Chống phá, làm giảm uy tín, vị thế của Quân đội ta luôn là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Một trong những thủ đoạn của họ là tạo thông tin giả mạo, mượn danh nghĩa người khác, mạo danh để bôi nhọ danh dự, uy tín của cán bộ cấp cao, nguyên là cán bộ cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cần cảnh giác, đấu tranh loại bỏ các loại thông tin rác rưởi này!
Bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của Quân đội, cán bộ quân đội là thủ đoạn không mới, nhưng gần đây lại xuất hiện với tần suất cao một cách bất bình thường. Mới đây, trên một số trang mạng “lề trái” xuất hiện bức thư được cho là của Thiếu tướng Huỳnh Hương (tức Huỳnh Đắc Hương), nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị gửi Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Bức thư đề cập một số nội dung xuyên tạc, sai lệch, nhằm bôi nhọ danh dự, hạ uy tín của lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương về nội dung liên quan đến bức thư. Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương khẳng định rằng: là thế hệ đi trước, cả đời theo cách mạng, sống, chiến đấu và trưởng thành trong môi trường Quân đội, tôi luôn tin tưởng Quân đội. Đến lúc cơ quan chức năng đưa bức thư ra thì Ông mới biết có bức thư như thế và khẳng định: đã lâu, không viết bất cứ bức thư nào và chữ ký ở bức thư đó là giả mạo chữ ký của Ông. Ông nhấn mạnh thêm, nay đã nhiều tuổi, sức khỏe giảm sút, mắt kém và không biết sử dụng in-tơ-nét. Ông bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sớm tìm ra người viết bức thư đã giả mạo tên và chữ ký của mình. Như vậy, trắng đen đã rõ, người ta đã giả mạo tên Ông, hòng lợi dụng uy tín cá nhân Ông để nói xấu lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
Trò giả mạo chữ ký cán bộ cấp cao của Quân đội đã nghỉ hưu để “tham gia”, hoặc bày tỏ thái độ “băn khoăn” trước tình hình đất nước, những vấn đề nảy sinh trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc dưới dạng “thư ngỏ” hay “kiến nghị” gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước là một thủ đoạn hèn hạ của những kẻ thù địch đối với Việt Nam. Thủ đoạn này không phải là mới, trước đây, chúng đã từng làm. Nhưng điểm khác là ở chỗ, những “thư ngỏ”, “kiến nghị” trước, có nhiều người cùng ký tên, còn nay chỉ cần một người có tên tuổi, uy tín và Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương được họ lựa chọn để giả mạo là như vậy. Phải chăng họ làm việc vô đạo đức này là do nắm bắt được tâm lý của nhân dân luôn tin tưởng vào bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” - Bộ đội của dân? Đặc biệt nếu có tên của những cán bộ cao cấp trong Quân đội, nhất là cán bộ cấp tướng có uy tín thì rõ ràng càng tăng thêm sức nặng của “thư ngỏ”, “kiến nghị”. Thông qua việc mạo danh để xuyên tạc, nói xấu cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội, họ hòng đánh lừa dư luận, thực chất là mê hoặc, “đánh cắp” niềm tin của nhân dân vào cán bộ của Đảng, Quân đội, tạo tâm lý hoài nghi, giao động, thiếu tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và Quân đội, làm nóng dư luận xã hội. Đáng tiếc là một số ít người do thiếu thông tin chính thống nên đã nhẹ dạ, cả tin vào những thông tin xấu độc đó, gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, sự thật luôn là sự thật, sự thật là chân lý lịch sử. Những kẻ dùng trò xuyên tạc sự thật chỉ có thể lừa bịp được một số người trong thời điểm nhất định, còn về lâu dài vẫn sẽ là “trắng ra trắng, đen ra đen”, không thể “đồng thau lẫn lộn” mãi được.
Lịch sử đã phát xét những hành động “ngậm máu phun người”, “ném đá giấu tay” của kẻ tiểu nhân, vô đạo đức, bất chấp mọi thủ đoạn hòng đạt được mục đích chính trị. Những kẻ nêu ở trên lại đang theo vết xe đổ đó, cố tình vi phạm pháp luật, cần phải lên án, nghiêm trị.
Nhân đây cũng cần nói rõ thêm, trong lịch sử của Quân đội ta từ cán bộ quân sự chuyển sang làm cán bộ chính trị, hoặc từ cán bộ chính trị sang làm cán bộ quân sự không phải không có tiền lệ. Điều đó diễn ra ở mọi cấp của các đơn vị quân đội, từ đơn vị cơ sở đến cấp chiến lược. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất, năng lực của mỗi người, thì việc luân chuyển cán bộ để họ được khẳng định khả năng của mình trên các lĩnh vực công tác ở các cấp trong toàn quân được làm thường xuyên, tiến hành theo đúng nguyên tắc, quy chế, quy trình công tác cán bộ, những ai trong quân ngũ đều thấy rõ điều đó. Ở cấp chiến dịch, chiến lược gần đây, là Đồng chí Lê Văn Dũng từ Tư lệnh Quân khu 7 (năm 1995 - 1998) trở thành Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1998) và trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng (năm 1998 - 2001) sang làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 2001 đến năm 2011) và được thăng hàm Đại tướng năm 2007. Đồng chí Phương Minh Hòa từ Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân (năm 2005) sang làm Tư lệnh Quân chủng này (năm 2010), trở thành Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2015 và được thăng hàm Thượng tướng. Không ít đồng chí từ cán bộ lực lượng vũ trang phát triển thành cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Đó là trường hợp Đại tướng Lê Đức Anh từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Trần Đại Quang từ Bộ trưởng Bộ Công an trở thành Chủ tịch nước thứ tư và thứ tám của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thượng tướng Lê Khả Phiêu từ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam từ 1991 - 1997, trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1997 - 2001, v.v.
Ngược dòng lịch sử của dân tộc cho thấy, thế hệ cán bộ đầu tiên của cách mạng nước ta đâu có được đào tạo cơ bản qua trường lớp chính quy, phần lớn chỉ qua các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, thế mà lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) vĩ đại. Tiếp đó, các thế hệ cán bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược tuy được đào tạo qua trường lớp có khá hơn trước, nhưng không thật nhiều, vậy mà đã cùng với nhân dân ta, dân tộc ta làm nên những chiến thắng vĩ đại, như: Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân 1975, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. “Thời thế tạo anh hùng”, trong thời kỳ này, nhiều cán bộ quân đội đã trở thành tướng lĩnh tài ba. Vị Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một điển hình. Đại tướng xuất thân từ thầy giáo dạy lịch sử, chứ đâu có phải là nhà quân sự, nhưng khi được Bác Hồ cử sang phụ trách Quân đội ta với tài năng thiên bẩm và trải nghiệm thực tiễn cách mạng phong phú Đồng chí đã trở thành vị tướng mưu lược, quyết đoán, chỉ huy toàn quân đánh bại những tên thực dân, đế quốc sừng sỏ nhất là Pháp và Mỹ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành huyền thoại và là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng có uy tín, tầm ảnh hưởng lớn đối với nhân dân ta và bạn bè trên thế giới. Nói vậy để thấy rằng, học qua trường lớp là điều rất quan trọng, nhưng nhường thế là chưa đủ mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhất là khả năng tư duy, tự nghiên cứu, học tập, rèn luyện theo cương vị công tác của mỗi người. Hay nói cách khác, dù được đào tạo cơ bản, nhưng thiếu tư duy chiến lược, tầm nhìn hạn chế thì người đó khó mà lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn hiệu quả. Trên thế giới cũng như ở nước ta cho đến nay chưa có, đúng hơn không nhất thiết phải có trường lớp đào tạo người chủ trì cho một ngành, một lĩnh vực hay đào tạo nguyên thủ quốc gia. Thực tế chỉ có các trung tâm đào tạo cán bộ cấp chiến lược, trong số đó có người sau khi đào tạo, công tác, phát triển thành cán bộ chủ trì một ngành, một lĩnh vực và số rất ít là nguyên thủ quốc gia. Điều khẳng định, việc sắp xếp, bố trí sử dụng cán bộ chiến lược của Đảng ta được thực hiện chặt chẽ, cẩn trọng theo quy trình, quy định nghiêm ngặt, thống nhất, tập thể cấp ủy thảo luận, xem xét toàn diện, nhiều chiều để lựa chọn cán bộ một cách chính xác nhất vào từng vị trí. Về tổng thể, không có chuyện bố trí, sắp xếp cán bộ một cách tùy tiện, thiếu căn cứ. Vậy nên, việc có ý kiến không đồng tình với quyết định của Bộ Chính trị phân công một cán bộ nào đó đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị, nhất là vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là hoàn toàn không có cơ sở.
Việc có “bức thư” mạo danh Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương để nói một số vấn đề về Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được lan truyền trên không gian mạng thời gian qua cũng nằm trong “kịch bản” chống phá Quân đội đã được dàn dựng, chuẩn bị từ trước. Hẳn mọi người không lạ gì thủ đoạn đê hèn đó. Bởi, mưu đồ sâu xa của chúng là chống Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Mà muốn làm được điều đó thì việc chống phá Quân đội được chúng xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu, nhằm chia rẽ Đảng với Quân đội, tạo mâu thuẫn nội bộ, chia rẽ tình cảm quân - dân, gây tâm lý hoài nghi, thiếu tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ vào lãnh đạo Bộ Quốc phòng, làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.
Vì vậy, cần phải cảnh giác và kiên quyết đấu tranh loại bỏ loại thông tin thất thiệt, xấu độc này, nhằm giữ vững uy tín, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân./.
BẠN NÊN ĐƯA NGUỒN BÀI VIẾT VÀ TÊN TÁC GIẢ KẺO NHẦM BÀI VIẾT LÀ CỦA BẠN, BẠN THÂN MẾN NHÉ!
Trả lờiXóa