Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Điều kiện và quan điểm giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới ở Việt Nam

(LLCT) - Đại hội XII của Đảng đã diễn đạt sâu sắc, cụ thể hơn các mối quan hệ lớn (giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị,...) và đề xuất thêm mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Để xử lý tốt các mối quan hệ lớn cần có những điều kiện: giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng , nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước; giữ vững sự ổn định về chính trị - xã hội; tính tích cực của quần chúng, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Đồng thời, cần quán triệt các quan điểm: khách quan, toàn diện, lịch sử, phát triển, thực tiễn trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn.
Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh, trong thời kỳ quá độ lên CNXH, chúng ta phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các quan hệ lớn: “quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;..”(1). Trong Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, phần Nhiệm vụ tổng quát 5 năm tới, Đảng ta cũng đặt ra nhiệm vụ: “Tiếp tục quán triệt và xử lý tốt các quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị;giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước và thị trường;giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”(2). Như vậy là, so với Đại hội XI, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII đã diễn đạt sâu sắc hơn, cụ thể hơn, đồng thời đề xuất thêm mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.
Chúng ta xác định phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN thì phải nhận thức rõ quan hệ Nhà nước và thị trường nói chung, vai trò của Nhà nước trong quan hệ với thị trường nói riêng. Tuy nhiên, không nên hiểu máy móc, đơn giản là thị trường mạnh thì Nhà nước yếu hay ngược lại. Thực chất thì một nền kinh tế thị trường mạnh (hoàn thiện) lại càng cần một nhà nước mạnh (quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ theo pháp luật). Chỉ một nhà nước mạnh mới đủ sức để kiến tạo, bệ đỡ, hậu thuẫn có hiệu quả cho kinh tế thị trường phát triển đúng định hướng, đúng mục đích. Ngược lại, một nền kinh tế thị trường mạnh lại càng đòi hỏi phải có một nhà nước mạnh.
Thực tiễn phát triển kinh tế thị trường TBCN đã cho thấy có ba mô hình của mối quan hệ nhà nước - thị trường. Một là, quan hệ nhà nước - thị trường trong mô hình kinh tế thị trường tự do. Ở mô hình này, nhà nước không can thiệp mạnh vào thị trường, để cho quy luật kinh tế thị trường chi phối. Hai là, quan hệ nhà nước - thị trường trong mô hình kinh tế thị trường xã hội. Ở mô hình này, nhà nước can thiệp vào kinh tế thị trường để điều tiết kinh tế thị trường, chú ý hơn tới vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của người lao động, giảm mặt trái của kinh tế thị trường. Ba là, mô hình quan hệ nhà nước - thị trường trong mô hình kinh tế thị trường Nhật Bản. Với mô hình này, nhà nước vừa phát huy vai trò của quy luật kinh tế thị trường, vừa phát huy những truyền thống văn hóa dân tộc Nhật để điều tiết, định hướng kinh tế thị trường theo hướng phục vụ mục tiêu đặt ra. Tức là, có sự kết hợp giữa nhà nước cứng (quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt theo pháp luật) và thị trường mềm (mềm dẻo, linh hoạt, năng động) để phát triển. Điều này cho thấy, các nước TBCN dù muốn hay không trong quá trình phát triển đều phải giải quyết quan hệ giữa nhà nước và thị trường.
Việt Nam đang chủ động phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN - một mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta, một kiểu tổ chức nền kinh tế vừa dựa trên nguyên tắc và quy luật của nền kinh tế thị trường, vừa dựa trên nguyên tắc và bản chất của CNXH thì càng không thể không giải quyết quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Hơn nữa, kinh tế thị trường ở nước ta về thực chất hiện nay còn đang ở trong trình độ sơ khai, đang trong quá trình hoàn thiện, lại càng cần phải chú ý giải quyết mối quan hệ này. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường sẽ góp phần giữ vững định hướng XHCN của sự phát triển kinh tế nhiều thành phần, đồng thời Nhà nước còn quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp nước ngoài cũng như các lĩnh vực y tế, giáo dục, tránh được “bẫy tự do hóa thương mại”. Tất nhiên, khi giải quyết quan hệ Nhà nước - thị trường cũng cần lưu ý giải quyết quan hệ Nhà nước - doanh nghiệp; doanh nghiệp - thị trường. Tuy nhiên, việc giải quyết quan hệ Nhà nước - thị trường sẽ quy định việc giải quyết quan hệ Nhà nước - doanh nghiệp và doanh nghiệp - thị trường. Do vậy, cần tập trung giải quyết tốt quan hệ Nhà nước - thị trường. Từ những luận cứ trên cho thấy, việc bổ sung thêm quan hệ giữa Nhà nước và thị trường vào các quan hệ lớn cần nhận thức và giải quyết trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là hợp lý và logíc. Để quán triệt và xử lý tốt các mối quan hệ lớn, chúng ta cần có những điều kiện cơ bản sau:
Thứ nhất, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước là điều kiện cơ bản nhất để nhận thức và giải quyết các mối quan hệ nêu trên.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ năm 1930. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích của giai cấp công và toàn thể nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng có lý luận tiên phong, được xây dựng trên cơ sở của học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đường lối chính trị, Cương lĩnh cách mạng, Điều lệ của Đảng thể hiện tính khoa học và tính cách mạng sâu sắc, phản ánh khách quan quy luật vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng nước ta trong thời kỳ giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp đổi mới ngày nay. Kiên định sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề nguyên tắc, bởi vì sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế và mọi hoạt động xã hội. Không có sự lãnh đạo của Đảng sẽ không bảo đảm được quyền làm chủ thực sự của nhân dân, không giữ vững được độc lập dân tộc và càng không thể có CNXH. Trong mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý thì sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là vấn đề có tính nguyên tắc để bảo đảm bản chất XHCN của Nhà nước, sự thống nhất giữa tính giai cấp với tính nhân dân, tính dân tộc của Nhà nước. Trên cơ sở lãnh đạo của Đảng thì các quan hệ lớn sẽ được quán triệt và xử lý hiệu quả hơn.
Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhà nước được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCNlà điều kiện để quản lý sự phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Bởi lẽ, thiếu sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN thì chúng ta không thể quán triệt, xử lý tốt các quan hệ lớn nói trên vì mục tiêu XHCN được. Ngay trong quan hệ Nhà nước - thị trường đã cho thấy, quản lý nhà nước yếu kém thì nhất định tính tự phát thị trường sẽ chi phối. Khi ấy, mặt trái của kinh tế thị trường sẽ lấn át. Như vậy, khó có thể giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường.
Bên cạnh việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước XHCN, cần phải đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, bảo đảm tính linh hoạt, gọn nhẹ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, phát huy dân chủ XHCN.
Thứ hai, giữ vững sự ổn định về chính trị - xã hội. Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như qua 30 năm đổi mới cho thấy, các thế lực thù địch, phản động luôn thay đổi chiến lược và phương thức chống phá cách mạng Việt Nam, gây mất ổn định chính trị - xã hội, cản trở quá trình xây dựng CNXH. Do vậy, để quán triệt và xử lý tốt các quan hệ lớn trong xây dựng và phát triển đất nước thì nhân tố ổn định về chính trị - xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó chính là điều kiện cơ bản để phát triển trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay. Phát triển phải dựa trên điều kiện quan trọng là ổn định, nhất là ổn định về chính trị - xã hội. Tất nhiên, ổn định chính trị - xã hội không phải là sự bảo thủ, trì trệ, không có sự đổi mới, phát triển, mà phải được hiểu là sự vận động, thay đổi của các vấn đề chính trị - xã hội nhưng trong sự hài hòa về lợi ích giữa các giai tầng, nhóm xã hội. Muốn vậy, phải giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa cá nhân - tập thể - xã hội, tạo ra sự đồng thuận chung của cả xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nếu không tạo ra sự đồng thuận xã hội vì mục tiêu chung thì không thể giải quyết thành công các quan hệ lớn trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.
Thứ ba, tính tích cực của quần chúng nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyền làm chủ của nhân dân thực sự được phát huy trong việc quản lý và phát triển xã hội.
Quần chúng nhân dân là chủ nhân chân chính của lịch sử, là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, tinh thần,  bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Quần chúng nhân dân cũng là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Lịch sử đã chứng minh rằng, không có cuộc chuyển biến cách mạng nào mà không là hoạt động của đông đảo quần chúng nhân dân. Họ là lực lượng cơ bản của cách mạng, đóng vai trò quyết định thắng lợi của mọi cuộc cách mạng xã hội. Do vậy, việc phát huy tốt vai trò của quần chúng nhân dân, thực hành dân chủ là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với việc nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Nhưng muốn nhân dân đồng thuận, nhất trí, đoàn kết, thúc đẩy tính tích cực chính trị thì trước hết phải quan tâm đến lợi ích của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Phải lấy lợi ích của nhân dân làm nền tảng để xây dựng chủ trương, chính sách, xây dựng và phát triển đất nước.
Cùng với những điều kiện nêu trên, cần quán triệt tốt một số quan điểm cơ bản sau:
Một là, quán triệt quan điểm khách quan trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn, tránh nóng vội, chủ quan duy ý chí. Quan điểm khách quan yêu cầu phải nhìn thẳng vào các quan hệ lớn, các mặt đối lập trong từng quan hệ, không được lấy ý muốn chủ quan thay cho các quan hệ hiện thực này. Khách quan ở đây đòi hỏi phải phản ánh các quan hệ vốn như nó có, không tô hồng hoặc bôi đen. Bởi lẽ, tô hồng sẽ dẫn tới lạc quan tếu,  bôi đen sẽ dẫn tới bi quan, chán nản. Cả hai cách tiếp cận này đều dẫn tới việc nhận thức không đúng các mối quan hệ, từ đó sẽ giải quyết không trúng và không đúng trên thực tế. Các mối quan hệ lớn này chỉ được giải quyết khi đã được nhận thức rõ ràng và có điều kiện hiện thực để giải quyết. Do vậy, quan điểm khách quan yêu cầu phải nhận thức đúng từng mối quan hệ với các mặt cấu thành chúng cùng các điều kiện để giải quyết chúng. Các điều kiện cho phép giải quyết đã chín muồi thì phải giải quyết, nếu không các quan hệ sẽ chuyển thành các mâu thuẫn lớn. Ngược lại, nếu điều kiện để giải quyết chưa chín muồi mà chúng ta lại duy ý chí muốn giải quyết thì sẽ khó thành công.
Hai là, quán triệtquan điểm toàn diện trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn, tránh rơi vào phiến diện, một chiều. Không quán triệt tốt quan điểm toàn diện thì không chỉ cản trở việc giải quyết có hiệu quả các mối quan hệ mà còn dẫn đến nguy cơ phiến diện trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách. Quan điểm toàn diện yêu cầu nhận thứcđầy đủ vai trò, ý nghĩa, vị trí, tầm quan trọng của việc nhận thức, quán triệt và giải quyết các quan hệ lớn này cũng như mối liên hệ hữu cơ của việc giải quyết chúng với thực hiện các đặc trưng, các phương hướng xây dựng CNXH ở nước ta. Để đạt được các đặc trưng của CNXH, chúng ta phải thực hiện những phương hướng lớn trong xây dựng CNXH. Trong quá trình thực hiện những phương hướng này cần chú ý giải quyết các quan hệ lớn nảy sinh. Đó là mối quan hệ hữu cơ trong nhận thức và xử lý các quan hệ lớn với đặc trưng của CNXH và các phương hướng xây dựng CNXH ở nước ta. Quan điểm toàn diện cho thấy, trong mỗi quan hệ lớn đó luôn có hai thành tố như là hai mặt của một vấn đề cấu thành quan hệ có liên hệ, tác động, ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau. Từng quan hệ này chỉ được giải quyết tốt khi cả hai thành tố, hai mặt cấu thành nó được giải quyết nhịp nhàng, đồng bộ. Do vậy, trong từng quan hệ cũng không được tuyệt đối hóa mặt nào, yếu tố nào mà phải coi trọng cả hai mặt cấu thành. Đồng thời, việc giải quyết từng quan hệ cũng ảnh hưởng, tác động, chi phối, thúc đẩy việc giải quyết các quan hệ khác còn lại và ngược lại.Quan điểm toàn diện đòi hỏi phải quán triệt và xử lý đồng thời các quan hệ chứ không phải giải quyết tuần tự từng quan hệ. Quan điểm toàn diện cũng đòi hỏi chúng ta phải chủ động nhận thức, quán triệt, xử lý các quan hệ này mà không được thụ động, trông chờ. Đồng thời, phải nhận thức được xu hướng chung của sự biến đổi các mối quan hệ. Chẳng hạn, xu hướng quan hệ theo từng nhóm; xu hướng đan xen nhau giữa các mối quan hệ; xu hướng quan hệ tổng thể của các mối quan hệ,v.v..
Ba là, quán triệt quan điểm lịch sử - cụ thể để nhận thức và giải quyết các quan hệ nổi lên trong những điều kiện lịch sử - cụ thể nhất định. Quan điểm lịch sử - cụ thể đòi hỏi nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn phải trong không gian, thời gian xác định, trong hoàn cảnh khách quan, điều kiện chủ quan cụ thể cũng như mối quan hệ tương tác giữa hoàn cảnh khách quan, điều kiện chủ quan của chúng. Cần ngăn ngừa bệnh giáo điều, sách vở, chung chung, trừu tượng, phi lịch sử, thiếu cụ thể trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn. Cần phân tích từng mối quan hệ cũng như từng mặt, từng thành tố cấu thành mối quan hệ, đặt chúng trong thời gian, không gian, tính tới các khả năng vận động của chúng. Trên cơ sở đó nhận thức và có kế hoạch giải quyết chúng hợp lý. Chẳng hạn khi nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường thì phải xuất phát từ từng lĩnh vực cụ thể, từng ngành kinh tế cụ thể, từng địa bàn cụ thể. Những lĩnh vực kinh tế then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư thì nhất định phải “ưu tiên” Nhà nước trong mối quan hệ Nhà nước và thị trường. Những ngành kinh tế mà không nhất thiết Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo thì có thể để thị trường quyết định,v.v.. Nghĩa là, việc chú trọng quan hệ nào hay thành tố nào, mặt nào trong mỗi quan hệ phải xuất phát từ những điều kiện lịch sử - cụ thể, không thể chung chung, trừu tượng được. Chúng ta đều rõ, các quy luật xã hội cũng như các quan hệ xã hội đều mang tính xu hướng, nghĩa là con người không thể tùy tiện giải quyết, vận dụng theo ý muốn chủ quan của mình. Tuy nhiên, căn cứ vào các điều kiện lịch sử - cụ thể, thông qua hoạt động thực tiễn của mình, con người có thể nhận thức, giải quyết, vận dụng theo hướng có lợi nhất cho mình.
Bốn là, quán triệt quan điểm phát triển vào nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn. Quan điểm phát triển yêu cầu khi nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn cần nhận thức được nguồn gốc cũng như khuynh hướng vận động, biến đổi, phát triển của các quan hệ này. Phải thấy được mỗi quan hệ này tự thân nó đã như một mâu thuẫn của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Tuy nhiên, với tư cách là một sự vật thì trong bản thân mỗi quan hệ này cũng có nguồn gốc của sự vận động, biến đổi, phát triển của chính nó. Do vậy, việc giải quyết từng quan hệ này sẽ góp phần thúc đẩy đất nước phát triển đi lên. Ngoài ra, quan điểm phát triển cũng yêu cầu phải nhận thức được khuynh hướng vận động, biến đổi, phát triển của từng quan hệ này trong những điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Trên cơ sở đó giúp cho các chủ thể chủ động dự báo được các tình huống có thể xảy ra trong việc nhận thức, giải quyết từng quan hệ, tránh được các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Năm là, quán triệt quan điểm thực tiễn trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn. Quan điểm thực tiễn yêu cầu nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn này luôn phải xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, thực tiễn khu vực và quốc tế, lấy thực tiễn và hiệu quả hoạt động thực tiễn làm tiêu chuẩn đánh giá đúng sai trong nhận thức cũng như hiệu quả giải quyết các quan hệ lớn.Nhận thức các quan hệ lớn mà thoát ly điều kiện thực tiễn đất nước và thực tiễn khu vực, thế giới thì nhất định sẽ dẫn đến sai lầm. Tuy nhiên, quán triệt quan điểm thực tiễn không có nghĩa là tuyệt đối hóa thực tiễn địa phương, ngành mình, vì như vậy sẽ rơi vào hẹp hòi, cục bộ địa phương, cục bộ ngành và phủ định tính phổ biến của các quan hệ lớn.
Việc quán triệt các quan điểm trên vào nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta phải uyển chuyển, linh hoạt. Các quan điểm này có quan hệ biện chứng không tách rời nhau, nhưng không thay thế cho nhau. Khi quán triệt các quan điểm này cần chú ý tính chỉnh thể của cả hệ thống, không tuyệt đối hóa hoặc xem nhẹ bất kỳ quan điểm nào. Đồng thời, cần tăng cường tổng kết thực tiễn việc nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn này, để có căn cứ bổ sung, điều chỉnh phương pháp nhận thức và giải quyết chúng.
_____________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3 - 2016
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.72-73.
(2) ĐCSVN: Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng(Tài liệu sử dụng tại Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở), Lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2-2015, tr.11.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét