với những cảm nhận của con người về lẽ công bằng. Từ đó làm rõ vấn đề: Khi kinh tế thị trường vận hành với nguyên lý như thế thì vai trò quản lý kinh tế của chính phủ sẽ như thế nào? Dễ hiểu nhất, nguyên lý thị trường thực chất là lẽ công bằng, cụ thể hơn đó là công bằng trong địa hạt kinh tế. Theo đó, thành quả sẽ phụ thuộc vào nỗ lực, phát triển dựa trên những đầu tư, các tố chất con người được đề cao và vinh danh. Dựa theo nguyên lý thị trường, một cá nhân hay doanh nghiệp muốn thành công bao nhiêu thì phải bỏ ra nỗ lực tương xứng, đó chính là động lực khiến mọi người cùng cố gắng vì họ biết mình sẽ đạt thành tựu. Động lực khiến từng con người cố gắng cũng chính là động lực khiến cả nền kinh tế phát triển. Nguyên lý phổ quát đó phải được bảo vệ, vì nếu bị xâm phạm sẽ triệt tiêu động lực phát triển kinh tế của con người. Khi một doanh nghiệp thành công hơn doanh nghiệp khác nhưng không phải từ những cố gắng chính đáng của họ mà do thủ lợi từ các chính sách can thiệp hay bất cứ điều gì gọi là “ngoại lệ”... thì vô hình bóp chết động lực của sự phát triển. Pháp luật bị “khoanh vùng”, thì đó là điều tối kỵ, nếu không nói là tạo ra “huyệt tử” trong sự phát triển thị trường. V.I. Lê-nin gọi đó là “sự man rợ”. 
Khi Chính phủ ban hành một chính sách điều tiết kinh tế nặng về can thiệp hay bảo trợ thiên lệch, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước, thì thực chất là xâm phạm vào sự vận hành của nguyên lý thị trường trên nền tảng công bằng. Điều đó chẳng khác nào cho doanh nghiệp một “phao cứu hộ”, một “sợi dây bảo hiểm thất bại”, là đổ vỡ kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Vô hình trung, chính sách đã thủ tiêu tính công bằng, làm nản lòng và triệt tiêu động lực phát triển của doanh nghiệp. Khi đó sẽ xảy ra tình trạng các doanh nghiệp được o bế, bảo hộ chỉ lo bằng mọi cách, kể cả thủ đoạn, đeo bám quan chức và mua chuộc Chính phủ thay vì nỗ lực chủ động sản xuất, kinh doanh; tạo nên sự bất bình đẳng trong các loại hình doanh nghiệp, các khu vực của nền kinh tế chỉnh thể và thống nhất của đất nước, vốn như nó cần phải có. Cải cách doanh nghiệp đang là khâu đột phá theo nguyên tắc thị trường mà chúng ta kiên quyết thực thi. Chúng ta cần và nhất định phải xây dựng một Chính phủ kiến tạo và liêm chính trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chính là ở chỗ này. 
Hai là, từ nắm lấy nguyên lý thị trường dẫn tới điều tối thiểu không thể không làm: không thể bỏ mặc thị trường. Nguyên lý thị trường có bản chất là hệ giá trị của lẽ công bằng. Nhưng nếu để nó phát triển đến tận cùng thì sẽ dẫn đến tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, mạnh được yếu thua, “kinh tế vị kinh tế”, gây phương hại đối với đời sống không chỉ chính kinh tế mà cả đời sống chính trị và xã hội. Để khắc chế những tình trạng ấy, luật pháp sẽ có mặt: quy định, uốn nắn, điều chỉnh nhằm hạn chế những mặt trái phát tác của thị trường. Để kinh tế phát triển thì phải duy trì động lực cố gắng của các doanh nghiệp, đồng nghĩa với đó là bảo vệ lẽ công bằng cũng tức là tôn trọng các nguyên lý thị trường. Theo đó, việc cần làm là, Chính phủ không thể can thiệp vào thị trường bằng các quyết sách cụ thể, thậm chí vụn vặt vốn thuộc các cơ quan khác thuộc Chính phủ. Chính phủ cần đứng đúng ở vị trí cần đứng là cơ quan hành chính hoặc cơ quan hành pháp có vai trò kiến tạo tổng thể và dẫn định các định chế vĩ mô, kiểm soát các quy định của pháp luật trong thực tiễn và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ thực hiện. Định hướng xã hội chủ nghĩa ở bình diện này chính là vì vậy, vì đơn giản là, không được bỏ mặc thị trường!
Ba là, từ nắm lấy thị trường, không bỏ mặc thị trường tất yếu phải can dự và chế ước thị trường theo chủ kiến.
Cho tới hiện giờ, khi nhiều người nhìn một cách phiến diện và cho rằng, kinh tế Việt Nam chậm phát triển là do xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đổ lỗi cho doanh nghiệp nhà nước đã làm méo mó đi nền kinh tế thị trường, chứ họ chưa hiểu hoặc do chưa nắm trúng vai trò cần có của Chính phủ, như vừa trình bày. Lỗi nằm ở chính phương diện tổ chức thực tiễn. Và sự thật, chúng ta đã chỉ đạo chưa phù hợp, thậm chí chủ quan, có phần làm thay chức năng doanh nghiệp, trong khi thực chất cần phải chỉ rõ nhân tố định hướng xã hội chủ nghĩa bị lạm dụng, vô hình tạo ra thẩm quyền quá lớn cho Chính phủ trong việc can thiệp vào thị trường, doanh nghiệp nhà nước, trong khi đây chỉ là một trong số các công cụ do Chính phủ nắm giữ để dẫn dắt và khắc chế kinh tế thị trường. Đó là tình trạng “nhảy cực” trong nhận thức và “lạm dụng” trong thực thi vai trò điều tiết, thậm chí bị chi phối cả “lòng tốt thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “khu biệt đối xử” khác nhau giữa các loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp... đã làm rối loạn thị trường, cần kíp phải chỉnh đốn. Hiến pháp năm 2013 đã khắc phục một bước rất cơ bản điều đó, và định chế rất nhiều công việc chính lý, chính pháp theo chức năng, vị trí, vai trò và trọng trách của Chính phủ.
Nếu nhân dân tham gia xây dựng chính sách, phản biện chính sách và giám sát quá trình thực hiện thì điều đó sẽ hỗ trợ khắc phục những hạn chế của thị trường và sự quan liêu của Nhà nước nhằm xây dựng và đổi mới thể chế kinh tế, để nó không dừng lại ở mong muốn chủ quan và nền kinh tế thị trường mà chúng ta xây dựng không trở nên hoang dại ngay ở những bước sơ khởi, thể chế nhà nước sẽ khó có nguy cơ sa vào quan liêu, tham nhũng, lạm quyền và lộng quyền, như chúng ta lo ngại. Nghĩa là, càng xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại và hoàn bị càng cần một nhà nước mạnh và hiệu quả. Không có nhà nước mạnh và điều tiết hiệu quả thì không có nền kinh tế thị trường nhằm bảo vệ nhân dân; và càng không thể nói tới một hệ thống luật pháp tốt khi nó còn khập khiễng và một chính quyền bảo vệ nhân dân theo nghĩa là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân với một bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả, thậm chí yếu đuối và tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ... trong nền kinh tế thị trường. Đến lượt mình, nhân dân là người trực tiếp giám sát, kiểm soát những tật bệnh nảy nở trong quá trình vận động của nền kinh tế mà những người được ủy quyền điều hành nền kinh tế quốc gia tất dễ phạm phải.
Đó là ba điều cần thiết tối thiểu trong việc “đối xử” với kinh tế thị trường, mà chúng ta phải nắm lấy, cái mà các nhà kinh tế và các nhà chính trị luôn xem nó là “con dao hai lưỡi” hay “con ngựa bất kham”, trên lộ trình xã hội chủ nghĩa.
Do đó, công việc mấu chốt cần kíp tập trung đổi mới ở đây đối với chúng ta là vấn đề thể chế. Nói đến thể chế, trước hết và trung tâm là nói đến vai trò của Nhà nước trong và đối với nền kinh tế đất nước hiện nay, thông qua các việc chế định và định chế các cơ chế, chính sách vĩ mô và đòn bẩy đối với nền kinh tế, theo chủ kiến của Nhà nước. Nói xác đáng đó là mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, xét ở mọi chiều cạnh cả chính trị lẫn kinh tế và văn hóa. 
Vậy, ở đây, Nhà nước làm gì và làm như thế nào để xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa? 
Trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế, việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường được thể hiện đồng thời dưới ba góc độ, tối thiểu: 
Một là, Nhà nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế, dẫn dắt kinh tế Việt Nam theo quỹ đạo kinh tế thị trường hiện đại bằng luật và các công cụ điều tiết vĩ mô. 
Hai là, Nhà nước hoàn thiện khung khổ pháp lý, hoạch định các chế định bảo đảm tôn trọng và củng cố các nền tảng cơ bản pháp lý và kinh tế của kinh tế thị trường (quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh... của các thành phần và khu cực kinh tế), hệ chính sách đòn bẩy và các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô khác.
Ba là, Nhà nước kiểm soát theo luật định theo chức năng và nhiệm vụ của mình, với phương châm thượng tôn pháp luật, đối xử bình đẳng, minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình.
Vì vậy, Nhà nước tập trung thực thi: 
Thứ nhất, định hướng phát triển cho nền kinh tế của đất nước, sử dụng hệ thống đòn bẩy kinh tế mà Nhà nước nắm giữ: hệ thống tiền tệ, hạn ngạch, các khoản thu và thuế tiêu thụ đặc biệt, các khoản chiết khấu, các loại thuế khác; 
Thứ hai, điều chỉnh nền kinh tế của đất nước, chế định khuôn khổ pháp lý cho sự vận hành của nó theo quy luật vận động khách quan phù hợp với chủ kiến của Nhà nước, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế;
Thứ ba, kiểm soát các dòng chảy kinh tế, các hoạt động xuất, nhập khẩu bằng việc sử dụng các cơ quan thuế và hệ thống hải quan, hệ thông kiểm soát, thanh tra và giám sát;
Thứ tư, là thành viên lớn nhất của thị trường, người mua bán hàng hóa và mua bán tài nguyên một cách chủ động;
Thứ năm, thông qua và nhờ thuế và các khoản thu khác, Nhà nước trở thành người nắm giữ tiền tệ lớn nhất trong nước, kể cả quỹ ngoại tệ và các quỹ khác;
Thứ sáu, tích trữ, quản lý và phân bổ các nguồn tài nguyên của mình (lương thực, dầu mỏ, khí đốt...) hoặc các nguồn lực tài nguyên khác mà Nhà nước mua để dự phòng chiến lược; 
Thứ bảy, trên cơ sở tầm nhìn quản lý vĩ mô, chủ động điều hành một cách mềm dẻo theo luật, với bộ máy gọn nhẹ, tinh thông, liêm chính và tận tụy phục vụ nhân dân,...
Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là ở những phương diện đó, chứ không phải gì khác. Và, một chính phủ kiến tạo phát triển, dẫn lối và kiểm soát sẽ không thể không hành động theo phương hướng đó, vì sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại và hoàn bị ở Việt Nam, cũng là ở đó, chứ không phải là gì khác. Đó là hiện thân của mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong lộ trình kiến tạo, hoàn thiện thể chế nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại và hoàn bị hiện nay. 
Nói khái lược, cần nhấn mạnh, trong mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, thì Nhà nước tập trung làm tốt các công việc: đẩy mạnh hội nhập quốc tế đưa kinh tế Việt Nam vận động theo quỹ đạo kinh tế thị trường hiện đại; đổi mới thể chế bảo đảm tôn trọng và củng cố các nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường; ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng, bảo vệ các nền tảng về kinh tế và pháp lý của kinh tế thị trường; khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết và dự báo những chấn động, những “cú sốc”, “cú co giật” của thị trường; xây dựng đội ngũ điều hành nền kinh tế một cách ngang tầm... nhằm chủ động phân bổ đúng, trúng và kiểm soát hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững; thực hiện tốt các chức năng xã hội nhằm bảo đảm công bằng, văn minh và tiến bộ xã hội. Nói gọn lại, Nhà nước làm nhiệm vụ kiến tạo phát triển, dẫn lối và chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để kiểm soát, điều tiết nền kinh tế thị trường đất nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 
Tới đây, tối thiểu như vậy, vấn đề trở nên rõ ràng, rằng nếu buông lơi phép biện chứng của sự phát triển thực tiễn giữa kinh tế thị trường hiện đại và chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường hiện đại và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, giữa nhà nước và thị trường xét trong sự liên hệ tổng hòa..., sẽ rơi vào sự phiến diện, thổi phồng mặt này lại không nhận diện đúng mặt kia, và ngược lại; rằng, sẽ thật là không đúng, khi khư khư cho rằng, chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường đối lập như “nước với lửa”, nhất là võ đoán lệch lạc nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “thứ đầu Ngô mình Sở”(!) hoặc “tìm mãi mà chẳng thấy ở đâu”(!!!)./.
--------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét