Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, xuất hiện nhiều bài viết về công tác cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh các bài viết phân tích một cách khách quan, toàn diện, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết với Đảng, vẫn còn một số bài viết, lợi dụng vấn đề này để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Trong bài “Đội ngũ lãnh đạo kỹ trị trong chế độ CS, liệu có thành hiện thực” Đỗ Ngà cho rằng “Đảng Cộng sản không bao giờ tạo khoảng trống cho người ngoài Đảng có chuyên môn giỏi ngồi vào ghế bộ trưởng”. Rõ ràng đây là luận điệu hoàn toàn sai trái, cố tình xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác cán bộ, hòng hạ thấp uy tín của Đảng, chia rẽ những người trong Đảng với những người không phải là đảng viên. Bởi lẽ:
Thứ nhất, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và truyền thống của dân tộc ta là trọng dụng người có tài, có đức.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, thu hút và trọng dụng người có tài, có đức trở thành quốc sách, thành đạo đức và thấm sâu vào quan niệm sống của nhân dân ta. Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đặc biệt công tác cán bộ và thu hút nhân tài để xây dựng và kiến thiết đất nước. Đảng thường xuyên chủ trương phát hiện người có tài đức để đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lực lượng này một cách hợp lý, không thiên tư, thiên vị, không phân biệt là người trong hay ngoài Đảng, mà lựa chọn những người thật sự có đức, có tài, tận tâm, tận lực phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng.
Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ, coi đó là khâu “then chốt của then chốt”. Vì vậy, trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương quan trọng đối với công tác này. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị to lớn của Đảng, Nhà nước nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực, hạn chế trong công tác này ngay từ khâu đánh giá, lựa chọn cán bộ và thu hút người có đức, có tài vào hệ thống chính trị của nước ta.
Thứ hai, thực tế đã có nhiều người từng làm bộ trưởng và các chức vụ quản lý cao cấp mà không phải đảng viên.
Việc trọng dụng người có tài, có đức không chỉ dừng lại ở những quan điểm, chủ trương của Đảng, mà đã được thực hiện trên thực tiễn. Đảng lựa chọn những người đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín để bố trí làm cán bộ quản lý từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương, mà không phân biệt người trong hay ngoài Đảng. Điều này được thể hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng.
Ngay khi thành lập Chính phủ, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (1946), cùng với những đồng chí là đảng viên, có nhiều nhân sĩ, trí thức không phải là đảng viên được lựa chọn bầu làm thành viên của Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trường Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Giao thông Công chính Trần Đăng Khoa, Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Chu Bá Phượng, Bộ trưởng Không bộ Nguyễn Văn Tố.
Sau ngày hòa bình lập lại, ngày 20/9/1955 Chính phủ được bổ sung và thay đổi nhân sự. Đến thời điểm này, trong Chính phủ có tám vị bộ trưởng là người ngoài Đảng, có những vị đã hoàn thành xuất sắc cương vị công tác của mình trong mấy chục năm liền: Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, người không phải là đảng viên, nhưng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong gần 30 năm.
Bên cạnh tham gia vào Chính phủ, nhiều trí thức có đức, có tài, có uy tín trúng cử và nắm chức vụ cao trong Quốc hội: Luật gia Ngô Bá Thành đắc cử chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh – cựu phó thủ tướng chính quyền Sài gòn tham gia Ủy ban Kinh tế – Ngân sách. Phó Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Bách được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội…
Những năm gần đây, nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện quy chế thi tuyển công chức nhằm tuyển chọn những người có đủ đức tài vào vị trí lãnh đạo, quản lý mà không phân biệt người đó có phải là đảng viên hay không.
Công tác cán bộ là nhiệm vụ rất quan trọng, luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được những thành tựu quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng. Để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, mỗi người dân bên cạnh việc nhận thức đúng đắn về quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, tích cực tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, cần nêu cao tình thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái của các lực lượng thù địch, phản động, hòng xuyên tạc quan điểm của Đảng về công tác cán bộ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét