Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

"Chạy"- một căn bệnh nặng cần phải được chữa trị

Chưa bao giờ trong đời sống xã hội chúng ta, từ “chạy” lại xuất hiện với tần suất dày đặc trong ngôn ngữ giao tiếp như hiện nay. Chưa bao giờ trong hệ thống ngôn ngữ của dân tộc, từ chạy lại bị tha hóa về ngữ nghĩa đến như vậy. Vốn là một từ chỉ một động thái trong vận động của con người, chạy đã được mang thêm một hàm nghĩa xấu, chỉ hành vi tiêu cực, vụ lợi, mặt trái tối tăm trong quan hệ xã hội.




Đã là tiêu cực, vụ lợi thì chạy cũng là nguyên nhân dẫn tới những phức tạp, rối rắm trong quan hệ xã hội, làm méo mó những chính sách đúng đắn, xô lệch kỷ cương xã hội, là nguyên nhân dẫn tới sự tha hóa nhân cách cán bộ, làm giảm hiệu lực của các cơ quan công quyền, làm giảm lòng tin của dân vào Đảng, vào chế độ. Vì cái từ chạy bị mang hàm nghĩa xấu nên những người thực hiện hành vi chạy bao giờ cũng cố tình đội lên nó một cái lốt gì đó có vẻ bình thường, khả dĩ chấp nhận được. Vì thế, không phải lúc nào người ta cũng vạch mặt, chỉ tên được hành vi nào là chạy, người nào là kẻ đã và đang chạy, người nào là kẻ tiếp tay cho chạy và cái gì là kết quả của sự chạy. Đó cũng là một vấn đề làm cho chạy càng trở nên tinh vi hơn, nguy hiểm hơn, khó trị hơn.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr.194).
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng thêm một lần nữa chỉ ra chân tướng của sự chạy chính là một trong những biểu hiện cụ thể của tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống: “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Những biểu hiện của sự chạy vô cùng sinh động, thiên hình vạn trạng, xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội cho đến cả các lĩnh vực khoa học, giáo dục và tâm linh. Trong chính trị thì người ta chạy để có được chức trọng quyền cao, chạy vào nguồn bổ nhiệm, chạy vào các vị trí công việc có nhiều bổng lộc,… Càng những chức vụ nào có nhiều quyền lực, bổng lộc càng có nhiều “ứng viên” vào cuộc. Trong lĩnh vực kinh tế, người ta chạy để có các dự án béo bở trong địa ốc, chạy vốn cho công trình xây dựng,... Trong xã hội thì người ta chạy thành tích để có khen thưởng các hình thức cao, chạy tuổi tác để kéo dài thời gian giữ chức vụ, chạy quan tòa để được giảm án,... Trong giáo dục thì người ta chạy điểm khi thi cử, chạy bằng cấp để làm đẹp lý lịch hay đạt chuẩn bổ nhiệm cán bộ, chạy trường lớp chất lượng cao cho con cái,... Trong tâm linh, người ta chạy đến các đền, chùa, miếu mạo để cầu cạnh thần thánh phù hộ, chở che cho được thăng quan tiến chức, làm ăn phát đạt, nhiều của, lắm tiền,... Không ít cán bộ đảng viên có chức, có quyền, có bằng cấp về học tập Chủ nghĩa Mác - Lê- nin, tự nhận mình là theo chủ nghĩa cộng sản, là môn đồ chủ nghĩa vô thần, vẫn cất công tìm đến các đền, chùa, miếu mạo có tiếng linh thiêng để cầu xin thần, phật phù hộ cho làm chức nọ, chức kia. Hiện tượng Trịnh Xuân Thanh, một cán bộ quản lý đơn vị kinh tế để thua lỗ thất thoát cả nghìn tỷ đồng vẫn được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ quan trọng, vẫn được giới thiệu vượt qua nhiều lớp thủ tục kiểm soát, lựa chọn ngặt nghèo để bầu vào đến Quốc hội, là một thí dụ điển hình của chạy.
Vậy làm sao mà sự chạy lại là biểu hiện của suy thoái của đạo đức, lối sống; tại sao chạy có hậu quả nặng nề đối với xã hội đến thế?
Về bản chất, chạy là dùng các thủ đoạn, mánh lới, quan hệ, tiền bạc, vật chất để đạt được mục đích mang tính vụ lợi. Điều ấy cũng có nghĩa là người đi chạy thực chất không hội đủ các điều kiện, không xứng đáng để được giữ những trách nhiệm quan trọng trong hệ thống chính trị hoặc để được giao một công việc nào đó trong nền kinh tế, không xứng đáng được hưởng những quyền và lợi do những vị trí công tác hay công việc đó mang lại. Chính vì không xứng đáng nên họ không thể thi thố tài năng, không thể chứng minh năng lực một cách sòng phẳng hay bằng những cố gắng chính đáng để đạt được vị trí công tác, để được đảm nhận công việc quan trọng.
Khi hành vi chạy đạt được mục đích có nghĩa là những quy tắc chính trị, những chuẩn mực đạo đức xã hội, những phép tắc hành xử văn hóa và những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong xã hội bị phá vỡ hoặc bị làm cho méo mó, không còn có ý nghĩa tích cực nữa. Điều ấy không chỉ làm suy thoái tư tưởng chính trị, băng hoại đạo đức mà còn làm cho cuộc sống bị xáo trộn rối loạn để lại những hậu quả nặng nề về lâu dài. Một cán bộ trong hệ thống chính trị chạy thành công vào một chức vụ quan trọng, trước hết khả năng hoàn thành nhiệm vụ và chất lượng công việc do cán bộ đó phụ trách sẽ có vấn đề, có thể là không hoàn thành hoặc có thể hoàn thành thì chất lượng cũng sẽ không cao. Hệ quả tiếp theo là hạn chế đến việc hoàn thành nhiệm vụ của cả đơn vị nói chung. Mặt khác, do hành vi chạy thành công nên các quy chế, quy tắc về bổ nhiệm cán bộ cũng mất thiêng, bị vô hiệu hóa, tạo thành tiền lệ xấu trong toàn bộ công tác cán bộ tiếp theo. Một mối nguy khác, cán bộ chạy đó sẽ tìm mọi cách vơ vét để bù đắp những tốn kém do chạy và hơn thế nữa, do động cơ là vụ lợi nên các hoạt động của anh ta sẽ luôn ẩn giấu trong đó mục đích kiếm tiền, làm giàu dẫn tới sự sai lệch mục tiêu nhiệm vụ chung của đơn vị. Nguy hiểm hơn nữa, hành vi chạy thành công sẽ dẫn đến hậu quả lâu dài về cán bộ, khi người chạy thành công tiếp tục lợi dụng công tác tổ chức cán bộ để thu lợi và đưa vào cơ quan, đơn vị những cán bộ năng lực chuyên môn không bảo đảm, đạo đức không trong sáng. Cứ như thế, tác hại của sự chạy trong công tác tổ chức cán bộ sẽ thành dây chuyền, tăng theo cấp số nhân khi cán bộ do chạy mà nắm giữ được những vị trí đứng đầu cơ quan, các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị.
Một học trò chạy điểm thì tất nhiên kết quả học tập không phải thực chất và chất lượng đầu ra sẽ không bảo đảm. Người thầy nhận tiền của học trò mà nâng điểm, cho điểm không đúng chuẩn tức là đã tự bôi nhọ thanh danh người thầy, tự nêu tấm gương xấu về đạo lý nghề nghiệp. Kết quả là thầy không ra thầy, trò không ra trò, nền giáo dục xuống cấp. Những bậc cha mẹ dùng tiền để chạy trường lớp, chạy thành tích học tập cho con, vô hình trung đã thực hiện hành vi phản giáo dục, tạo cho con nhận thức, thói quen lười lao động, không có lòng tự trọng, lối sống vì tiền, đánh đổi mọi thứ bằng tiền.
Tất nhiên, hành vi chạy có được thành công không thể thiếu sự tiếp tay, góp sức của những người dung dưỡng, bảo vệ và chấp thuận sự chạy như một công đôi việc, vừa được ân huệ, có thêm bè cánh lại tiện thể vừa kiếm tiền, thu lợi cho mình. Khi tiếp tay cho sự chạy, họ còn có tội lớn hơn, còn xấu hơn về nhân cách, đạo đức đối với những người đi chạy. Bởi vì họ cũng chính là những kẻ bán rẻ lương tâm, trách nhiệm, chà đạp lên niềm tin của Đảng, của dân khi trao cho họ những chức vụ quan trọng, những quyền lực to lớn. Tội họ còn lớn hơn bởi nếu họ không tiếp tay thì đã không thể có tệ nạn chạy trong xã hội.
Cứ theo logic và thực tế đó, chạy là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự xuống cấp đạo đức xã hội, làm bại hoại những thuần phong, mỹ tục, làm méo mó hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, vô hiệu hóa luật pháp, kỷ cương của chế độ, trở thành một thứ giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm, đe dọa cả sự tồn vong của chế độ. Cái thứ giặc nội xâm ấy không phải trên trời rơi xuống. Nó có căn nguyên, cơ sở tồn tại ngay trong xã hội, trong cơ chế vận hành của hệ thống lãnh đạo, quản lý, trong nhận thức, đạo đức và lối sống của mỗi con người, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền. Căn nguyên đó trước hết là do “chủ nghĩa cá nhân”. Nói như Bác Hồ, “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”… (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2011, tr.295). Một trong những thứ bệnh rất nguy hiểm đó chính là chạy. Nên nhớ rằng, Bác Hồ nói những điều này từ năm 1947, khi chúng ta mới giành độc lập được chưa đầy hai năm đã phải bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược. Trước khi mất bảy tháng, Người còn viết bài báo nổi tiếng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, trong đó nhấn mạnh: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng...”. Điều đó đủ nói lên rằng, chủ nghĩa cá nhân là một thứ tệ nạn, một loại giặc nội xâm, giặc phá hoại ngay trong lòng xã hội ta, nguy hại đến mức nào.
Căn nguyên của bệnh chạy cũng nằm ở trong chính cách thức tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành của các cơ quan quyền lực, ở sự kiểm tra, kiểm soát quyền lực không chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, thể chế tổ chức, vận hành của hệ thống chính trị chậm đổi mới, chậm thích ứng với sự vận động phát triển rất nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội. Lê-nin đã từng nhấn mạnh rằng, lãnh đạo mà không có kiểm tra, kiểm soát là không có lãnh đạo. Thực tế chỉ ra rằng, tự phê bình và phê bình chỉ có ý nghĩa đối với những người có đạo đức, có lòng tự trọng. Những kẻ đã “nhúng chàm”, đã chạy và tiếp tay cho chạy để kiếm lợi bất chính chắc chẳng bao giờ dám tự nhận lỗi. Đối với họ, chỉ có kỷ luật, kỷ cương chặt chẽ, khách quan mới có thể vạch mặt, chỉ tên để ngăn chặn được.
Căn nguyên bệnh chạy còn ở mặt trái của nền kinh tế thị trường, mặt trái của những quan hệ xã hội xưa cũ, ở sự giáo dục và môi trường giáo dục chưa tạo dựng được nền tảng đạo đức, lòng tự trọng, lối sống, kỹ năng sống cho con người. Nó còn ở trong chính sự thiếu tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên,…
Chạy đã thật sự trở thành căn bệnh trầm kha, thành giặc nội xâm vô cùng nguy hại của xã hội. Đã có bệnh rồi thì phải sửa, phải chữa. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ chỉ rõ rằng: “Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tr. 295).
Ai cũng có thể biết rằng, chạy cùng với nạn tiêu cực tham nhũng đã nguy hại tới mức ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ nếu không ngăn chặn kịp thời. Nhưng chữa bệnh chạy thế nào, đó là vấn đề rất khó khăn, phức tạp. Về căn nguyên cũng như về hậu quả, căn bệnh chạy liên quan đến nhiều lĩnh vực công tác của Đảng, Nhà nước, đến nhiều yếu tố về kinh tế, xã hội, con người. Vì thế, chỉ có thể chữa trị được căn bệnh nặng, thứ giặc nội xâm này bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra bốn nhóm giải pháp, nhiệm vụ rất căn bản và toàn diện để đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó có bệnh chạy. Vấn đề còn lại là quyết tâm chính trị của toàn Đảng, của các cấp ủy, các tổ chức, đoàn thể của toàn hệ thống chính trị và sự đóng góp tích cực của toàn thể nhân dân để có thể triển khai thực hiện thắng lợi.
GS, TS TẠ NGỌC TẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét