Trong những ngày đầu năm 2018, không khí phấn khởi, tin tưởng vào tương lai đất nước, tương lai cuộc sống đang lan tỏa trên gương mặt của mỗi người dân.
Không phấn khởi, tin tưởng sao được khi mà cụm từ “lần đầu tiên” được nhấn mạnh nhiều lần về những thành tựu của đất nước đạt được trong năm 2017. Lần đầu tiên, sau nhiều năm, dù gặp khó khăn về bão lũ, thiên tai chưa từng có, nhưng chúng ta đã hoàn thành tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017 do Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế đạt yêu cầu, GDP tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua (từ 2011 đến 2016). Lần đầu tiên, xuất khẩu nông nghiệp Việt nam đạt mức cao nhất. Lần đầu tiên, cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển…Đặc biệt sự phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước được nhân đôi khi lần đầu tiên, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra nhiều thập kỷ qua, tới nay đã đạt được bước ngoặt thể hiện quyết tâm, mạnh mẽ, dứt khoát của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ,Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng.
Trong cuộc chiến chống giặc “nội xâm” cam go này, năm 2017, Đảng ta liên tục thi hành kỷ luật với phạm vi rộng chưa từng có đối với hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng với tần suất và mức độ đấu tranh dồn dập hơn, quyết liệt, dữ dội hơn gấp bội so với những năm trước. Quyết tâm chính trị mạnh mẽ, dứt khoát của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ủng hộ, hưởng ứng. Hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt, kể cả cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư quản lý bị truy cứu trách nhiệm về hành vi tham nhũng, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều vụ án kinh tế lớn, phức tạp được đưa ra xét xử. Điển hình là vụ án ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) gây thất thoát 2.000 tỉ đồng với số lượng người tham gia tố tụng kỷ lục. Khởi tố, bắt giam ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và nhiều vị nguyên là lãnh đạo tập đoàn này. Việc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đưa bị cáo Đinh La Thăng và 21 đồng phạm trong vụ án tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) ra xét xử từ ngày 8-1-2018 là minh chứng rõ nhất cho cuộc chiến chống tham nhũng hoàn toàn không có vùng cấm như tuyên bố của Tổng Bí thư.
Hàng loạt cán bộ cao cấp khác cũng bị xử lý kỷ luật như Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương; Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường; Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương; Phạm Văn Vọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Phạm Thế Dũng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Nguyễn Văn Thiện, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định...
Thắng lợi có tính chất bước ngoặt của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực này đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước, khơi dậy niềm tin mạnh mẽ của Nhân dân đối với Đảng.
Trong công cuộc đổi mới, những gì đã làm được là rất lớn, rất đáng trân trọng, nhưng khó khăn còn lắm, thách thức còn nhiều, mà nhức nhối nhất là nạn tham nhũng, lãng phí, là sự tha hóa về phẩm chất, đạo đức, tác phong, lối sống của không ít người có chức có quyền, trong đó có cả những cán bộ cấp cao. Có thể kể tới những trường hợp điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh để thất thoát, thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng trong thời gian làm việc tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí nhưng vẫn được điều động giữ nhiều vị trí công tác tại Bộ Công thương trước khi được cử đi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Vụ bổ nhiệm “thần tốc” Trần Vũ Quỳnh Anh làm trưởng phòng tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa…
Việc bổ nhiệm những người năng lực chuyên môn yếu kém, chưa có những đóng góp cụ thể cho cơ quan lên những chức vụ cao một cách thần tốc không chỉ làm mất lòng tin của cán bộ, nhân viên trong chính cơ quan công tác mà sâu rộng hơn là ảnh hưởng tới niềm tin của Nhân dân với Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII của Đảng đã đánh giá đúng thực trạng và chỉ rõ nguyên nhân, đề ra những giải pháp cụ thể, kiên quyết của vấn đề này. Quả thật, khâu mấu chốt vẫn là công tác cán bộ, sự tín nhiệm và niềm tin của nhân dân cũng được đặt vào đây. Cái mới của lần này là Đảng không dừng ở chỉ ra khâu yếu của công tác cán bộ mà đi liền đó là một loạt văn bản qui định cụ thể có tính ràng buộc gắn liền với thực tế cuộc sống để từng bước hoàn thiện công tác cán bộ. Đó là, tiếp theo Quy định số 89 và 90 (ban hành ngày 4-8-2017) “Về tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; và “Về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Qui định 105 ngày 19-12-2017 “về phân cấp quản lý, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (thay thế Quyết định số 67 và 68 ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị khóa X)”, nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy chế, văn bản trong công tác đánh giá, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, cũng như đề cao vai trò, tính gương mẫu, công tâm của người đứng đầu và tập thể chịu trách nhiệm giới thiệu, kiểm tra và bổ nhiệm cán bộ.
Các qui định trên cũng là đòi hỏi tất yếu, xuyên suốt của công tác cán bộ trong bối cảnh thực tế hiện nay và sự phát triển sau này, nhất là qua cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí do Đảng tiến hành đang đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo sự phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân, sự đồng tâm nhất chí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ở đây cũng thể hiện về một quyết tâm, có căn cứ cơ sở, xây dựng một bộ máy trong sạch, một đội ngũ cán bộ có tâm, có đức, có tài đưa đất nước và dân tộc bước vào thời kỳ phát triển mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét