Nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị không từ một thủ đoạn nào; trong đó, truyền bá các sản phẩm văn hóa độc hại làm băng hoại những giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa tốt đẹp của dân tộc, từng bước làm chệch hướng đời sống văn hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam luôn được chúng coi trọng. Thực chất đây là hình thức “xâm lăng văn hóa” rất nguy hiểm, đòi hỏi chúng ta phải luôn nêu cao cảnh giác và chủ động đấu tranh.
Nhận diện thủ đoạn “xâm lăng văn hóa” trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch hiện nay
Mục tiêu “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch là tiêm nhiễm văn hóa xấu độc, làm xói mòn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời, từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang lĩnh vực chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị, phản bội lại Đảng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đối tượng chúng hướng tới là nhân dân, trước hết là lớp trẻ đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách, bản lĩnh chưa vững vàng, còn ít kinh nghiệm sống. Chúng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, chiêu trò thâm hiểm; đặc biệt là chiến thuật “tâm công” theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để đánh vào lòng người. Chúng lợi dụng các phương tiện thông tin, truyền thông để truyền bá các sản phẩm văn hóa xấu độc, ngoại lai cùng những hành vi phản nhân văn, phi tiến bộ để tác động vào tâm lý, sở thích, kích thích những ham muốn vật chất tầm thường của mỗi người. Qua đó, từng bước làm thay đổi các thang giá trị xã hội, đạo đức, lối sống, làm cho một số người sao nhãng nghĩa vụ, trách nhiệm; khơi dậy bản năng thấp hèn, chạy theo lạc thú, lợi ích vật chất, chỉ lo “cái tôi” mà quên đạo nghĩa, quay lưng lại với truyền thống và những giá trị hiện hữu tốt đẹp của dân tộc. Cùng với công kích chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ra sức xuyên tạc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; phủ nhận giá trị của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược trước đây và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc hiện nay; đánh đồng chính nghĩa và phi nghĩa, làm lẫn lộn vai trò của những chiến sĩ cách mạng chân chính với những kẻ cướp nước, bán nước. Chúng tuyên truyền các giá trị văn hóa phương Tây; phủ nhận tính giai cấp, tính Đảng của văn hóa - văn nghệ và đòi tách lĩnh vực này ra khỏi đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Đồng thời, đề cao chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội trong văn hóa - văn nghệ; hạ bệ những tác phẩm đỉnh cao chứa đựng sâu sắc tính nhân văn, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta,… tiến tới phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa - văn nghệ. Đặc biệt là, các thế lực thù địch còn dùng mọi thủ đoạn để kích động, lôi kéo, lung lạc đội ngũ nhà văn, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật; thực hiện âm mưu ly gián về nhân tâm, tư tưởng và chia rẽ về tổ chức, lôi kéo văn nghệ sĩ đi theo các trào lưu tư tưởng văn hóa phương Tây, đào sâu “tự do, dân chủ” trong sáng tác, thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập” để đối trọng với Hội Nhà văn Việt Nam, v.v. Thậm chí, họ còn dùng những tác phẩm văn học, nghệ thuật để tạo cớ gây áp lực đòi “nhân quyền”, kích động bạo lực và lối sống thực dụng, dung tục, hòng làm phai mờ những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam. Đó là mưu đồ rất thâm độc của các thế lực thù địch khi thực hiện “xâm lăng văn hóa” đối với nước ta.
Một số giải pháp đấu tranh chống “xâm lăng văn hóa” trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch hiện nay
Xác định đúng vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, những năm qua Đảng, Nhà nước ta luôn xác định: văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực, mục tiêu và nguồn lực nội sinh quan trọng của sự phát triển. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”1. Để đấu tranh có hiệu quả với sự “xâm lăng văn hóa” hiện nay, thiết nghĩ, cần có sự nghiên cứu tổng hợp, giải pháp đồng bộ; dưới đây xin nêu mấy vấn đề cơ bản:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Đây là giải pháp quan trọng nhất để giành thắng lợi trong “trận chiến văn hóa” mà các thế lực thù địch tiến hành ở Việt Nam. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng bảo đảm để văn hóa phát triển đúng định hướng chính trị của Đảng, bảo đảm quyền tự do, dân chủ, phát huy khả năng sáng tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân với mục đích đúng đắn; khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, làm hạn chế sự sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa. Theo đó, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa bằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, bảo đảm phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Tăng cường xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa thật sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, đủ khả năng làm tham mưu cho các cấp có thẩm quyền thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về văn hóa. Đồng thời, khuyến khích đầu tư phát triển các loại hình hoạt động văn hóa lành mạnh, tốt đẹp và có chế tài nghiêm khắc với các đối tượng vi phạm quy chế hoạt động văn hóa, lợi dụng hoạt động văn hóa để chống phá Đảng và Nhà nước ta, tạo hành lang pháp lý ngăn cản sự thâm nhập của văn hóa xấu độc và hạn chế thấp nhất các kẽ hở, không để các thế lực thù địch lợi dụng.Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Một trong những vấn đề nền tảng trong cuộc chiến chống “xâm lăng văn hóa” là chúng ta cần tạo ra sức đề kháng, đó chính là môi trường văn hóa lành mạnh ở ngay mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị và mỗi gia đình. Đây cũng là phương châm kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhân tố quyết định, “chống” là quan trọng. Quán triệt tinh thần đó, các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và các địa phương cần cụ thể hóa đường lối văn hóa của Đảng, tiến hành đồng bộ các giải pháp phù hợp với thực tiễn để hướng dẫn, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia có hiệu quả vào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên phạm vi cả nước. Trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng các trường học, trung tâm văn hóa giáo dục, xây dựng con người, nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh. Cần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và “Môi trường văn hóa phong phú, tốt đẹp, lành mạnh” trong Quân đội gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho lòng yêu nước, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc ngày càng nhân lên, chuyển hóa thành hành động cách mạng trong thực tiễn. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội; đồng thời, phát huy tốt các thiết chế văn hóa ở cơ sở và các giá trị, nhân tố tích cực của văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng trong xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Qua đó, tạo sự thống nhất, đồng tâm hiệp lực của các tổ chức chính trị, xã hội và quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng con người về nhân cách, đạo đức, lối sống, hướng tới những giá trị cao đẹp, “chân, thiện, mỹ”, vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nói không với những gì trái với đạo lý, truyền thống văn hiến của dân tộc.
Thứ ba, tăng cường giáo dục, bồi đắp giá trị văn hóa giữ nước, nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm cho mọi công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong thực hiện, các cấp, các ngành cần quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”2. Trên cơ sở đó, cần phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân; trong đó, cơ quan chủ trì công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng ở các cấp là nòng cốt; các lĩnh vực báo chí, truyền thông, văn học, nghệ thuật,… là lực lượng tiên phong; mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và tổ chức trong xã hội là nền tảng, bảo đảm những giá trị văn hóa nói chung, văn hóa giữ nước nói riêng được giáo dục, tuyên truyền ngay từ mỗi gia đình, dòng tộc, đến nhà trường và xã hội. Từ đó, làm cho tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, thủy chung, gắn bó cộng đồng, ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, tinh thần anh dũng, sáng tạo,… luôn thấm sâu vào toàn bộ đời sống, hoạt động của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội, chuyển hóa thành hành động thực tiễn, chung sức, đồng lòng tạo bức tường vững chắc bảo vệ nền văn hóa dân tộc trước mưu đồ “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch. Cùng với đó, cần gắn giáo dục tình yêu gia đình, quê hương, đất nước với chủ nghĩa xã hội; phát huy dân chủ, bảo đảm đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; đề cao tinh thần dân tộc, giá trị văn hóa truyền thống của mỗi người Việt Nam. Đồng thời, tiếp thu giá trị văn hóa tiến bộ, làm phong phú bản sắc văn hóa và văn hóa giữ nước của dân tộc. Thông qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; biết phân tích, nhận rõ đúng, sai trước những sự kiện phức tạp, nhạy cảm, thông tin trái chiều,… kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nêu cao cảnh giác, nhận diện và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu tuyên truyền, cổ súy cho những hành vi phản văn hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, v.v.
Thứ tư, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, để đặt ách đô hộ đối với Việt Nam, các thế lực xâm lược luôn tìm mọi cách để đồng hóa dân tộc ta, trước hết về văn hóa. Song, lịch sử cũng chứng minh rằng, không có một thế lực nào thực hiện được dã tâm đó, bởi nền văn hóa đặc sắc đã được hình thành, thử thách, tôi luyện trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước đã trở thành cốt cách, nền tảng của dân tộc ta. Để văn hóa thực sự là công cụ bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa, chống lại sự “xâm lăng văn hóa” của kẻ thù, chúng ta phải quán triệt, thực hiện tốt quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Giải quyết hài hòa mối quan hệ, lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung và tôn trọng những giá trị văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc không trái với lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, chủ động phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh: giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái đặc thù và cái phổ biến,... trong hội nhập văn hóa; tạo điều kiện thuận lợi phát huy nguồn cảm hứng của mọi cá nhân, cộng đồng trong sáng tạo những giá trị hiện thực của văn hóa dân tộc theo định hướng của Đảng. Đồng thời, kế thừa giá trị văn hóa truyền thống đã được hình thành, thử thách, tôi luyện trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước; tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại, sáng tạo giá trị văn hóa mới, nhằm phát huy cao độ giá trị văn hóa dân tộc và ngăn chặn hiệu quả sự “xâm lăng văn hóa” phản tiến bộ len lỏi vào đời sống tinh thần nhân dân.
Trong một thế giới đầy biến động ngày nay, nhiều tổ chức, nhà đầu tư, du khách quốc tế tìm đến Việt Nam vì sự ổn định về chính trị và cũng vì một Việt Nam lôi cuốn, hấp dẫn bởi nét văn hóa đặc sắc, độc đáo đó. Song, các thế lực thù địch không muốn Việt Nam phát triển theo đường lối độc lập, tự chủ. Cái họ muốn là đất nước Việt Nam từ bỏ quá khứ, từ bỏ bản sắc của mình để “hòa nhập”, “phát triển” theo ý đồ của họ, mà thực chất là “hòa tan” vào văn hóa phương Tây. Điều đó lý giải vì sao chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ngày càng đẩy mạnh “xâm lăng văn hóa” đối với Việt Nam. Vì vậy, nhận diện đúng và kiên quyết đấu tranh chống “xâm lăng văn hóa” không chỉ là một yêu cầu quan trọng, cấp bách trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa hiện nay mà còn góp phần thiết thực đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực làm tha hóa con người Việt Nam. Đó chính là yếu tố bảo đảm cho Việt Nam trường tồn và phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét