Ngày 20-01-2018, Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự với tên gọi “Cành Ô-liu” – biểu tượng của hòa bình. Thực hiện Chiến dịch này, An-ka-ra huy động lực lượng lớn: khoảng 72 máy bay chiến đấu F-16 tới các sân bay gần biên giới Xy-ri, hơn 6.000 quân thuộc Lữ đoàn đặc nhiệm số 1 của Quân đoàn 2, khoảng 10 đến 15 nghìn tay súng của Quân đội Xy-ri tự do (FSA), cùng nhiều xe tăng, pháo binh và một số phương tiện, kỹ thuật khác yểm trợ. Trong khi đó, lực lượng vũ trang người Kurd Xy-ri, gồm: lực lượng chiến binh người Kurd (YPG) và lực lượng nữ Dân quân người Kurd (YPJ), tổng số khoảng 8 đến 10 nghìn tay súng, với một số ít trang thiết bị, phương tiện chiến đấu cũ, lạc hậu. So sánh tương quan lực lượng giữa một bên là quân đội của một quốc gia có thể nói là mạnh trong khu vực với một bên là lực lượng của một “nhóm người” - “dân tộc ít người” cho thấy, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có sức mạnh vượt trội.
Tiến hành Chiến dịch, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã không kích và pháo kích vào các khu vực xung quanh A-phrin. Đáp lại, lực lượng người Kurd chống trả bằng rốc-két, lựu đạn. Hậu quả Chiến dịch đến nay, ước tính có hàng nghìn binh lính mỗi bên và hàng trăm thường dân thương vong, hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, quê hương để lánh nạn, v.v. Hơn thế, một số di tích văn hóa có độ tuổi vài trăm năm ở vùng A-phrin cũng bị phá hủy. Sau hai tháng tiến hành Chiến dịch, ngày 18-3-2018, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T. Éc đô-gan tuyên bố, các đơn vị Quân đội Xy-ri tự do được lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ đã tiến vào A-phrin, kiểm soát toàn bộ Thành phố, phần lớn quân khủng bố đã trốn chạy. An-ka-ra tuyên bố sẽ làm hết sức mình để rà phá bom, mìn, sửa chữa cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn trong khu vực này để đón người dân trở về làm ăn, sinh sống. Chiến dịch “Cành Ô-liu” không dừng lại ở A-phrin mà còn mở rộng ra các vùng xung quanh. Vậy, mục đích, bản chất của Chiến dịch này là gì? Đến khi nào kết thúc? Câu trả lời dành cho Chính quyền An-ka-ra.
Dư luận quốc tế
Lý giải cho hành động của mình, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, mục đích của chiến dịch là thực hiện sứ mệnh hòa bình đối với khu vực A-phrin. Nhưng, theo dư luận thì căn nguyên để An-ka-ra mở Chiến dịch là vấn đề người Kurd ở Xy-ri. Đây là vấn đề cốt lõi. Vì, ở Thổ Nhĩ Kỳ có hàng triệu người Kurd sinh sống (chiếm 15% - 20% dân số), do đó, sự độc lập, tự trị, ly khai,... của người Kurd, dù là người Kurd I-rắc, hay Xy-ri đều có nghĩa là nhà nước cộng hòa của họ sẽ không còn nguyên vẹn trên bản đồ thế giới. Mặt khác, sau khi Chính quyền Xy-ri tuyên bố đã đánh bại IS trên toàn lãnh thổ, thì Hoa Kỳ lại ráo riết tập hợp lực lượng, cung cấp vũ khí, trang bị và chuẩn bị huấn luyện cho các chiến binh người Kurd Xy-ri. Hành động của Hoa Kỳ, như “giọt nước tràn ly” làm cho quan hệ An-ka-ra và Hoa Kỳ xuống thấp nhất kể từ trước cho tới thời điểm bấy giờ. A-phrin là địa bàn có vị trí địa chiến lược quan trọng, nằm ở phía Bắc Xy-ri, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều tuyến đường huyết mạnh, thuận lợi cho các lực lượng: Chiến binh người Kurd, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Đảng Công nhân người Kurd (PKK),... huấn luyện, phát triển lực lượng, xâm nhập lãnh thổ. Nguy hiểm hơn, nếu lực lượng người Kurd ở đây lớn mạnh, hay Quân đội Mỹ đồn trú ở khu vực này sẽ tiềm ẩn những bất lợi đến an ninh, biên giới,... của Thổ Nhĩ Kỳ. Một vấn đề khác, mang ý nghĩa chính trị, đó là uy tín của chính quyền An-ka-ra, nhất là của Tổng thống T.G. Éc-đô-gan đang rất thấp, kể từ khi cuộc đảo chính quân sự (năm 2016) bất thành đến nay. Xa hơn là hành động dọn đường cho cuộc bầu cử năm 2019 sắp đến gần. Về nội bộ, An-ka-ra cũng còn nhiều quan điểm không nhất quán, điển hình là thành phần thân với PKK thì phản đối, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình, v.v. Từ những lý do trên, khiến An-ka-ra quyết định mở chiến dịch quân sự, tiến công vào A-phrin thuộc lãnh thổ Xy-ri mà không ngần ngại đối đầu với bất cứ lực lượng nào, kể cả Mỹ, để ngăn chặn lực lượng người Kurd nơi đây có ý đồ ly khai, độc lập thành nhà nước riêng, ảnh hưởng xấu, nghiêm trọng đến người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính quyền Xy-ri và các lực lượng, trong đó có người Kurd Xy-ri đã tố cáo hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là xâm lược. Bởi lẽ, Xy-ri là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, nên việc ngày 20-01-2018, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến công quân sự vào A-phrin của Xy-ri là hành động xâm lược. Vì thế, ngày 21-01, Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát đã lên tiếng chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd ở khu vực A-phrin, cho đây là hành động xâm lược, hỗ trợ các nhóm cực đoan; đồng thời, yêu cầu Thổ Nhỹ Kỳ rút quân, chấm dứt hành động xâm lược. Mặc dù chính quyền Đa-mát cho đây là hành động xâm lược, nhưng cũng không đưa quân đội đến hỗ trợ lực lượng người Kurd chống lại Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Đa-mát, nếu bản đồ Xy-ri được vẽ lại, “địa bàn này” tạm thời đặt dưới quyền kiểm soát của An-ka-ra trong thời điểm này có thể chấp nhận được. Bởi, Thổ Nhĩ Kỳ đang cùng Nga, I-ran giúp đỡ Xy-ri tiêu diệt IS và các nhóm phiến quân. Tuy không đưa lực lượng vũ trang đến hỗ trợ người Kurd Xy-ri, nhưng Đa-mát vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình. Ngày 19-3, Bộ Ngoại giao Xy-ri kịch liệt phản đối Thổ Nhĩ Kỳ nắm quyền kiểm soát vùng A-phrin; đồng thời, gửi 2 bức thư tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng A-phrin, vạch trần những tội ác mà nước này gây ra và yêu cầu các lực lượng xâm lược rút quân khỏi lãnh thổ của họ ngay lập tức. Bộ Ngoại giao Xy-ri còn lên án cách hành xử và các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ đe dọa các công dân, sự thống nhất lãnh thổ, mà còn gây nên sự chết chóc đối với dân thường và kéo dài cuộc nội chiến.
Tại sao Mỹ, Nga đứng ngoài cuộc để An-ka-ra, Quân đội Xy-ri tự do ngang nhiên tấn công lực lượng người Kurd ở A-phrin? Thực sự vai trò của Mỹ, Nga ở đâu trong cuộc chiến này? Đối với Mỹ, là nước thuộc Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng với Thổ Nhĩ Kỳ - là đồng minh, do vậy sự đối đầu nhau sẽ ảnh hưởng đến sự thống nhất của Khối. Vì vậy, Hoa Kỳ chỉ đứng đằng sau, cung cấp vũ khí để người Kurd Xy-ri chiến đấu tự bảo vệ mình. Qua đó, thấy rõ lối chơi của Mỹ sau khi IS và các lực lượng khác bị đánh bại ở Xy-ri, Oa-sinh-tơn sử dụng con bài người Kurd nhằm chia cắt đất nước Xy-ri, gây mất ổn định và hỗn loạn, tạo khu vực đứng chân để trục lợi.
Còn Nga, nước có sự hiện diện quân đội lớn nhất trên lãnh thổ Xy-ri theo yêu cầu của chính quyền Đa-mát, nhưng Mát-xcơ-va cũng không có động tĩnh gì trước hành động tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì, Mát-xcơ-va biết chắc rằng, tác động của chiến dịch “Cành Ô-liu” sẽ đem đến cho Nga những lợi ích chiến lược cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với 3 đối tác chủ yếu là: Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và người Kurd Xy-ri. Với ý đồ đó, Nga ngầm cảnh cáo tham vọng của người Kurd Xy-ri tham gia trong cuộc chơi địa chính trị nguy hiểm của họ; cho người Kurd Xy-ri biết, Mỹ chỉ có thể lợi dụng, sử dụng người Kurd Xy-ri chứ không phải là “đồng minh” đích thực; phá tan khu vực “gieo hạt hỗn loạn” của Mỹ tại phía Bắc Xy-ri khi Oa-sinh-tơn chọn làm nơi đứng chân để can thiệp sâu hơn vào Xy-ri thông qua lực lượng này; thể hiện rõ quan điểm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Xy-ri hồi sinh.
Cùng với đó, Ai Cập cũng lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Xy-ri, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Xy-ri. Bộ Ngoại giao I-ran bày tỏ quan ngại về những gì đang diễn ra tại A-phrin, đồng thời yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt ngay hành động này. Theo Bộ Ngoại giao I-ran, khủng hoảng tại A-phrin có thể giúp các nhóm khủng bố xuất hiện trở lại ở các khu vực miền Bắc Xy-ri. Vì vậy, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng của Xy-ri tiếp tục duy trì nỗ lực nhằm đạt được hòa bình và giải pháp chính trị. Còn Pháp, một nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi tổ chức này nhóm họp khẩn để đánh giá toàn bộ nguy cơ khủng hoảng nhân đạo trong bối cảnh giao tranh gia tăng ở Xy-ri. Theo đó, ngày 22-01, ngay sau khi Chiến dịch “Cành Ô-liu” của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra một ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận kín, bàn về chiến dịch của Quân đội Xy-ri tại tỉnh Ai-líp và Đông Ghau-ta cũng như cuộc tấn công mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ vào A-phrin. Theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc quy định tình huống để một quốc gia có thể sử dụng “quyền tự vệ” cho đến khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp dụng các biện pháp cần thiết thì An-ka-ra lại không vận dụng, mà cho rằng, Chiến dịch “Cành Ô-liu” xuất phát từ “quyền tự vệ” chính đáng của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm chống lại sự “xâm nhập” biên giới và đe dọa an ninh của các nhóm khủng bố có xuất xứ từ Xy-ri. Từ góc nhìn khác, Luật gia An-ne Pe-tơ, Giám đốc Viện Mác Plan về Luật công cộng nước ngoài và Luật quốc tế cho rằng, cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm luật pháp quốc tế, vì An-ka-ra hành động mà không có sự chấp thuận của Chính phủ Xy-ri hay được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép. Ngoài ra, theo quy định của luật quốc tế, chỉ khi nào cuộc tấn công ở mức nghiêm trọng nhất thì quốc gia bị tấn công mới được vận dụng quyền tự vệ. Còn các mức độ tấn công khác không thể cấu thành lý do viện dẫn quyền tự vệ, tuy có thể cũng vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Trên phương diện này, đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa chứng minh các cuộc tấn công của người Kurd Xy-ri; nếu có, là ở mức nghiêm trọng nhất, buộc nước này phải có hành động tự vệ.
Tóm lại, Chiến dịch “Cành Ô-liu” của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công quân sự vào A-phrin, Xy-ri, quốc gia có chủ quyền là vi phạm luật pháp quốc tế, cần được ngăn chặn, không tạo tiền lệ xấu cho khu vực cũng như các khu vực khác trên thế giới. Các quốc gia cần phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và phải thượng tôn luật pháp quốc tế, giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét