Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Các loại quyền lực trong thế giới ngày nay từ góc độ xã hội học chính trị

Một số loại quyền lực: Định nghĩa, thành phần và cấu trúc 

Quyền lực hành động và quyền lực tài nguyên. Để có thể hoàn thiện và thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương như văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng đã đề ra, cần phải tìm hiểu một cách khoa học các loại quyền lực với các nguồn gốc, hình thức biểu hiện và vận hành của chúng. Đầu thế kỷ XX nhà xã hội học chính trị nổi tiếng người Đức Max Weber đã đưa ra định nghĩa rằng quyền lực là khả năng mà một người hay nhóm người thực hiện ý chí của mình trong hành động cộng đồng thậm chí bất chấp sự chống đối của người khác tham gia trong hành động đó. Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI Joseph Nye đã phát triển khái niệm quyền lực quan hệ của Max Weber trên các khía cạnh từ cấp độ vi mô đến cấp độ vĩ mô, nhất là trong quan hệ quốc tế đang ngày càng phức tạp hiện nay. J. Nye cho rằng để hiểu quyền lực quan hệ cần làm rõ hai loại quyền lực khác. Thứ nhất là “quyền lực hành động” nhằm đạt kết quả mong muốn, được J. Nye diễn đạt thành công thức như sau: quyền lực = sự tác động đến người khác... liên quan đến chủ đề gì đó ... qua phương tiện nhất định... đạt kết quả mong muốn(1). Thứ hai là loại “quyền lực tài nguyên” hay quyền lực như nguồn lực. Theo định nghĩa này, người có nhiều nguồn lực, nhiều tài nguyên hữu hình và vô hình, vật thể và phi vật thể là người có nhiều quyền lực. Nhưng, tài nguyên không tự biến thành quyền lực mà phải chuyển đổi theo công thức do Nye đưa ra là: quyền lực = tài nguyên x chiến lược chuyển đổi và năng lực lãnh đạo, quản lý (quyền lực thông minh) x kết quả mong muốn. Công thức cho thấy việc có nhiều tài nguyên, nhiều nguồn lực vẫn chưa bảo đảm hành vi quyền lực có thể đạt được kết quả mong muốn.

Ba bộ mặt của quyền lực quan hệ. Bộ mặt thứ nhất của quyền lực là cơ hội thực hiện ý chí bất chấp sự chống đối của người khác. Vào những năm 1950, bộ mặt thứ nhất này được Robert Dahl xác định rõ là khả năng chỉ huy người khác phải hành động theo hướng ngược lại với sở thích và chiến lược ban đầu của họ. Phát hiện cho thấy có thể đo lường, đánh giá được sức mạnh của quyền lực quan hệ thông qua việc xác định xem các sở thích, chiến lược ban đầu của một người hay một quốc gia mạnh đến mức nào và bị các nỗ lực chỉ huy làm thay đổi ra sao.

Vào những năm 1960, Peter Bachrach và Morton Baratz phát hiện ra bộ mặt thứ hai của quyền lực, có thể gọi là bộ mặt định khung (framing) và coi đó là khả năng xác định khung sở thích và hành động thông qua việc tác động vào kỳ vọng của người khác về tính hợp lý, tính chính đáng. Bộ mặt định khung của quyền lực quan hệ thể hiện ở khả năng xác định chương trình nghị sự, các cơ chế, các quy tắc của trò chơi để đạt được mục tiêu nhất định mà những người tham gia thực hiện không cảm thấy bị cưỡng chế, bị chỉ huy như đối với bộ mặt thứ nhất của quyền lực.

Vào những năm 1970, Steven Lukes phát hiện ra bộ mặt thứ ba của quyền lực quan hệ và bộ mặt này giống “quyền lực mềm” như anh em sinh đôi. Đó là khả năng khiến người khác muốn cùng các kết quả mà ta muốn bằng cách tác động vào quan niệm và niềm tin để định hình sở thích ban đầu của người khác. J. Nye định nghĩa ngắn gọn quyền lực mềm là quyền lực thu hút, là khả năng định hình hoặc tái định hình sở thích mà không dùng vũ lực hay thưởng phạt.

Quyền lực cứng và quyền lực mềm. Theo J. Nye, bộ mặt thứ hai và bộ mặt thứ ba của quyền lực quan hệ tạo nên “quyền lực mềm” phân biệt với “quyền lực cứng” về mặt hành vi chứ không phải về mặt vô hình hay hữu hình của tài nguyên quyền lực. Ông định nghĩa quyền lực cứng là khả năng thúc đẩy người khác dựa vào vũ lực, thưởng, phạt và thiết lập nghị trình dựa trên các hành vi này. Còn quyền lực mềm là khả năng lôi kéo người khác qua việc chiêu dụ gồm định khung nghị trình, thuyết phục và khêu gợi hành vi thu hút tích cực để đạt kết quả mong muốn. Quyền lực cứng và mềm là hai cực của một trục quyền lực trên đó thể hiện các mức độ hành vi lần lượt là chỉ huy, cưỡng ép, đe dọa, thưởng, phạt, định khung, thuyết phục và chiêu dụ. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn có thể thấy, tùy thuộc vào bối cảnh xã hội cụ thể mà bộ mặt quyền lực có thể biểu hiện “cứng”, “mềm” hoặc vừa cứng vừa mềm.

Quyền lực thông minh. J. Nye đã phát triển thuật ngữ “quyền lực thông minh” (smart power) vào năm 2004 để chống lại quan niệm chỉ riêng quyền lực mềm là đủ để tạo ra chính sách đối ngoại hiệu quả. Theo J. Nye, quyền lực thông minh là khả năng tác động đến người khác thông qua việc kết hợp các tài nguyên quyền lực cứng và quyền lực mềm thành các chiến lược hiệu quả để đạt kết quả mong muốn. Nói một cách khác, quyền lực thông minh là khả năng sử dụng một cách duy lý các tài nguyên quyền lực cứng và mềm để tạo ra những chiến lược, những chính sách, những đường lối hành động nhằm đạt kết quả mong muốn. Với tinh thần như vậy, quyền lực thông minh là loại quyền lực tổng tích hợp cả sáu loại quyền lực trên cơ sở kết hợp ba bộ mặt quyền lực (chỉ huy, định hình, chiêu dụ) với quyền lực cứng và quyền lực mềm. Có thể thấy, trong thế giới ngày nay, quyền lực thông minh cũng tương tự “lao động thông minh”(2) có xu hướng dựa vào tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, nhờ vậy có thể tạo ra những biến đổi có tính chất cách mạng trong lãnh đạo, quản lý.

Tương lai của quyền lực quân sự và quyền lực kinh tế 

Tương lai của quyền lực quân sự. Khác với các nhà lý thuyết về quyền lực, J. Nye đã thành công trong việc phân tích và dự báo tương lai của các loại quyền lực trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Theo J. Nye, quyền lực chỉ huy dựa vào quân sự có lẽ không phổ biến giữa các nước hậu công nghiệp với các nền dân chủ phát triển cao với nhau, nhưng có thể vẫn còn phổ biến trong quan hệ của các nước này với các nước công nghiệp hóa và các nước tiền công nghiệp. Một số lý do được đưa ra là: thứ nhất, ngày nay tài nguyên quyền lực quân sự của các nước công nghiệp phát triển đã trở nên mạnh hơn nhiều về sức mạnh tàn phá. Điều này không cản trở, trái lại càng thúc đẩy việc sản xuất, nắm giữ và sử dụng tài nguyên quân sự cứng, ví dụ vũ khí hạt nhân nhưng không phải bằng quyền lực cứng mà bằng quyền lực mềm, không phải bộ mặt chỉ huy mà bộ mặt thuyết phục. Thứ hai, trong thế giới ngày nay, nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại, việc sử dụng tài nguyên mềm đã trở nên có hiệu quả và đỡ tốn kém hơn nhiều so với trước đây. Lý do thứ ba là quyền lực mềm với các tài nguyên như các hệ giá trị, các chuẩn mực và các trào lưu đề cao dân chủ, đối thoại, hòa bình và chống bạo lực, chống sử dụng vũ lực đang ngày một lớn mạnh và phát huy tác dụng trong việc hạn chế sử dụng quyền lực quân sự. Lý do thứ tư là quyền lực quân sự vẫn quan trọng, nhưng không còn đóng vai trò quyết định nữa khi các quan hệ quốc tế ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và trở nên phức tạp.

Theo J. Nye, quyền lực quân sự vẫn có tương lai của nó như một công cụ hiệu quả trong quan hệ quốc tế, khi nó vẫn đảm bảo khả năng chiến đấu, đe dọa, bảo hộ và hỗ trợ để tạo ra kết quả mong muốn. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ về các mặt của tài nguyên quyền lực đang thúc đẩy sự phát triển các loại quyền lực liên quan, ví dụ như quyền lực biển mà trước kia gọi là “hải lực”, quyền lực không gian, quyền lực điện tử. Diễn biến của quyền lực quân sự trong hiện tại và tương lai phụ thuộc chủ yếu vào quyền lực thông minh, đó là khả năng kết hợp quyền lực cứng với các loại tài nguyên quân sự và quyền lực mềm với các tài nguyên văn hóa, thông tin, tổ chức và ngoại giao linh hoạt để xây dựng và thực thi chiến lược, chính sách thông minh, có hiệu quả.

Tương lai của quyền lực kinh tế. Theo J. Nye, không nên nhầm lẫn tài nguyên quân sự với quyền lực quân sự và càng không được đánh đồng tài nguyên kinh tế với quyền lực kinh tế. Tuy nhiên, một nền kinh tế lớn, thịnh vượng luôn vừa tạo ra tài nguyên quyền lực cứng vừa tạo ra tài nguyên quyền lực mềm và nhờ vậy có thể làm tăng quyền lực kinh tế. Các tài nguyên kinh tế dưới hình thức cứng và mềm như quy mô và chất lượng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thu nhập bình quân đầu người, tài nguyên thiên nhiên, nhân lực, trình độ công nghệ, các tổ chức kinh tế, các thị trường và các tài nguyên khác đều có thể tạo nên quyền lực cứng và quyền lực mềm. Thông qua các bằng chứng về cách thức sử dụng các công cụ kinh tế như trừng phạt kinh tế, viện trợ kinh tế và nhất là chính sách cấu trúc hóa thị trường, J. Nye cho thấy quyền lực kinh tế tiếp tục có tầm quan trọng và hiệu quả không hơn cũng không kém gì so quyền lực quân sự. Ví dụ, trừng phạt kinh tế có thể tạo ra tác động kinh tế không đáng kể, nhưng lại có tác động quan trọng và to lớn về mặt “ra hiệu” và quyền lực mềm, do vậy, nó vẫn là một công cụ quyền lực có hiệu quả trong thế kỷ XXI. Cũng như quyền lực quân sự, việc sử dụng quyền lực kinh tế một cách thông minh đòi hỏi phải tính đến các đặc điểm của bối cảnh quốc tế và các yếu tố của từng thị trường bao gồm cả yếu tố bất đối xứng, tính dễ nhạy cảm và tính dễ bị tổn thương của thị trường.

Quyền lực mềm

J. Nye cho biết, Lão Tử đã từng nói đến quyền lực mềm khi nhấn mạnh rằng một người lãnh đạo giỏi không phải là khi bắt buộc các thần dân phải tuân lệnh mà khi các thần dân hầu như không biết đến sự tồn tại của người lãnh đạo đó. Machiavelli đã nói đến quyền lực mềm của một quân vương được mọi người yêu mến và cho rằng một quân vương có quyền lực cứng khiến các thần dân sợ hãi thì hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo J. Nye, quyền lực mềm dễ bị quên, bị lờ đi trong các nghiên cứu và trong thực tiễn xã hội bởi một số lý do: Thứ nhất, khó kiểm soát và sử dụng quyền lực mềm bởi vì các công cụ của nó không hoàn toàn nằm trong tay nhà cầm quyền mà nằm sâu trong hệ các giá trị văn hóa, chuẩn mực xã hội. Thứ hai, quyền lực mềm đòi hỏi phải nhiều thời gian mới có thể tạo ra được kết quả mong muốn, mà kết quả đó cũng khó kiểm soát. Thứ ba, công dụng của quyền lực mềm phụ thuộc nhiều vào uy tín và tính chính đáng của người thực thi quyền lực mềm. Một nhà chính trị hay một quan chức tham nhũng thì bị mất uy tín và đồng thời bị mất quyền lực mềm, mặc dù người đó vẫn có thể sử dụng quyền lực cứng để chỉ huy và ra mệnh lệnh.

Tài nguyên quyền lực mềm. J. Nye chỉ ra ba nguồn gốc hay ba tài nguyên quyền lực mềm của một quốc gia, đó là: (i) văn hóa được hiểu là những khuôn mẫu ứng xử, mà thông qua đó các nhóm xã hội truyền đạt tri thức và các chuẩn mực (ở những nơi mà nó thu hút các nước khác), (ii) các chuẩn mực chính trị (khi nó hợp lòng người trong nước và ngoài nước) và (iii) chính sách đối ngoại (khi các nước khác xem những chính sách này là chính đáng và có quyền uy về đạo lý). Ngoài ra, quyền lực mềm có thể được tạo ra bởi các tài nguyên khác như tài nguyên kinh tế và tài nguyên quân sự. J. Nye nêu ví dụ: cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Brazil và các nước khác đều tăng quyền lực mềm của mình thông qua việc sử dụng các tài nguyên quân sự để khắc phục hậu quả động đất ở Haiti năm 2010. J. Nye phát hiện thấy một đặc trưng của quyền lực mềm là không nhất thiết dẫn đến trò chơi “tổng bằng 0”, trong đó nước này được lợi và nước khác bị thiệt, mà là trò chơi “tổng dương”, trong đó các nước đều được lợi, đều trở nên hấp dẫn và xác suất xung đột giảm. Tuy nhiên, J. Nye cũng cảnh báo rằng các nước rất khó tăng được quyền lực mềm nếu như lời nói và việc làm của họ không nhất quán nhau.

Hành vi quyền lực mềm. Theo J. Nye, mỗi bộ mặt quyền lực đều có thể bộc lộ qua hành vi quyền lực cứng và quyền lực mềm, cụ thể như sau: (i) Ở bộ mặt thứ nhất, dưới dạng quyền lực cứng, A có thể dùng vũ lực hoặc tiền bạc để buộc B phải thay đổi chiến lược hiện tại của B. Nhưng dưới dạng quyền lực mềm, A thuyết phục để thay đổi chiến lược hiện tại của B. (ii) Ở bộ mặt thứ hai, dưới dạng quyền lực cứng, A dùng vũ lực hoặc tiền bạc để cắt xén nghị trình của B dù B có thích hay không. Nhưng dưới dạng quyền lực mềm, A sử dụng sức thu hút hoặc các tổ chức để B thấy nghị trình này là chính đáng, là hợp lý. (iii) Ở bộ mặt thứ ba, dưới dạng quyền lực cứng, A dùng vũ lực hoặc tiền bạc để định hình sở thích của B. Nhưng dưới dạng quyền lực mềm, A dùng sức thu hút và/hoặc các tổ chức để định hình sở thích ban đầu của B. Trong cả ba bộ mặt của quyền lực, hành vi quyền lực mềm đều là hành vi định khung, thuyết phục và thu hút của A đối với B; điều này khác hẳn với hành vi quyền lực cứng là sử dụng vũ lực hoặc tiền bạc. A và B đều có thể là cá nhân hoặc chính phủ, quốc gia. Do vậy, bảng phân loại của J. Nye không giới hạn ở cấp độ vi mô là hành vi, quan hệ quyền lực của các cá nhân, mà mở rộng sang cấp độ vĩ mô là hành vi, quan hệ quyền lực của các quốc gia trên thế giới.

J. Nye lưu ý rằng, hành động gây chú ý, thu hút sự quan tâm có thể mang tính tích cực và mang tính tiêu cực. Ông cho biết, sự thu hút mang tính tiêu cực là sự thu hút bất đối xứng và dẫn đến một phản ứng quyền lực cứng. Sự thu hút tiêu cực như vậy không tạo ra quyền lực mà tạo ra điểm yếu, rủi ro và bị lợi dụng. Ông nêu ví dụ: Ấn Độ có sức hấp dẫn đối với Anh vào thế kỷ XIX và điều này không sinh ra quyền lực mềm cho Ấn Độ mà dẫn đến việc Ấn độ bị thu phục làm thuộc địa của Anh. Thu hút tích cực theo nghĩa “mê hoặc” mới có thể sinh ra quyền lực mềm. Nhưng điều gì tạo ra sự thu hút tích cực? Đó là các tố chất như lòng nhân từ, sự thuần thục và vẻ đẹp. Lòng nhân từ có thể sinh ra sự cảm thông, tín nhiệm, uy tín và đồng tình. Sự thuần thục, thành thạo trong cách làm việc của chủ thể hành động có thể sinh ra sự thán phục, tôn trọng và ý muốn noi theo, làm theo. Vẻ đẹp gắn với lý tưởng, tầm nhìn, mục đích, chuẩn mực có thể tạo cảm hứng, khích lệ và sự trung thành. Tuy nhiên, các yếu tố này không tự động tạo ra sự thu hút tích cực, bởi vì còn phụ thuộc vào các điều kiện như cách thức thể hiện và sự cảm nhận của đối tượng mục tiêu. Ví dụ, lòng nhân từ mà bị cảm nhận là đạo đức giả hoặc bị thương hại thì không làm tăng mà làm suy giảm quyền lực mềm. J. Nye cho biết, gắn liền với sự thu hút là sự thuyết phục được hiểu là việc sử dụng lập luận để tác động đến niềm tin và hành động của người khác mà không đe dọa dùng vũ lực hay thưởng phạt. Định khung liên quan tới thu hút và thuyết phục trong việc tạo nên quyền lực mềm. Một lập luận được định khung hấp dẫn được đối tượng xem là chính đáng, hợp lý có sức thuyết phục cao. Như vậy, các hành vi quyền lực mềm như định khung, thuyết phục và thu hút liên quan chặt chẽ với nhau và góp phần tăng cường quyền lực mềm. Nhưng điều này phụ thuộc vào các bên tham gia nhất là phụ thuộc vào nỗ lực của chủ thể và sự cảm nhận của đối tượng mục tiêu đối với lời nói và việc làm của chủ thể hành động.

Cơ chế quyền lực mềm. Quyền lực mềm hoạt động theo cơ chế nào để tác động đến đối tượng mục tiêu? J. Nye chỉ ra hai cơ chế tác động: trực tiếp và gián tiếp như sau. Theo cơ chế tác động trực tiếp, cá nhân nhà lãnh đạo này có thể bị thu hút, thuyết phục và định khung một cách trực tiếp bởi cá nhân nhà lãnh đạo khác. Điều này giải thích tại sao các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với nhau của các nhà lãnh đạo có vai trò quan trọng trong quan hệ quyền lực. Tuy nhiên, trên thực tế, theo cơ chế gián tiếp, quyền lực mềm tác động đến công chúng và các bên thứ ba và qua họ tác động đến các lãnh đạo. Cơ chế tác động gián tiếp cho thấy vai trò quan trọng của công luận, dư luận xã hội trong việc tạo ra môi trường thuận lợi hoặc bất lợi cho những quyết định chính sách nhất định. Cơ chế gián tiếp dẫn đến cách nghiên cứu quyền lực phổ biến ở một số nước trên thế giới, đó là thăm dò dư luận xã hội, trưng cầu dân ý. Trong trường hợp này, dư luận xã hội với các biểu hiện của nó trở thành công cụ, phương tiện để biến tài nguyên quyền lực thành hành vi quyền lực để đạt kết quả mong muốn. Đồng thời, dư luận xã hội trở thành đối tượng nghiên cứu của khoa học chính trị và xã hội học chính trị. Trong khi vẫn còn ý kiến tranh luận về cơ chế gián tiếp và trực tiếp của quyền lực thì trên thực tế các nhà lãnh đạo, quản lý không chỉ nỗ lực tăng sức hấp dẫn và thuyết phục mà còn cạnh tranh nhau trong việc tước đoạt tính chính đáng và làm “mất mặt nhau” để giảm quyền lực mềm của nhau. Điều này xảy ra trên cả cấp độ quốc tế, J. Nye nêu ví dụ: Hoa kỳ thông qua dự luật trị giá 30 triệu USD để ghi nhận và và công bố các trường hợp vi phạm nhân quyền ở Iran, đáp lại, nghị viện Iran lập ra một quỹ 20 triệu USD để vạch trần các trường hợp vi phạm nhân quyền ở Hoa Kỳ.

Theo J. Nye, dù hoạt động theo cơ chế trực tiếp hay gián tiếp và nhằm mục đích tăng hay giảm quyền lực mềm thì hành vi quyền lực mềm luôn bao gồm việc chủ thể sử dụng các tài nguyên quyền lực nhất là tài nguyên quyền lực mềm, các công cụ chính sách và các kỹ năng chuyển đổi để tạo ra những phản ứng hồi đáp tích cực hoặc tiêu cực với đối tượng mục tiêu nhằm đạt kết quả mong muốn.

Trong quan hệ quốc tế, vị thế và vai trò của công chúng được nâng cao đến mức đã xuất hiện khái niệm “ngoại giao công chúng” (ở Việt Nam gọi là “Ngoại giao nhân dân”) bổ sung cho “ngoại giao nội các” hay “ngoại giao chính phủ”. Mô hình ngoại giao chính phủ gồm các chính phủ ngoại giao trực tiếp với nhau. Mô hình ngoại giao công chúng bao gồm cả chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân. Trong mô hình này các chính phủ không chỉ nỗ lực giành uy tín đối với các chính phủ khác mà còn phải cạnh tranh để giành “trái tim và khối óc”, uy tín đối với công chúng và các đối thủ trong đó có các cơ quan truyền thông đại chúng. Dưới tác động của sự bùng nổ thông tin, người dân được tiếp cận thông tin và thông tin tạo ra quyền lực. J. Nye nói đến “nghịch lý dư dả” theo đó sự dồi dào và sẵn có của thông tin dẫn tới sự thờ ơ và sự nghèo nàn, thiếu thốn về mức độ chú ý. Trong trường hợp này, chỉ những ai phân biệt được thông tin giá trị, hấp dẫn, gây chú ý mới có quyền lực. Ông cho rằng trong xã hội tin học hóa ngày nay, các thông tin như vậy và các câu chuyện kể hấp dẫn mới thực sự trở thành đơn vị tiền tệ của quyền lực mềm. Ông nêu ví dụ: Internet và Twitter đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa chính phủ và những người phản đối sau các cuộc bầu cử ở Iran năm 2009. Một ví dụ khác cho biết thông tin sai lệch làm giảm uy tín của một quốc gia, lúc đầu những thông tin thổi phồng về các vũ khí hủy diệt hàng loạt của Saddam Hussein và các mối gắn kết với Al Qaeda có thể đã góp phần tạo ra quyền lực mềm ủng hộ cuộc Chiến tranh Iraq. Nhưng sau đó, việc vạch trần vụ thổi phồng này đã giáng một đòn chí mạng làm suy giảm uy tín của Anh và Hoa Kỳ. Các tài nguyên công nghệ thông tin đang phát triển với tốc độ cấp số nhân trực tiếp tạo nên những loại quyền lực mới như “quyền lực điện tử”, “quyền lực mạng xã hội” và tăng cường các loại quyền lực khác như quyền lực quân sự, quyền lực kinh tế, quyền lực chính trị, quyền lực tri thức. 

Khi phân tích các loại quyền lực, J. Nye đã nhất quán áp dụng khái niệm quyền lực cứng và mềm. Ví dụ, về quyền lực điện tử, việc sử dụng các cơ quan, tổ chức hoặc các thiết bị điện tử để kiểm soát hành vi, hoạt động của đối tượng mục tiêu là biểu hiện của quyền lực cứng. Nhưng, quyền lực mềm ở đây là việc thiết lập các bộ tiêu chuẩn, việc ban hành các quy định hoặc sử dụng các phần mềm để phát hiện và ra hiệu “điểm mặt, chỉ tên” nhằm tạo dư luận xã hội buộc đối tượng mục tiêu phải thay đổi sở thích và chiến lược ban đầu của mình. Trong lĩnh vực điện tử, quyền lực cứng với bộ mặt chỉ huy có thể là việc chèn phần mềm mã độc hại làm sập trang thông tin điện tử hoặc bắt giữ, trừng phạt người viết blog. Quyền lực mềm với bộ mặt chỉ huy là dùng chiến dịch truyền thông mạng để thay đổi sở thích hoặc chiến lược hành động ban đầu của đối tượng mục tiêu.

Không ai phát minh hay tạo ra loại quyền lực mềm hay quyền lực thông minh. Nhưng các nhà khoa học có công phát hiện, đặt tên và làm rõ khái niệm quyền lực với các bộ mặt và các cơ chế, hình thức vận động, biến đổi mới của quyền lực trong thế giới ngày nay. Đóng góp lớn nhất của xã hội học chính trị là xem xét các loại quyền lực và tương lai của chúng trong bối cảnh quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, cần nhất quán áp dụng các định nghĩa kinh điển để làm rõ những loại quyền lực mới. Quyền lực điện tử được J. Nye định nghĩa là khả năng đạt được kết quả mong muốn qua việc sử dụng các tài nguyên thông tin thuộc lĩnh vực điện tử được kết nối với nhau bằng phương thức điện tử. Định nghĩa này có lẽ đã quên hoặc xem nhẹ một đặc trưng cơ bản của hành động quyền lực và quan hệ quyền lực, đó là sự thực hiện ý chí của một bên trong hành động cộng đồng, sự tham gia, kể cả sự chống đối của các bên khác trong hành động đó. J. Nye chưa nói đến một loại siêu quyền lực quan trọng và cần thiết phải nghiên cứu, nắm bắt hiện nay là “quyền lực kiểm soát quyền lực”. J. Nye cũng chưa phát hiện thấy “sự suy tàn của quyền lực” hiểu theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về sự tiêu vong của nhà nước và theo phân tích của Moisés Naím rằng quyền lực, với tính cách là khả năng buộc người khác làm hoặc không làm điều gì đó, ngày nay trở nên dễ giành được nhưng khó giữ và khó sử dụng với nhiều hạn chế và thách thức từ các phía./.
--------------------------------------------------------------
(1) Joseph S. Nye, Jr (2010): Tương lai của quyền lực, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2016, Tr. 37

(2) Peter Drucker: Xã hội hậu tư bản, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hà Nội, 1995

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét