Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Góp phần nhận thức rõ thêm thực chất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa

(LLCT) - Quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN, đã bắt đầu trở thành khả năng mang tính hiện thực cao đối với các nước tiền TBCN, hay TBCN kém phát triển bắt đầu từ khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Về mặt lôgíc phát triển, CNTB đã đạt đến trình độ điển hình của chính mình, cơ sở vật chất - kỹ thuật này đủ để cho phép chuyển hóa sang CNXH.
1. Từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản: tất yếu kinh tế
C.Mác - Ph.Ăngghen đã nghiên cứu sâu sắc CNTB cả trong lịch sử phát triển và đương thời từ khoảng giữa thế kỷ XIX. Các ông chỉ rõ, phương thức sản xuất (PTSX) và quan hệ sở hữu tư nhân TBCN khác hẳn PTSX phong kiến và quan hệ sở hữu tư nhân phong kiến. Sản xuất phong kiến là tự cấp tự túc, tự sản tự tiêu, kìm hãm, loại bỏ thương nghiệp. Quyền tư hữu phong kiến mang tính chính trị hóa trực tiếp phi kinh tế, tính đẳng cấp, đặc quyền đặc lợi theo tầng bậc.Trong khi đó, sản xuất, trao đổi và sở hữu tư nhân TBCN tất yếu dẫn đến cạnh tranh tự do. Điều này lại thúc đẩy phát triển quy mô và trình độ lực lượng sản xuất (LLSX), mở rộng thị trường từ phạm vi vùng miền lên tới phạm vi quốc gia và ra khắp thế giới. Nhưng sự phát triển tự do, tự phát ấy đạt tới một mức độ nhất định thì xảy ra khủng hoảng kinh tế. Hậu quả là, một khối lượng lớn LLSX, sức lao động và sản phẩm vật chất bị hủy hoại, lãng phí một cách vô ích.
 Con đường tăng trưởng - khủng hoảng, sáng tạo - hủy diệt của  PTSX TBCN rõ ràng không thể được coi là hợp lý, tối ưu. Trái lại, nó chứa đựng trong chiều sâu cơ cấu và cơ chế vận hành những khiếm khuyết không thể nào khắc phục được.
Đến khoảng giữa thế kỷ XIX, tại các nước TBCN phát triển phương Tây, cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra được gần 100 năm. Sở hữu tư nhân mâu thuẫn với công cụ sản xuất đại công nghiệp, cản trở sự phát triển của LLSX đại công nghiệp. Nền đại công nghiệp đã vượt quá cạnh tranh tự do và LLSX vượt quá chế độ tư hữu. Cạnh tranh tự do lan rộng và trở thành xiềng xích trói buộc đại công nghiệp. Khủng hoảng kinh tế xảy ra thường xuyên theo chu kỳ 5 - 7 năm...
Mặt khác, lúc này LLSX vẫn chưa phát triển đến mức làm cho chế độ tư hữu trở thành xiềng xích ngăn cản sự lớn mạnh của nó. Cho đến khi kinh tế phát triển hoàn toàn chín muồi thì cũng còn rất lâu mới có thể xóa bỏ PTSX TBCN. Để kiềm chế cạnh tranh tự do, các nước tư bản đã áp dụng từ rất sớm việc bảo hộ thuế quan. Từ đây đã bộc lộ rõ một xu hướng khách quan, CNTB nhất định sẽ tự phá vỡ hệ thống kinh tế - xã hội - chính trị của mình bằng chính những quy luật vận động, phát triển nội tại tự thân. Thay vào đó, CNCS với chế độ công hữu tư liệu sản xuất, và việc mọi thành viên của toàn xã hội tham gia quản lý sản xuất theo một kế hoạch chung, tất yếu sẽ ra đời.
Như vậy, ngay trong CNTB đương thời đã xuất hiện một khả năng khách quan mang tính hiện thực cho sự phát triển của xã hội. Đó là, tại các nước phương Tây, CNTB hình thành với chất lượng cơ bản khi còn ở trong lòng xã hội phong kiến. Nó được sinh thành với hệ thống - kết cấu bước đầu hoàn chỉnh sau những cuộc cách mạng tư sản vào thế kỷ XVII - XVIII. Nó kết thúc giai đoạn phát triển số lượng để trưởng thành, với chất lượng đặc thù và hệ thống - kết cấu bước đầu hoàn thiện vào nửa đầu thế kỷ XIX. Sự phát triển tiếp tục của nó đến chất lượng điển hình, với hệ thống - kết cấu hoàn thiện đầy đủ, rồi chín muồi hoàn toàn để có thể chuyển hóa.
Như vậy, sau khoảng 100 - 150 năm tiến hành cách mạng chính trị - xã hội và cách mạng công nghiệp, lúc này CNTB đã có thể bắt đầu đi lên CNCS. Tức là, dù chưa vươn tới đỉnh điểm lịch sử của mình, nhưng theo lôgíc phát triển, thì CNTB đã thực sự bước vào tiến trình quá độ, khởi đầu với giai đoạn cuối của chính nó và kết thúc với giai đoạn đầu của CNCS. Song một “thời kỳ quá độ chính trị” (thường được gọi tắt là thời kỳ quá độ (TKQĐ) từ CNTB lên CNCS, mở đầu bằng thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản thì chưa đến. TKQĐ nằm ở giữa CNTB và CNCS, nó bắt đầu khi giai đoạn cuối của CNTB chấm dứt.
2. Từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản: quá độ và thời kỳ quá độ
Quá độ từ CNTB lên CNCS, bắt đầu vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Trong đó, tiền đề LLSX cho CNCS hình thành, tăng trưởng trong lòng CNTB. Khi chúng được tích lũy đủ lượng tối đa, tức là CNTB phát triển đến tột đỉnh, thì cuộc cách mạng vô sản nổ ra. Nhưng ở trường hợp này, nội dung quá độ chính trị là cả một quá trình cách mạng chính trị - xã hội liên tục và rất khó khăn, lâu dài. Đó là một TKQĐ “thích ứng với một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia”.
Hai thời kỳ khác nhau ấy đều nằm trong quá độ chung, trùng nhau về độ dài thời gian. Nhưng chúng có nội dung rộng hẹp khác nhau, trong đó quá độ chính trị kết hợp, thống nhất với các nội dung quá độ còn lại. Lúc này quá độ chính trị trở thành một nội dung quan trọng của “thời kỳ cải biến cách mạng”. Nó xuyên suốt, kết nối và gắn liền với tất cả các nội dung quá độ khác về kinh tế, văn hóa, xã hội, tư tưởng của thời kỳ đó.
Tuy nhiên, trong thực tế lâu nay, chính thuật ngữ TKQĐ đã được dùng để định danh chung cho toàn bộ “thời kỳ cải biến cách mạng”. Do đó, cần phân biệt TKQĐ được dùng thông dụng hiện nay không phải là quá độ (dài và rộng nhất), hay chỉ là quá độ chính trị (hẹp). TKQĐ được hiểu là có nội hàm đồng nhất với “thời kỳ cải biến cách mạng”, tức là bao hàm tất cả các nội dung quá độ về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng. Tuy nhiên, bản thân tên gọi TKQĐ đã hàm ý rằng, trong tất cả các nội dung ấy, quá độ chính trị chính là nội dung quan trọng nổi bật. 
Chỉ trong TKQĐ, dưới sự bảo đảm của chuyên chính vô sản, tiền đề LLSX từ CNTB mới có thể tiếp tục phát triển cao hơn. Trên cơ sở đó, quan hệ sản xuất (QHSX) và các nhân tố khác của CNCS hình thành, trực tiếp thay thế QHSX và các nhân tố khác của CNTB. Giữa hai loại QHSX và nhân tố đó không có hình thức nào khác trung gian. QHSX TBCN bị xóa bỏ từng bước, giảm dần về lượng, QHSX CSCN được xác lập và tăng dần về lượng. Sự chuyển biến này diễn ra đến mức độ nhất định thì QHSX cũ tiêu vong, chỉ còn là dấu vết, tàn tích. QHSX mới ngày càng chiếm ưu thế và trở thành chủ đạo, phổ biến. Đó cũng là lúc TKQĐ kết thúc, PTSX và xã hội CSCN hoàn chỉnh, toàn vẹn ra đời, bước vào giai đoạn đầu chủ nghĩa xã hội (CNXH) của mình.
Trong TKQĐ, LLSX phát triển mạnh mẽ, nhưng không phải là ngay lập tức đã tạo ra QHSX CSCN. Phát triển LLSX từ mức độ bắt đầu vượt quá QHSX TBCN đến mức độ tạo cơ sở sơ khai cho QHSX CSCN, là một quá trình tích lũy lượng hiện thực cụ thể. Nó rất khó khăn, phức tạp chứ không phải chỉ là một bước nhảy vọt chóng vánh, dễ dàng. Cho nên, QHSX TBCN sẽ tồn tại một cách khách quan, lâu dài. Còn QHSX CSCN cũng phải trải qua thời gian tương ứng mới chiếm được địa vị thống trị.
Khi TKQĐ kết thúc, thì QHSX TBCN bị xóa bỏ hoàn toàn, QHSX CSCN được xác lập trong toàn bộ nền sản xuất. Chỉnh thể xã hội CSCN ra đời, tồn tại độc lập trên cơ sở của mình. CNCS từ chất lượng đặc thù (khác CNTB) trong TKQĐ, trở thành chất lượng cơ bản lúc mới sinh thành, bắt đầu phát triển dần về lượng để đạt tới chất lượng trưởng thành. Sang giai đoạn sau cao hơn, CNCS “đã phát triển trên những cơ sở của chính nó” và chuyển lên các trình độ chất lượng hoàn thiện, chín muồi, rồi chuyển hóa.
Quá độ từ CNTB lên CNCS bao gồm: (1) Giai đoạn cuối của CNTB, với LLSX phát triển cao nhất trở thành tiền đề cho CNCS; (2) Giai đoạn đầu của CNCS, dựa trên những cơ sở vừa mới được xác lập, CNCS bắt đầu phát triển từ sinh thành hoàn chỉnh đến trưởng thành hoàn thiện, với các dấu vết còn lại về kinh tế, đạo đức, tinh thần... của CNTB; (3) TKQĐ ở giữa hai giai đoạn trên, không thuộc về cả CNTB lẫn CNCS, không phải là toàn bộ quá độ, cũng không trùng với một giai đoạn nào trong hai giai đoạn đó.
Đối với CNTB, thì PTSX (cả LLSX lẫn QHSX) của nó đã hình thành về cơ bản trong xã hội phong kiến. Trên cơ sở kinh tế này và nhờ cách mạng tư sản, nền chính trị TBCN được xác lập. Nhưng trong TKQĐ, không phải là chính trị CSCN được hình thành chỉ như kết quả của kinh tế CSCN đã ra đời đầy đủ trọn vẹn từ CNTB. Trái lại, ngoài tiền đề LLSX chưa thật sự đầy đủ, cả hai nhân tố đó đều đến đây mới hình thành trọn vẹn. Chúng tác động qua lại, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển đến mức đầy đủ hoàn toàn, và cùng với những nhân tố khác tạo thành hệ thống xã hội XHCN hoàn chỉnh ở cuối TKQĐ.
3. Thời kỳ quá độ nửa trực tiếp lên chủ nghĩa cộng sản bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa
Quá độ bỏ qua giai đoạn phát triển một xã hội trong lịch sử
Trong thời cổ đại ở châu Âu, người Giécmanh từ xã hội công xã nguyên thủy dựa vào LLSX của người La Mã ở xã hội nô lệ để cùng tiến lên xã hội phong kiến. Hai khối dân cư này tiếp xúc với nhau vào khoảng thế kỷ II. Nhưng quá độ lên phong kiến như một tiến trình chung của cộng đồng thống nhất ở họ, chỉ bắt đầu từ thế kỷ V, khi đế chế Tây La Mã bị người Giécmanh đánh đổ. Và nó kết thúc vào thế kỷ IX, khi vương quốc phong kiến ra đời. Đối với người La Mã, đây là quá độ trực tiếp lên phong kiến từ nô lệ. Còn đối với người Giécmanh, đó là quá độ nửa trực tiếp lên phong kiến bỏ qua giai đoạn phát triển nô lệ.
Bỏ qua giai đoạn phát triển một xã hội nhất định, về thực chất chính là bỏ qua quá trình xây dựng LLSX của xã hội đó. Bởi vì người Giécmanh được sử dụng ngay tiền đề LLSX nô lệ của người La Mã, chứ không phải phát triển nó từ đầu. Chính nhờ vậy mà họ đã thực hiện được sự phát triển rút ngắn đáng kể đối với xã hội nô lệ. Người Giécmanh không lặp lại cả hành trình lịch sử dài lâu của xã hội này, mà cùng với người La Mã chỉ tham gia vào chặng cuối của nó, tức quá độ lên phong kiến.
Tiền đề quá độ đối với người La Mã là LLSX nô lệ của chính họ. Còn đối với người Giécmanh, ngoài hình thức tổ chức quân sự thị tộc bộ lạc cổ truyền được lưu giữ và cải biến, thì tiền đề đó cũng là LLSX ấy nhưng với tư cách cái chiếm đoạt được. Cho nên, quá độ lên phong kiến của người La Mã là hoàn toàn trực tiếp, còn ở người Giécmanh là “nửa trực tiếp”. Quá độ này kéo dài khoảng 400 năm, là tương đối ngắn với người La Mã và là rất ngắn với người Giécmanh.
Như vậy, quá độ bỏ qua giai đoạn phát triển một xã hội nhất định nào đó không phải là hiện tượng cá biệt, ngẫu nhiên. Trái lại, một tiền lệ lịch sử sinh động về kiểu quá độ này đã được tạo ra, với những điều kiện, cơ chế, phương thức có thể xác định được một cách cụ thể.
TKQĐ nửa trực tiếp lên CNCS bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN ở nước Nga
Đến giữa thế kỷ XIX, nước Nga Sa hoàng là một cường quốc chính trị, quân sự hàng đầu ở châu Âu và trên thế giới. Tuy nhiên, ở nhiều vùng rộng lớn của nước này còn tồn tại hình thức sở hữu công xã nông thôn cổ truyền, QHSX phong kiến nửa tư bản, LLSX phát triển chưa cao và không đồng đều.
Giữa Nga với các nước Tây Âu có mối quan hệ liên tục và nhiều mặt từ xa xưa trong lịch sử. Tới thời điểm này, nước Nga tập trung trong mình những mâu thuẫn bên trong và bên ngoài đã trở nên gay gắt, như: đế quốc Nga với các đế quốc phương Tây, chính quốc Đại Nga với các thuộc quốc, vô sản với tư sản, nông nô với chúa đất, tư sản với phong kiến. Nước Nga không thể phát triển được, nếu không giải quyết những mâu thuẫn ấy.
Trong điều kiện như vậy, một cuộc cách mạng vô sản mở ra con đường XHCN vừa là giải pháp phát triển cơ bản triệt để duy nhất, vừa là khả năng mang tính hiện thực cao. Nếu cuộc cách mạng này ở Nga phối hợp được với cách mạng vô sản ở các nước Tây Âu đồng thời nổ ra thắng lợi, thì cùng với các nước ấy, Nga có thể bước vào TKQĐ lên CNCS bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN. Khi đó, công nhân Nga sẽ dựa trên tiền đề LLSX TBCN tiên tiến được công nhân Tây Âu giúp đỡ, để cải biến QHSX công xã nông thôn thành QHSX CSCN văn minh.
Nhưng điều này có ý nghĩa rộng lớn và sâu sắc hơn. Từ trình độ phát triển đã đạt được ở phương Tây vào khoảng giữa thế kỷ XIX trở đi, trong CNTB thế giới đã đồng thời xuất hiện hai khả năng quá độ lên CNCS. Tuy rất khác nhau, nhưng chúng có quan hệ với nhau chặt chẽ sâu sắc và đều mang tính hiện thực trực tiếp như nhau. Đó là: (1) Các nước TBCN tiên tiến nhất có thể quá độ theo phương thức trực tiếp lên CNCS; (2) Một xã hội tiền TBCN với những điều kiện lịch sử - cụ thể thuận lợi nhất định, có thể quá độ theo phương thức nửa trực tiếp lên CNCS bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN.
4. Thời kỳ quá độ gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa
NEP và việc sử dụng kinh tế TBCN
Lênin cho rằng,khi chưa có được tiền đề LLSX TBCN phát triển cao và cũng không nhận được sự giúp đỡ về điều này từ công nhân các nước tiên tiến, thì nước Nga cần phải tự mình tạo ra chính tiền đề đó. Trước hết là tiến hành cách mạng vô sản thắng lợi, đánh đổ sự thống trị của các giai cấp phong kiến, tư sản, bước vào TKQĐ. Tiếp theo, chính quyền Xôviết sử dụng và phát triển kinh tếTBCN cả trong nước và nước ngoài để phục vụ xây dựng LLSX cho CNXH. Cuối cùng, từ LLSX lớn mạnh vượt qua LLSX TBCN đã phát triển tột đỉnh, trực tiếp xác lập QHSX XHCN.
Tức là, do thiếu tiền đề LLSX tiên tiến, nên nước Nga không thể quá độ theo các phương thức: (1) Trực tiếp lên CNXH như các nước TBCN tiên tiến có thể làm, hoặc giống như người La Mã từ xã hội nô lệ lên phong kiến; (2) Nửa trực tiếp lên CNXH giống như người Giécmanh từ xã hội công xã nguyên thủy lên phong kiến; (3) Nửa trực tiếp lên CNCS như khả năng mà C.Mác - Ph.Ăngghen từng nêu ra. Nước Nga không thể bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN, với nội dung quan trọng nhất là sự phát triển LLSX tiên tiến. Trái lại, nó chỉ có thể bỏ qua chế độ chính trị TBCN mà thôi.
Biện pháp quyết định ở đây là, chủ động thực hiện kinh tế TBCN vì CNXH, dưới sự kiểm soát của Nhà nước XHCN, quá độgián tiếp thông qua chỉ riêng nhân tố cơ bản đó của CNTB mà đi lên CNXH. So với quá độ trực tiếp (từ LLSX TBCN nội sinh), hay nửa trực tiếp (từ LLSX TBCN ngoại nhập), rõ ràng quá độ này khó khăn lâu dài hơn.
Chính sách cộng sản thời chiến và việc không sử dụng kinh tế TBCN
Trong trường hợp có nhiều khó khăn đặc biệt, như xảy ra tình trạng quân sự khẩn cấp, “thù trong giặc ngoài” gây nội chiến và can thiệp vũ trang, thì về khách quan không thể sử dụng kinh tế TBCN. Bởi vì nó tiềm tàng nhân tố đối kháng, sẵn sàng bùng nổ khi Nhà nước XHCN gặp khó khăn về đối nội hay đối ngoại.
Khi không sử dụng kinh tế TBCN, tức là không thực hiện quá độ gián tiếp. Trong khi đó, do thiếu tiền đề LLSX tiên tiến, nên quá độ trực tiếp, hay nửa trực tiếp đều không thực hiện được. Mặt khác, không thể đi theo con đường TBCN dẫn đến lạc hậu và phụ thuộc. Cho nên, chỉ có thể thực hiện theo phương thức “phi quá độ” lên CNXH.
Song phương thức ấy không phù hợp với sự phát triển nói chung, quy luật về các hình thái kinh tế - xã hội nói riêng. Theo đó, sự phát triển giữa chúng được xác định là theo phương thức quá độ. Như vậy, tiến trực tiếp lên CNXH bằng chính sách cộng sản thời chiến, là phương thức phát triển hết sức đặc thù. Tuy vẫn có cơ sở thực tế khách quan và có quan hệ biện chứng với NEP, nhưng dù sao cũng không thể áp dụng tràn lan, kéo dài bất chấp mọi hoàn cảnh lịch sử.
Sự khác biệt và thống nhất giữa NEP và Chính sách cộng sản thời chiến
Lý luận “Thời kỳ quá độ gián tiếp lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN” của Lênin là sự vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận của Mác - Ăngghen về “quá độ nửa gián tiếp lên CNCS bỏ quagiai đoạn phát triểnTBCN” trong điều kiện CNTB chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và trong hoàn cảnh cụ thể, đặc thù của nước Nga đương thời. Mác - Ăngghen cho rằng: Mô hình phát triển chung nhất của toàn bộ lịch sử theo tiến trình tuần tự các hình thái kinh tế - xã hội; TKQĐ từ CNTBlên CNCS là quá độ hoàn toàn trực tiếp, vì xuất phát từ CNTB đã phát triển đến đỉnh điểm, chứ không phải chỉ từ xã hội tiền TBCN, hay dựa vào tiền đề LLSX TBCN từ bên ngoài đưa vào. Do đó, không cần tạo dựng bất kỳ nhân tố nào của xã hội này, mà có thể bỏ qua chúng hoàn toàn.
Trong TKQĐ gián tiếp lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN, cả NEP và Chính sách cộng sản thời chiến đều là những chính sách cần thiết, phù hợp với điều kiện nước Nga trong điều kiện lịch sử khi đó. Trong mỗi chính sách đều có nhân tố hợp lý, tích cực, hoặc ngược lại, tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Tinh thần cơ bản của NEP đã có từ trước đó trong kế hoạch xây dựng CNXH, được vạch ra ngay sau Cách mạng Tháng Mười. Kế hoạch đầu tiên ấy phải tạm dừng, không phải vì nó sai lầm mà do nước Nga Xôviết lâm vào cuộc nội chiến và chiến tranh can thiệp xâm lược của CNTB phương Tây. Sau khi giành được thắng lợi, nước Nga trở lại thực hiện NEP. Nhưng chỉ sau một năm, NEP lại được chính Lênin điều chỉnh với ý nghĩa là CNXH “tạm ngừng rút lui”, để tự củng cố và ngăn chặn sự trỗi dậy thái quá của những xu hướng, nhân tố TBCN.
Trong TKQĐ này, NEP và Chính sách cộng sản thời chiến phải được thực hiện một cách linh hoạt theo nhiều mức độ, hình thức khác nhau, chứ không phải chỉ vận dụng một cách máy móc như hình thức ban đầu của chúng trong những năm 1918  1921 và 1921 - 1924. Hơn nữa, phải thực hiện kết hợp, bổ sung lẫn nhau giữa những chính sách này. Bởi vì, đằng sau những nội dung, biện pháp, phương thức trực tiếp cụ thể, xét theo mục đích cuối cùng của chúng, thì NEP và Chính sách cộng sản thời chiến không loại trừ mà hoàn toàn thống nhất với nhau.
Quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN, đã bắt đầu trở thành khả năng mang tính hiện thực cao đối với các nước tiền TBCN, hay TBCN kém phát triển bắt đầu từ khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Về mặt lôgíc phát triển, CNTB đã đạt đến trình độ điển hình của chính mình, cơ sở vật chất - kỹ thuật này đủ để cho phép chuyển hóa sang CNXH.
Cơ hội phát triển rút ngắn đó cũng đồng thời được mở rộng cho các nước còn lại như một xu hướng phát triển tối ưu, nhất là trong bối cảnh CNTB quốc tế hóa ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, đối với các nước lạc hậu, quá độ lên CNXH chỉ là khả năng tích cực tốt đẹp nhất chứ không phải là trực tiếp duy nhất. Bởi vì trong mối quan hệ với các nước TBCN tiên tiến ở thời kỳ thực dân trước đây và kể cả ở thời hậu thực dân, thì ngoài một số ít “con rồng”, đa số những nước thuộc địa, phụ thuộc đều bị nô dịch, bóc lột hết sức nặng nề. Thực tế là họ đã và đang nghèo nàn, lạc hậu và phụ thuộc hơn.
Ngay cả trong TKQĐ trực tiếp lên CNXH từ CNTB đã phát triển đến đỉnh điểm, kinh tế TBCN cũng chỉ có thể bị xóa bỏ dần bằng tính ưu việt của kinh tế XHCN, chứ không phải duy nhất hay chủ yếu bằng biện pháp chính trị. Trong TKQĐ gián tiếp lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN, thì với NEP, kinh tế TBCN còn được sử dụng, phát triển thực sự và lâu dài dưới sự kiểm soát, bảo đảm của chế độ XHCN. Chính sách cộng sản thời chiến kịp thời cứu vãn, giữ vững chính quyền Xôviết. Như vậy, chính sách ấy cũng chính là để xác lập lại những điều kiện cần thiết nhằm tiếp tục thực hiện, duy trì chứ không phải từ bỏ, phủ nhận bản thân NEP.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét