Sống và hoạt động trong thời đại mới - thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản, V.I.Lênin đã phát triển chủ nghĩa Mác thành chủ nghĩa Mác - Lênin trong cả ba bộ phận cấu thành của nó - triết học, kinh tế chính trị và CNXHKH. Có thể khẳng định rằng, từ thời C.Mác đến thời V.I.Lênin và cho đến ngày nay, khi nhân loại đã bước vào hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, thế giới đã trải qua biết bao nhiêu biến cố thăng trầm, quanh co phức tạp, nhưng đời sống xã hội vẫn không đi ra ngoài những quy luật phổ biến đã được C.Mác tổng kết. Trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng được nhiệm vụ lịch sử mà không học thuyết nào có thể thay thế được. Sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin được thể hiện ở chỗ nó soi sáng các nhiệm vụ lịch sử đã chín muồi của nhân loại - đó là nhiệm vụ giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công, khỏi mọi sự tha hóa. Giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Mác - Lênin là trường tồn. Thời đại ngày nay có nhiều nội dung, đặc điểm rất mới so với thời C.Mác sống, song các giá trị bền vững trong các tư tưởng, quan điểm, học thuyết của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã và đang là lý luận và phương pháp luận để nhận thức và cải tạo thế giới, còn những hạn chế lịch sử trong một số luận điểm cụ thể nào đó của các ông thì lại đặt ra yêu cầu phải bổ sung và phát triển cho phù hợp với điều kiện mới. Chính bản chất khoa học và cách mạng, tính sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin đòi hỏi phải như vậy.
Giá trị của học thuyết Mác - Lênin không phải ở chỗ mọi câu nói của các ông đều là chân lý vĩnh cửu, những người cách mạng cứ thế mà áp dụng không cần xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. C.Mác đã từng tuyên bố: Chúng ta không tỏ ra là những nhà lý luận suông, tay cầm một mớ nguyên lý có sẵn: đây là chân lý, hãy phục tùng nó đi. Và Ph.Ăngghen cũng đã nhiều lần nhấn mạnh: Học thuyết của chúng tôi không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động.
Từ khi Đảng ta ra đời đến nay, chủ nghĩa Mác - Lênin đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam. Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945, của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước; những thành tựu trong công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta đã khẳng định sức sống của chủ nghĩa Mác nói riêng, chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung. Đặc biệt, công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo càng khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Mác - Lênin đối với cách mạng Việt Nam cũng như sự vận dụng sáng tạo học thuyết đó của Đảng ta vào thực tiễn đất nước.
Qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về nhận thức lý luận và về thực tiễn. Nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH của nước ta ngày càng sáng tỏ hơn, ngày càng được bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội Đảng. Đảng ta xác định mục tiêu, đặc trưng tổng quát của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ... Đã hình thành, phát triển quan niệm về kinh tế thị trường định hướng XHCN, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế tri thức; về Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về Đảng cầm quyền, và đổi mới, chỉnh đốn Đảng; về dân chủ XHCN và thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc; về gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; về chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội; về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; về quan hệ giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN... Trên cơ sở lý luận Mác - Lênin và thực tiễn biến đổi của tình hình thế giới, Đảng ta đã có cách tiếp cận tình hình quốc tế và thời đại ngày càng sát hợp hơn và sâu sắc hơn; nhận thức đầy đủ hơn tính chất lâu dài, quanh co, phức tạp của thời đại quá độ lên CNXH và đánh giá đúng hơn tiềm năng phát triển của CNTB hiện đại; thấy rõ hơn các xu hướng biến đổi của tình hình thế giới và khu vực, từ đó đưa ra đối sách phù hợp...
Những thành tựu về lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới, như Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Đảng và nhân dân ta trong quá trình đổi mới ngày càng sâu sắc hơn, sát hợp hơn với thực chất tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I Lênin, Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó có sự vận dụng, phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thời đại ngày nay.
Tuy nhiên, trước sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới với nhiều thời cơ và thách thức, để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình đổi mới, Đại hội XII của Đảng đã yêu cầu phải tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, phải kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phải đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thực hiện nhiệm vụ lịch sử đó chính là cách tốt nhất để phát huy sức sống vĩ đại của học thuyết Mác – Lênin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét