Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Nhất quán con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta lựa chọn

(LLCT) - Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng… Đó là những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn 85 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam XHCN.
1. Sự lựa chọn của lịch sử
Năm 1958, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Nhà Nguyễn bạc nhược, từng bước nhân nhượng và đến năm 1884 đã hoàn toàn đầu hàng thực dân Pháp.
Không cam chịu nô lệ, dân ta liên tục nổi dậy chống lại ách thống trị của thực dân Pháp, nhưng đều lần lượt thất bại.
Phong trào cứu nước của nhân dân ta lâm vào bế tắc, nhất là khi Trường Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa (12-1907), cuộc biểu tình chống thuế ở miền Trung bị đàn áp (4-1908), vụ Hà thành đầu độc bị thất bại và tàn sát (6-1908), căn cứ nghĩa quân Yên Thế bị bao vây và tấn công (1-1909), phong trào Đông Du bị tan rã, Phan Bội Châu và các cộng sự bị trục xuất khỏi nước Nhật (2-1909),…
Lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX đặt ra yêu cầu phải có con đường cứu nước mới, để phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đủ sức chiến thắng thực dân Pháp, giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc.
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, Nguyễn Tất Thành đã sớm trăn trở con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Năm 1911, Người đã: “…đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(1). Hành trình qua nhiều nước châu Phi, châu Mỹ, đến nhiều nước châu Âu, sống và làm việc với nhiều người dân bị áp bức ở phương Đông và những người làm thuê ở các nước phương Tây, học nhiều thứ tiếng nước ngoài đã giúp Người hiểu thêm được chế độ chính trị của xã hội tư sản, về đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa. Các cuộc cách mạng tư sản được Nguyễn Ái Quốc quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu. Từ nghiên cứu Cách mạng tư sản Mỹ (1776) và Cách mạng tư sản Pháp (1789), Nguyễn Ái Quốc kết luận: “Mỹ tuy cách mạng thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo cách mệnh lần thứ hai”(2). “Ấy là vì cách mệnh Mỹ là cách mệnh tư bản, là chưa phải cách mệnh đến nơi”(3). Cách mạng tư sản Pháp, Mỹ không đáp ứng được mục tiêu tự do, độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân mà Người ấp ủ. Tháng 7–1920, khi đọc: “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I Lênin đăng trên báo L,Humanité số ra ngày 16 và 17-7-1920, Người đã tìm thấy con đường giành độc lập dân tộc, tự do cho đồng bào. Người cho rằng: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(4). Nghiên cứu kinh nghiệm Công xã Pari 1871, Người nhận thấy: “Ngày 18-3, thợ thuyền Pari nổi lên làm cách mệnh cộng sản (Công xã)”(5), nhưng “vì thợ thuyền còn non nớt, tổ chức không khéo, và lại Đức giúp cho tư bản Pháp đánh lại thợ thuyền, nên cuối tháng 5 thì cách mệnh thất bại”(6).
Nghiên cứu Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Nguyễn Ái Quốc nhận xét: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”(7). Tham gia Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp (25-12-1920), Người tham gia tích cực vào Ủy ban Quốc tế III của Đảng Xã hội Pháp với mục đích vận động Đảng gia nhập Quốc tế III và bảo vệ Cách mạng Tháng Mười Nga. Tại Đại hội này, Người đứng về Quốc tế Cộng sản, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là cột mốc quan trọng về nhận thức của Người từ kinh nghiệm cách mạng thế giới, đánh dấu sự lựa chọn con đường cứu nước mới: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(8).
Con đường cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc lựa chọn gồm một số luận điểm:
Một là, cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với CNXH. Sau khi tìm được con đường cách mạng vô sản, đến đầu năm 1923, Trong truyền đơn cổ động mua báo Người cùng khổ (Le Paria), Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”(9).
Hai là, con đường giải phóng dân tộc theo Nguyễn Ái Quốc gồm những chặng đường chính là: “…làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(10). Cách mạng thuộc địa trước hết là một cuộc “dân tộc cách mệnh”, đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập, tự do. Đồng thời với việc giành độc lập dân tộc, việc giải quyết vấn đề ruộng đất - ước mơ ngàn đời của người nông dân cùng với việc dân chủ hóa xã hội là những việc cách mạng phải tiến hành song song nhưng không ngang bằng nhau, để đi tới xã hội cộng sản.
Ba là, lực lượng lãnh đạo là giai cấp công nhân mà “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp”(11). Cách mạng muốn thành công trước hết phải có đảng cách mạng lãnh đạo, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy đúng hướng.
Bốn là, lực lượng cách mạng là khối đại đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức; Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới nên phải đoàn kết quốc tế: “Đảng phổ biến khẩu hiệu “Việt Nam tự do” và đồng thời Đảng liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới…”(12). Đoàn kết và liên minh với các lực lượng cách mạng quốc tế song phải nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, không được trông chờ ỷ lại chờ đợi sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Sau khi chuẩn bị về mọi mặt, Hồ Chí Minh đã chủ động lãnh đạo tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức đảng cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Cương lĩnh, đề ra chủ trương, đường lối, Điều lệ xây dựng Đảng… xác định toàn diện con đường giải phóng dân tộc Việt Nam.
2. Kiên định thực hiện con đường đã chọn
    Dân tộc Việt Nam có tinh thần đoàn kết chặt chẽ đùm bọc lẫn nhau,; ý chí độc lập và khát vọng tự do; có ý thức về chủ quyền, thống nhất đất nước. Tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự do là chủ lưu xuyên suốt của lịch sử, là nền tảng tinh thần của sự trường tồn và phát triển, là động lực vô tận của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ý thức sâu sắc về truyền thống lịch sử Việt Nam, Hồ Chí Minh đã viết: “Năm 1407, Tầu (phong kiến) đánh nhau với ta; nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do hơn là nhờ quân đông sức mạnh, nước Nam đã thắng”(13). Từ lịch sử Việt Nam và thế giới, Người nêu một luận điểm về quyền thiêng liêng nhất của các nước trên thế giới: “Tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc... Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ”(14). Trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Đại hội Tua, lý giải việc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(15). Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Người xác định: “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”; “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”(16). Nguyễn Ái Quốc đã phát triển tư tưởng giải phóng dân tộc thành chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, đó là: cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản; trong thời đại mới, cách mạng giải phóng dân tộc phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo; Lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc là toàn dân tộc Việt Nam; cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc; cách mạng giải phóng dân tộc phải được tiến hành bằng bạo lực. Cương lĩnh cách mạng của Đảng đã huy động sức mạnh của các giai cấp, tầng lớp xã hội gồm công nhân, nông dân, còn bao gồm cả tiểu tư sản, trí thức, trung nông, trung tiểu địa chủ và tư sản bản xứ nhằm thực hiện nhiệm vụ đánh đuổi đế quốc Pháp và phong kiến làm cho nước Việt Nam được độc lập, tự do.
Nguyễn Ái Quốc đã kiên trì quan điểm độc lập, tự do là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc. Tháng 5-1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8, nêu cao vấn đề giải phóng dân tộc. Tháng 6-1941, Người viết thư Kính cáo đồng bào, chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy(17), Người chỉ đạo thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh), ra báo Việt Nam độc lập, ban bố Mười chính sách của Việt minh, với mục tiêu lâu dài, xuyên suốt là: “Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền”(18).
Với chiến lược giải phóng dân tộc đúng đắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, dân tộc Việt Nam đã giành thắng lợi to lớn trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh công bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, khẳng định về pháp lý quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam. Đó là cột mốc lịch sử mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, mở ra thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh, mở ra con đường giải phóng dân tộc cho các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng dân tộc ta lập tức phải đương đầu với dã tâm tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp. Vừa kháng chiến, vừa xây dựng chế độ dân chủ nhân dân (1945-1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ; tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc 1954-1975. Thời kỳ này, nhận thức về con đường giải phóng dân tộc có bước phát triển mới, nổi bật là các nội dung:
-      Kết hợp kháng chiến với kiến quốc, vừa kháng chiến vừa xây dựng chế độ dân chủ nhân dân; tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng khác nhau, đó là cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam và cách mạng XHCN ở miền Bắc nhằm thực hiện mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
-      Xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, Việt Nam là nước nhỏ, đất không rộng, người không đông, đang trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, lại phải đương đầu với kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh hơn nhiều lần, do vậy cuộc kháng chiến của dân tộc ta sẽ là cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính.
-      Mục tiêu tối cao là độc lập, tự do và xây dựng thành công CNXH, do vậy để thực hiện thắng lợi con đường giải phóng dân tộc, ngay từ khi nước nhà giành được độc lập trong Cách mạng Tháng Tám cần phải xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân. Công cuộc giành độc lập, tự do và xây dựng nền dân chủ đã được tiến hành từng bước vững chắc và đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.
-      Muốn giải phóng dân tộc thắng lợi và xây dựng  thành công CNXH phải luôn có nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng Cộng sản trong sạch, vững mạnh, đủ sức mạnh để cầm quyền.
Thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên CNXH với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Những thắng lợi trong hơn 85 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa nước ta từ một thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường XHCN; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, nước ta ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh CNH, HĐH có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và thế giới. Mặc dù vậy, con đường đi tới của dân tộc, khó khăn, thách thức còn nhiều.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng xác định ưu tiên các vấn đề giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, chống tham nhũng, tăng cường các quy định pháp luật, đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng "đảng trong sạch vững mạnh".
Tiếp tục kiên định con đường XHCN do con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, một lần nữa Đại hội XII của Đảng thể hiện nhất quán nhiệm vụ, mục tiêu: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”(19). Đó là mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trước lúc đi xa: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(20).
__________________
(19) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, VOV ngày 24-3-2016, tr.9
(1), (15) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.13, 49
(2), (3), (4), (6), (7), (11), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.291, 292, 295, 295, 304, 4.
(5) Báo Nhân dân số 2226, ngày 22-4-1960
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30
(9)Báo Nhân dân số 7695, ngày 30-5-1975
(10), (16),  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.2,2
(13)Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội,  2011, tr.92
(14) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.9
(17) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.167
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.242
(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.614
                                           
PGS,TS Vũ Quang Vinh
                                                              Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét