(LLCT) - Tôn giáo có vị thế như thế nào mà suốt gần như toàn bộ lịch sử tồn tại và phát triển của xã hội loài người đến tận ngày nay vẫn tồn tại? Và trong thế kỷ XXI, rồi những thế kỷ tiếp theo nữa, liệu tôn giáo có tồn tại và phát triển với diện mạo mới hay không?
Trả lời những câu hỏi trên, rất nhiều học giả đã đưa ra những lý giải khác nhau về tôn giáo, bản chất, chức năng và vị thế của nó trong đời sống xã hội. Trong các lý giải đó, cùng quan điểm cũng có, trái ngược nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau cũng có. Song, nhìn chung, đa số các nhà tư tưởng đều cho rằng, tôn giáo là sự phản ánh hư ảo trong đầu óc con người những lực lượng bên ngoài vẫn thường thống trị họ trong cuộc sống hàng ngày, sự phản ánh mà trong đó, các lực lượng trần thế mang hình thức các lực lượng siêu phàm.
Trong nhiều lý giải khác nhau về tôn giáo, có nhà tư tưởng đã nhìn nhận bản chất của tôn giáo từ phương diện nhận thức luận để coi tôn giáo là sản phẩm của sự thiếu hiểu biết của con người; hoặc tôn giáo là sự phản ánh hư ảo, méo mó thế giới khách quan vào trong đầu óc con người,… Theo cách lý giải này thì, cùng với sự phát triển của khoa học, tôn giáo sẽ dần thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của mình trong đời sống xã hội nhân loại và cuối cùng, nhất định sẽ đi đến tiêu vong.
Các cách hiểu như trên về tôn giáo, có thể nói không sai. Song, trên thực tế, trước những ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội nhân loại kể từ khi nó xuất hiện cho đến nay, thì không thể nhìn nhận một cách đơn giản như vậy. Không thể phủ nhận rằng, trong những thời kỳ lịch sử và điều kiện xã hội nhất định, tôn giáo là hiện tượng xã hội tiêu cực, nhưng trong phạm vi rộng lớn hơn và trong bối cảnh lịch sử lâu dài hơn, nó vẫn là một hiện tượng xã hội có vai trò tích cực nhất định trong việc điều chỉnh hành vi của con người, duy trì đạo đức xã hội, thậm chí góp phần giữ gìn sự cố kết cộng đồng và sự thống nhất dân tộc.
Với lịch sử lâu dài và ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội của tôn giáo, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác rất quan tâm đến hiện tượng xã hội đặc biệt này. Mặc dù, C.Mác và Ph.Ăngghen không có tác phẩm chuyên về tôn giáo nói chung, các hình thức tôn giáo nói riêng, song, trong những tác phẩm ấy, chúng ta vẫn tìm thấy những đoạn ngắn gọn, nhưng rất sâu sắc về tôn giáo.
Trong Lời nói đầu cuốn Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen (1843 - 1844), khi nói về tôn giáo, C.Mác đã khẳng định “con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người ”, bởi “con người không phải là một sinh vật trừu tượng, ẩn náu đâu đó ngoài thế giới”, mà “con người chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội”(1). Từ đó, các ông đã định nghĩa: “Tôn giáo là sự tự ý thức và sự tự cảm giác của con người chưa tìm được bản thân mình hoặc đã lại để mất bản thân mình một lần nữa”; rằng, tôn giáo là “thế giới quan lộn ngược, vì bản thân chúng là thế giới lộn ngược. Tôn giáo là lý luận chung của thế giới ấy, là cương yếu bách khoa của nó, là lôgíc dưới hình thức phổ cập của nó, là vấn đề danh dự duy linh luận của nó, là nhiệt tình của nó, là sự chuẩn y về mặt đạo đức của nó, là sự bổ sung trang nghiêm của nó, là căn cứ phổ biến mà nó dựa vào để an ủi và biện hộ”(2). Tôn giáo là cái đã “biến bản chất con người thành tính hiện thực ảo tưởng ”, bởi trong quan niệm của nó, “bản chất con người không có tính hiện thực thật sự”(3). Và, “Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy” nên tôn giáo cũng chính là “tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”(4).
Trong tác phẩm Chống Đuyrinh (1876 - 1878), Ph.Ăngghen định nghĩa: “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”(5). Theo Ph.Ăngghen, “Trong những thời kỳ đầu của lịch sử, chính những lực lượng thiên nhiên là những cái trước tiên được phản ánh như thế, và trong quá trình phát triển hơn nữa thì ở những dân tộc khác nhau, những lực lượng thiên nhiên ấy đã được nhân cách hóa một cách hết sức nhiều vẻ và hết sức hỗn tạp”, song “chẳng bao lâu, bên cạnh những lực lượng thiên nhiên, lại còn có cả những lực lượng xã hội tác động - những lực lượng này đối lập với con người, một cách cũng xa lạ” và thoạt đầu, chúng cũng là những cái “không thể hiểu được” đối với con người, nhưng lại “thống trị họ với cái vẻ tất yếu bề ngoài giống như bản thân những lực lượng tự nhiên”. Vì vậy, “những nhân vật ảo tưởng, lúc đầu chỉ phản ánh những sức mạnh huyền bí của các lực lượng tự nhiên, thì nay lại vì thế, có cả những thuộc tính xã hội và trở thành những đại biểu cho các lực lượng lịch sử”(6).
Quan niệm trên của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác không chỉ xác định rõ tôn giáo là gì, mà còn vạch rõ nguồn gốc, bản chất, chức năng và ảnh hưởng của nó trong đời sống xã hội nhân loại. Theo các ông, tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, một dạng ý thức hệ mang tính đặc thù, một tiểu hệ thống kiến trúc thượng tầng, một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử và mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo trong đầu óc con người các lực lượng trần thế (tự nhiên và xã hội) mang hình thức các lực lượng phi trần thế, những lực lượng vẫn thường thống trị con người trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhân loại đang đứng trước những thách thức và biến động trên nhiều phương diện. Tôn giáo là một bộ phận cấu thành của hình thái ý thức xã hội, nó cũng trải qua những thách thức và biến đổi to lớn. Trong lịch sử tồn tại lâu dài và phát triển, tôn giáo có nhiều biến đổi cùng với sự biến đổi của đời sống xã hội nhân loại. Những biến đổi đó đã làm cho sắc thái, diện mạo của tôn giáo có những nét mới lạ. Hiện nay, tôn giáo đang có những điều chỉnh để thích nghi, để không chỉ tồn tại lâu dài và phát triển mạnh mẽ trên thánh địa thiêng liêng của mình, mà còn phát triển trong đời sống xã hội nhân loại tương lai.
Nét nổi trội hiện nay là, tôn giáo đang phát triển theo nhiều hướng, nhiều mặt, thậm chí có xu hướng đi ngược lại xu thế của thời đại. Kinh tế toàn cầu hóa, chính trị đa cực, xã hội thế tục hóa, văn hóa đa nguyên hóa, cơ cấu tổ chức, quan điểm giá trị, phương thức tư duy, hình thái tồn tại của tôn giáo các nước, các dân tộc, các khu vực hiện nay, và cả mối quan hệ giữa tôn giáo với khoa học, xã hội, chính trị, dân tộc... cũng có những tác động khó lường.
Trước những biến đổi ấy, chúng ta có thể giải thích sự biến đổi của tôn giáo trên quan điểm mácxít. Khi nói về nguồn gốc lý luận và những tiền đề khoa học tự nhiên của triết học Mác, Ph.Ăngghen cho rằng, với những phát minh mới của khoa học tự nhiên đã làm cho “quan niệm mới về giới tự nhiên đã được hoàn thành trên những nét cơ bản; tất cả cái gì cứng nhắc đều bị tan ra, tất cả cái gì là cố định đều biến thành mây khói, và tất cả những gì là đặc biệt mà người ta cho là tồn tại vĩnh viễn thì đã trở thành nhất thời, và người ta đã chứng minh rằng toàn bộ giới tự nhiên đều vận động theo một dòng và một vòng tuần hoàn vĩnh cửu”(7). Từ sự phân tích của Ph.Ăngghen cho thấy, mỗi khi khoa học tự nhiên có những phát minh mới thì triết học phải thay đổi hình thức của nó. Tôn giáo với tư cách là một “học thuyết”, một hình thái ý thức xã hội cũng biến đổi trước sự biến đổi của thực tiễn thế kỷ XXI. Song, trong quá trình tiến tới xã hội đương đại này, mỗi con người và cả cộng đồng nhân loại cũng đang phải đối diện và trực tiếp hứng chịu nhiều thách thức, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chính mình. Đó là sự lạnh nhạt đến vô cảm trong quan hệ giữa con người với con người; sự căng thẳng đến cực độ trong nhịp sống xã hội; tính vô định của số phận cá nhân; sự cô đơn, xa lạ của con người bên cạnh đống của cải vật chất đồ sộ do mình tạo ra; nỗi khiếp sợ trước những đại dịch mà chưa có phương thức ngăn chặn đang tràn lan trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới. Từ lâu, Ph.Ăngghen trong cuốn Phép biện chứng của tự nhiên đã cảnh báo rằng “Chúng ta không nên quá tự hào về những thắng lợi của mình đối với giới tự nhiên. Bởi vì, cứ mỗi lần, giới tự nhiên lại trả thù chúng ta”(8). Trong khi ra sức chinh phục tự nhiên với những thắng lợi rất đáng tự hào, con người lại đang phải hứng chịu nhiều hậu quả tiêu cực của những thắng lợi đó từ giới tự nhiên. Nổi bật nhất trong những hậu quả tiêu cực đó là sự ô nhiễm môi trường sống, sự mất cân bằng sinh thái, biến đổi khí hậu, cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên,... Trong bối cảnh đó, đôi khi con người lại muốn quay về lĩnh vực tâm linh, đi tìm niềm an ủi, tìm chỗ nương gửi số phận mình ở một lực lượng siêu nhiên phi vật chất, một thế lực siêu phàm nào đó, khi mà chưa hẳn họ đã hoàn toàn tin vào lực lượng đó. Phải chăng, đó chính là mảnh đất màu mỡ để tôn giáo tiếp tục tồn tại lâu dài, phát triển mạnh mẽ và nâng cao hơn nữa vị thế của mình trong đời sống xã hội đương đại?
Những năm gần đây, một số người đã nói đến sự suy giảm ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống xã hội. Một số người khác lại nói đến sự phục hưng tôn giáo, đến vai trò động lực tinh thần của niềm tin tôn giáo, của đạo đức tôn giáo... Lại có người cho rằng, với vị thế là một sự kiện văn hóa, qua quá trình giao lưu và hội nhập giữa các tôn giáo phương Tây với các tôn giáo phương Đông, các tôn giáo này đã không chỉ đơn thuần chuyển tải niềm tin, xúc cảm, đạo đức... mà còn đóng vai trò hội nhập văn hóa, văn minh trên quy mô toàn thế giới, giúp cho nhân loại ngày càng gần nhau hơn. Thậm chí, còn có người nói đến sự bùng nổ tôn giáo như một cơn sốt để đưa ra dự báo thế kỷ XXI là thế kỷ của tôn giáo. Trong những nhận định, dự báo trái ngược đó, ai đúng, ai sai, điều đó không thể phán định một cách giản đơn được, mà còn cần phải chờ thực tế minh chứng. Song, từ những nhận định, dự báo đó, có thể khẳng định, dẫu sắc thái, diện mạo tồn tại của các tôn giáo có thể đổi khác, nhưng các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo vẫn còn những chức năng xã hội cần thiết mà những nhân tố, tổ chức xã hội khác không thể thay thế được. Do đó, tôn giáo còn tồn tại lâu dài, còn phát triển và thậm chí phát triển mạnh mẽ trong đời sống xã hội nhân loại đương đại.
Khẳng định tôn giáo còn tồn tại lâu dài và tiếp tục phát triển, giúp chúng ta xác định và đặt đúng vị trí của nó trong đời sống xã hội. Việc làm này nhằm hạn chế những yếu tố tiêu cực, phát huy những yếu tố tích cực của nó trong công cuộc xây dựng một xã hội tiến bộ, hài hòa, bao dung, giàu có cả về đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần và cả trong lĩnh vực tâm linh. Vì vậy, khi nói về sự tồn tại của tôn giáo trong thời đại ngày nay và sự song hành của nó với công cuộc xây dựng xã hội mới, C.Mác đã viết: “Chủ nghĩa vô thần là sự phủ định thần linh và khẳng định tồn tại của con người chính là thông qua sự phủ định đó; nhưng chủ nghĩa xã hội với tính cách là chủ nghĩa xã hội đã không cần đến sự môi giới như vậy nữa” và nó cũng “không còn bị sự phủ định tôn giáo làm môi giới nữa”(9). Còn Ph.Ăngghen coi việc tuyên chiến với tôn giáo là một sự “ngây ngô trẻ con”, là việc làm “ngu ngốc” mà đáng lẽ “không nên làm thì tốt hơn”, là “hồ đồ”, vì vậy, không tránh khỏi thất bại(10). Ph.Ăngghen đã phê phán “chủ trương cấm tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội” của Đuyrinh và coi đó là tư tưởng cách mạng giả hiệu. Vào những năm cuối đời, khi trở lại nghiên cứu Lịch sử đạo Cơ đốc sơ kỳ, Ph.Ăngghen còn nhận thấy sự tương đồng giữa đạo Cơ đốc này và CNXH hiện đại ở chỗ, chúng “đều tuyên truyền sự giải phóng con người trong tương lai khỏi cảnh nô lệ của nghèo đói” và đều cùng “khai phá con đường tiến lên một cách thắng lợi, không thể kiềm giữ được”(11). Trong cuốn Chiến tranh nông dân ở Đức (1850), khi nói về quan điểm Cơ Đốc giáo của T.Muyntxơ (1490 - 1525) - nhà tư tưởng, đồng thời là lãnh tụ của phái nông dân - bình dân trong thời kỳ Cải cách tôn giáo và chiến tranh nông dân ở Đức năm 1525, đã chủ trương “thiết lập thiên đường” - “Vương quốc của Chúa ngay trên trái đất này” với tư cách là một xã hội không có khác biệt giai cấp, không có chế độ tư hữu, không có quyền lực nhà nước đối lập hay xa lạ với mọi thành viên xã hội, người đã gắn học thuyết chính trị của mình với “những quan điểm tôn giáo cách mạng”. Với quan điểm trên, Ph.Ăngghen đã coi ông là nhà cách mạng lỗi lạc, nhà tiên tri của cách mạng vô sản và là người đã “dự đoán thiên tài về những điều kiện giải phóng” giai cấp vô sản(12).
V.I.Lênin cũng không đồng tình với những phần tử tả khuynh vô chính phủ muốn phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo trong CNXH. Theo V.I.Lênin, việc giai cấp vô sản và chính đảng của nó cần phải làm và có trách nhiệm phải làm là đoàn kết tất cả mọi người theo tôn giáo hay không theo tôn giáo nào cả trong một “cuộc đấu tranh thực sự nhằm giành lấy một cuộc đời tốt đẹp trên trần thế”(13).
Ở nước ta, Hồ Chí Minh không chỉ thừa nhận sự tồn tại lâu dài của tôn giáo trong CNXH, mà còn nhận thấy sự tương đồng nhất định giữa lý tưởng và niềm tin tôn giáo với lý tưởng và niềm tin cộng sản. Hồ Chí Minh đã đưa ra một nhận định hết sức đặc sắc rằng : “Đức Giêsu sinh ra vào thời đại chúng ta, chắc ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa”(14) và “nếu Khổng Tử sống ở thời đại chúng ta” thì “cũng có khả năng siêu nhân này chịu thích ứng với hoàn cảnh và nhanh chóng trở thành người kế tục trung thành của Lênin”(15). Hồ Chí Minh còn cho rằng, những người cộng sản tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH chẳng những không hạn chế tôn giáo, mà còn cho phép tôn giáo và tín ngưỡng “hoàn toàn tự do”(16).
Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin và Hồ Chí Minh thừa nhận sự tồn tại lâu dài của tôn giáo, về vị thế xứng đáng của nó trong đời sống xã hội. Vì vậy, chúng ta phải có thái độ ứng xử đúng đắn, phải có sự hiểu biết toàn diện, sâu sắc về tôn giáo, về lịch sử tôn giáo, nhất là sự hiện diện của các tôn giáo ở nước mình. Trên cơ sở đó, xây dựng một chính sách tôn giáo đúng đắn, không chỉ đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của các tín đồ tôn giáo, mà còn đoàn kết họ trong cộng đồng dân tộc thống nhất, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo cùng tồn tại lâu dài và phát triển với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong lịch sử dân tộc chưa từng xảy ra các cuộc đụng độ hay chiến tranh tôn giáo như đã từng xảy ra trong khu vực hay trên thế giới. Chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đã được đông đảo tín đồ tôn giáo ủng hộ, luôn đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Các tôn giáo luôn đoàn kết chặt chẽ cùng nhân dân cả nước thành một khối thống nhất vững chắc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét