Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Lính Mỹ lần đầu tiết lộ những điều khó tin về bộ đội cụ Hồ

Lindsey Kiang là một nhà sử học người Mỹ có nhiều năm công tác tại Việt Nam. Ông đang thực hiện một cuốn sách nói về cuộc chiến đấu của nhân dân thủ đô Hà Nội chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của Mỹ năm 1972.
Đã gần 50 năm kể từ khi những người lính Mỹ đặt chân đến Việt Nam. Đối với nước Mỹ, đó là khởi đầu của một cuộc chiến dài, cay đắng và không nhận được nhiều sự ủng hộ. Đối với người dân Việt Nam, cuộc chiến còn tàn phá khủng khiếp hơn, nhưng cuối cùng họ đã thắng và giành được độc lập, thống nhất, điều mà họ khao khát đã quá lâu rồi.
Sau chừng đó thời gian, nhiều cựu chiến binh Mỹ vẫn còn nghĩ về những người lính phía bên kia… Ấn tượng gì đã khiến ký ức này trở nên sâu đậm đến vậy? Tôi nhập ngũ và công tác tại lực lượng Thủy quân lục chiến sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, tôi không phải là một cựu chiến binh. Tuy nhiên, tôi có rất nhiều bạn là cựu chiến binh và tôi cũng luôn thích thú với lịch sử quân sự nên những câu hỏi trên thường được tôi nghĩ đến.
Chân dung tác giả Lin-di Cang
Trong thời gian xảy ra cuộc chiến, đã có hơn 2 triệu người Mỹ tham chiến tại Việt Nam nên thật hiển nhiên khi có rất nhiều ý kiến, quan điểm của từng cá nhân cựu chiến binh. Nhưng khi viết về lịch sử qua phương pháp phỏng vấn trực tiếp những người đã tham gia chiến đấu, tôi thấy nhiều sự nhất quán đáng kể. Tất cả những điều tôi đọc, tôi nghe được từ họ đều toát lên một sự tôn trọng dành cho các cựu chiến binh Việt Nam, bất kể đó là Giải phóng quân của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam hay quân chính quy của miền Bắc. Những nhận xét đó thường là: Bộ đội Việt Nam thông minh, tiết tháo, có kỹ năng và lòng quyết tâm. Họ cũng là những người dũng cảm tuyệt vời trước hỏa lực khủng khiếp của pháo binh và không quân Mỹ. Nhiều cựu chiến binh Mỹ thường nhắc lại với niềm cảm phục sâu sắc khả năng chống đỡ của đối thủ dưới làn đạn mà những trận rải thảm B-52 là ví dụ điển hình.
Lính tên lửa trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972. Ảnh tư liệu
Có một câu chuyện được kể lại bởi một cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ từng tham gia trận đánh tại Khe Sanh năm 1968. Lính thủy quân lục chiến Mỹ lúc đó chiếm giữ căn cứ chính và một sân bay trong một thung lũng bao quanh bởi những ngọn đồi. Trong nhiều tuần, chỉ có một tay súng bắn tỉa nằm trên ngọn đồi đó bắn vào căn cứ, gây ra một vài tổn thất và hạn chế hoạt động của lính Mỹ. Lính Mỹ đã phải mở nhiều cuộc tuần tiễu có pháo binh bắn phá nhưng vẫn không triệt hạ được tay súng này.
Cựu binh Mỹ James Speed Hensinger đã chụp được những hình ảnh này vào ban đêm trong một trận càn quét tay súng Việt Nam ẩn nấp trên một quả núi. Các bức ảnh cho thấy quân Mỹ đang nã đạn về phía núi Hòn Chà ở Phú Tài, gần thành phố biển Quy Nhơn.
Cuối cùng, lính Mỹ phải mở một đợt không kích với rất nhiều máy bay và đủ loại bom đạn, từ bom na-pan đến pháo 20mm. Tất cả lính Mỹ ở đó đã phải chui dưới hào khi diễn ra trận bom đạn tơi bời trên những ngọn đồi. Nhưng khi máy bay vừa rút, phía những ngọn đồi, lửa vẫn còn rừng rực cháy, khói bốc cao tận trời, tưởng như không gì có thể sống sót được, thì tiếng súng trường lại vang lên. Tất cả những người lính thủy quân lục chiến Mỹ trong căn cứ nhất loạt đứng dậy reo hò bày tỏ sự ngạc nhiên ngưỡng mộ đối thủ của mình. Tay súng dũng cảm đó quả là một thách thức đáng kể!
Ở miền Nam, lính Mỹ cũng đánh giá cao bộ đội của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặc dù có số lượng và hỏa lực áp đảo, có nguồn lực dồi dào và khả năng di chuyển cao nhưng lính Mỹ và đồng minh luôn vấp phải những khó khăn khi đối đầu với đối thủ, những người được quyết định đánh khi nào. Có thể thấy rằng, những người lính dũng cảm này đã tận dụng được yếu tố bất ngờ để giành chiến thắng trong những tình thế ngặt nghèo nhất. Ở miền Nam, họ được gọi là Việt Cộng hay “VC”-theo bảng chữ cái quân sự của Mỹ được phát âm là "Vích-to Sác-ly". Nhưng thay vì nói hai chữ "Vích-to Sác-ly" thì nhiều lính Mỹ thường trịnh trọng gọi Việt Cộng là "ngài Sác-ly".
Cảnh sinh hoạt đời thường của các chiến sĩ Giải phóng tại căn cứ Củ Chi, 1967. Cạnh chiếc lều lá có lối dẫn xuống địa đạo. Hỉnh ảnh nằm trong kho dữ liệu ảnh của các phóng viên quốc tế thời chiến tranh Việt Nam.
Miền Trung Việt Nam là nơi những đội quân tinh nhuệ nhất của quân đội Mỹ đối đầu với quân chính quy Bắc Việt Nam. Những trận đánh ác liệt đã để lại vết thương nhức nhối trọn đời. Đối với các cựu chiến binh Mỹ, ngoài những nỗi đau thể xác, họ còn phải chịu cả nỗi đau tinh thần. Nhưng dù vậy, họ vẫn đánh giá cao đối thủ của mình.
Tôi có một người bạn thân từng là đại đội trưởng một đại đội thủy quân lục chiến, đã tham gia nhiều trận đánh ở tỉnh Quảng Ngãi. Vào tháng 3-1966, đơn vị của anh ấy đánh một trận lớn với một đơn vị thuộc Trung đoàn 21 bộ đội chủ lực miền Bắc. Đơn vị này được trang bị tốt, hầm hào công sự chắc chắn và ngụy trang khéo léo. Đó là một trận đánh khốc liệt diễn ra trong khoảng cách gần. Bộ đội Việt Nam đã đánh một trận rất kiên cường và không chịu rút lui. Đơn vị của bạn tôi, với sự hỗ trợ của pháo binh, cuối cùng đã phá vỡ được trận địa của đối phương nhưng bị thương vong rất lớn. Đến khi trận đánh gần kết thúc, một trung sĩ nói với bạn tôi rằng: “Thưa ngài, lính Bắc Việt đánh giỏi như chúng ta". Nên biết rằng, lính thủy đánh bộ Mỹ là những chiến binh ưu tú nhất, được chọn từ bộ binh sang. Đó quả là một lời khen ngợi đối thủ. Giờ đây, bạn tôi lập một ban thờ nhỏ trong nhà để thờ những đồng đội và cả những chiến sĩ Việt Nam. “Họ rất dũng cảm, rèn luyện tốt và có tinh thần chiến đấu cao"-Anh ấy nói. Bạn tôi mong muốn một ngày sẽ đến thăm lại Việt Nam để gặp những cựu chiến binh từng tham gia trận đánh ngày hôm ấy.
Tôi ngạc nhiên khi đọc nhật ký của một vài người lính Mỹ ghi tại chiến trường có suy nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ trở lại Việt Nam. Trong khi bay vào chiến trận bằng những chiếc máy bay trực thăng, họ nhìn thấy màu xanh bát ngát của những cánh đồng lúa dọc theo bãi bờ, những rặng rừng xanh mơ và cả những đỉnh núi hùng vĩ trên ngút ngàn Tây Nguyên. Ngay cả trong những khoảnh đời căng thẳng và định mệnh đó, nhiều anh lính Mỹ cũng hứa với lòng nếu may mắn sống sót sẽ trở lại mảnh đất Việt Nam hiền hòa xinh đẹp này. Hạnh phúc thay, có nhiều cựu chiến binh giờ đây đã làm được việc đó.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới hiện trường xác chiếc B52 bị bắn rơi tại phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Tổng cộng trong 12 ngày đêm, đã có 34 chiếc bị bắn hạ trong đó 16 chiếc rơi tại chỗ.
Cuộc chiến ở trên không cũng ác liệt chẳng kém gì dưới đất. Trận chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam được ghi nhận là nơi lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, những loại tác chiến điện tử, máy bay siêu âm, tên lửa được sử dụng nhiều và số lượng lớn. Cũng giống như cuộc chiến dưới mặt đất, hệ thống phòng không của miền Bắc dù khá tân tiến (được chế tạo trên dưới 10 năm trước đó) đã phải đối đầu với lực lượng không quân mạnh hơn gấp bội, với bề dày kinh nghiệm sau chiến tranh Triều Tiên và đủ loại máy bay hiện đại đã được điện tử hóa tinh vi. Có hàng trăm cuốn nhật ký, hồi ký, lịch sử và công trình nghiên cứu của người Mỹ bày tỏ sự khâm phục với lực lượng phòng không của miền Bắc Việt Nam. Ngay cả trong chiến tranh, không quân Mỹ cũng luôn đánh giá rằng đây là hệ thống phòng không tích hợp mạnh nhất thế giới. Tất nhiên, ở trên không, người Mỹ sẽ chẳng thể nào bị đánh bại bởi một dân tộc nhỏ bé, mà chẳng qua cuộc đụng độ này họ gặp một đối thủ quá quật cường, dẫn đến kết quả là những nỗ lực trên không đã phải trả một giá đắt về người và phương tiện. Ngoài ra còn có lý do về chính trị, những trận không kích này luôn bị phản đối tại nước Mỹ và dường như đã thất bại từ lúc chưa bắt đầu.
Trực thăng UH-1D của quân đội Hoa Kỳ rời đi sau khi đổ lính bộ binh xuống thung lũng Ia Đrăng, tháng 11 năm 1965. Nguồn: United States Army.
Đầu tiên, những phi công Mỹ phải ngả mũ trước các phi công Việt Nam. Phía không quân Mỹ có quá nhiều phi công non kinh nghiệm phải đối đầu với những tay lái MiG điêu luyện. Phi công Việt Nam ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm sau những trận đánh và sau những lần bắn rơi máy bay Mỹ, trong khi đó phi công Mỹ lại chẳng có ai xuất kích quá 100 lần. Thành tích nổi trội của phi công Việt Nam khiến người Mỹ phát hoảng. Và kết quả là, trong một thời gian dài ngừng không kích giữa năm 1968, lực lượng hải quân Mỹ đã nhanh chóng thiết lập một chương trình mang tên “Top Gun-Họng súng trên không” nhằm đào tạo lại các phi công, giúp họ có màn trình diễn tốt hơn trước các tay lái MiG. Phi công nói chung là những người hào sảng, họ tôn trọng nhau trong và sau trận đánh; họ sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm chung, phi công Mỹ và phi công Việt Nam cũng vậy. Dăm năm sau cuộc chiến trên không này, những cánh bay năm xưa đã gặp nhau, chào mừng ấm áp, kể lại chuyện xưa, thăm hỏi gia đình lẫn nhau.
Lực lượng thứ hai khiến phi công Mỹ bái phục là lực lượng phòng không ở miền Bắc Việt Nam. Lực lượng này cho họ ít kỷ niệm “lãng mạn” vì đã bắn rụng nhiều máy bay nhất. Nhiều hơn cả những tay lái MiG. Tôi có ông bạn bay trên chiếc “Wild Weasel-Chồn hoang”-loại máy bay làm nhiệm vụ tấn công hệ thống ra-đa mặt đất và các trận địa tên lửa. Họ bày ra lối bay “nhử mồi” các đơn vị tên lửa của Việt Nam. Khi sóng ra-đa phát ra, “Chồn hoang” sẽ lao vào nguồn phát phóng vài quả tên lửa Shrike hoặc bom hạng nặng, hy vọng sẽ tiêu diệt luôn cả tổ hợp tên lửa gần đó trước khi nó kịp hành động. Đó quả là một đòn chí mạng. Phi công Mỹ luôn ngạc nhiên không hiểu tại sao các tổ hợp tên lửa lại thoát được đòn chí mạng này. Và, phi công Mỹ lại thêm khâm phục trí thông minh cũng như khả năng ứng biến, kỹ thuật tinh thông của những chiến sĩ ra-đa, tên lửa này vì họ luôn biết cách đối đầu trong tình thế ngặt nghèo nhất.
Thượng tướng Nguyễn Hữu An và Trung tướng H. Moore trở lại thăm Ia Đrăng tháng 10-1993.
Nhiều cựu chiến binh Mỹ ước rằng họ sẽ không phải nhớ những giây phút đau thương nhất đời họ, bởi quá nhiều người không quên nổi đắng cay. Và cũng còn rất nhiều cựu chiến binh Mỹ khác đã viết lại những tình huống, sự kiện để làm rõ hơn về sự tôn trọng của lính Mỹ dành cho không chỉ người chiến sĩ Việt Nam mà còn cả nhân dân Việt Nam, những người đã chịu đựng bao đau khổ để giành lại độc lập, tự chủ.
Mọi người hẳn đã biết họ, đó là Thượng nghị sĩ Giôn Mắc-kên (John McCain) và nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pi-tơ Pi-tơ-xơn (Pete Peterson). Cả hai đều là phi công và bị bắn rơi ở miền Bắc. Cả hai cũng nếm trải mấy năm trời làm tù binh chiến tranh. Còn có cả các cựu chiến binh Giêm Oép (James Webb), Chắc Hây-gơ (Chuck Hagel), Giôn Ke-ri (John Kerry) và nhiều người ít nổi tiếng hơn. Hầu hết trong số họ đã vận động tích cực suốt nhiều năm cho sự hòa giải trong quan hệ Mỹ-Việt. Sự hòa giải này đến từ sự tôn trọng của các cựu chiến binh dành cho nhau.
Sự tôn trọng cũng được biểu hiện qua nhiều cách khác, rất riêng tư mà cũng rất nhân văn. Một vài năm trước, tôi có vinh dự được cùng một đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu đi thăm Oa-sinh-tơn. Chúng tôi đã đến Bảo tàng Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ. Thấy vị đại tá đi cùng tôi mặc quân phục, một quý ông lẹ làng đến hỏi chúng tôi từ đâu tới. Sau khi nghe tôi giải thích, quý ông kia rất thích thú và thổ lộ chính mình cũng là cựu chiến binh thuộc lực lượng Thủy quân lục chiến và nói ông sẽ vui nếu được chụp ảnh với vị đại tá này. Tất nhiên là vị đại tá đồng ý. Hai người siết tay nhau thân mật trong khi tôi bấm máy ảnh. Chúng tôi cùng đi tham quan bảo tàng, thì bỗng có một nhân viên chạy tới nói rằng có người muốn gặp vị đại tá. Lần này là một vị tướng, người đang đi hộ tống một đoàn quan khách Hàn Quốc. Vị tướng nghe nói có một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đến thăm bảo tàng và nóng lòng muốn gặp. Vị tướng này cũng là một cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam. Vị tướng đặc biệt muốn dẫn chúng tôi đi tham quan bảo tàng. Đó là một trải nghiệm xúc động, khi hai cựu thù trở thành bạn hữu theo một cách hết sức tự nhiên, hết sức con người.
Lính Mỹ tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội)
Một trong những người hùng chiến trận của nước Mỹ là H.Mo- rơ (H.Moore), người từng giữ chức tiểu đoàn trưởng trong trận đánh tại thung lũng Ia Đrăng năm 1965. Trận đụng độ đầu tiên giữa quân Mỹ và quân chính quy Bắc Việt Nam. Ba mươi năm sau, về hưu với quân hàm cấp tướng, Mo-rơ trở lại thăm chiến trường xưa và gặp những người từng đối địch. Ông viết:
“Niềm khát vọng hòa bình, đoàn tụ không dứt đã đưa tôi trở lại “Thung lũng chết” vào năm 1993. Chúng tôi được gặp Thượng tướng Nguyễn Hữu An, người trực tiếp chỉ huy trận đánh ở Ia Đrăng. Thay vì xốc nhau bằng lưỡi lê, chúng tôi cùng mở rộng vòng tay. Chúng tôi cùng xếp thành một vòng tròn rộng mở, người này ôm vai bá cổ người kia. Chúng tôi đọc lời cầu nguyện trong nước mắt, chia sớt những ký ức buồn. Mặc dù chúng tôi không hiểu về ngôn ngữ của nhau nhưng chúng tôi như có cùng tâm trạng. Thượng tướng Nguyễn Hữu An cùng tôi bước dọc trận địa năm xưa, cùng nhau tìm lại những địa hình đã thấm máu đồng đội. Những công sự nay đã mọc đầy hoa dại. Không tiếng bom rơi, đạn nổ trên đầu, thay vào đó là tiếng chim hót véo von. Tướng An để tôi khoác tay, tôi cảm nhận được sự dịu dàng nồng ấm. Chúng tôi đã đi một con đường dài từ chiến tranh đến hòa bình. Vòng tay trìu mến này là minh chứng".
Từ lòng tôn trọng đã dẫn đến sự hòa giải. Từ sự hòa giải dẫn tới “hòa bình, đoàn kết” đó là thứ mà tướng Mo-rơ và nhiều người khác nữa kiếm tìm. Cầu cho những người ngã xuống yên nghỉ trong an lành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét