Nâng cao cảnh giác trước âm mưu lợi dụng tôn giáo, thực hiện “diễn biến hòa bình”
Lợi dụng xu thế toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, kích động xu hướng chia rẽ, ly khai, gây mất ổn định xã hội, từ đó phát triển thành các cuộc bạo loạn chính trị ở một số quốc gia để lấy cớ can thiệp, lật đổ.
Để thực hiện âm mưu đó, các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” được sử dụng như một vũ khí đặc biệt quan trọng để xuyên tạc, vu khống, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ nước ta. Đồng thời, các hoạt động gây dựng lực lượng chống đối ở trong nước được thực hiện một cách ráo riết nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hòng làm mất ổn định chính trị - xã hội, tiến tới chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Các phương thức hoạt động chủ yếu được các thế lực thù địch, những phần tử phản động lưu vong, phần tử xấu sử dụng là:
Thứ nhất, kết hợp chặt chẽ vấn đề “tôn giáo” với vấn đề “dân tộc” để kích động tâm lý mặc cảm, tư tưởng ly khai, tư tưởng chống đối trong cộng đồng đồng bào có đạo và đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các chiến lược gia phương Tây khẳng định: Tôn giáo và dân tộc là hai vũ khí có khả năng đánh gãy xương sống cộng sản. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cuối thế kỷ trước đã phần nào cho ta nhận thấy thủ đoạn này của chúng.
Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch nhìn nhận tôn giáo như một “lực lượng chính trị” có thể “đối trọng” với Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, các tổ chức phản động người Việt lưu vong cũng tích cực hậu thuẫn cả về vật chất lẫn tinh thần cho những phần tử bất mãn, cực đoan, quá khích trong một số cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam nhằm phục vụ ý đồ sử dụng tôn giáo làm lực lượng thúc đẩy nhanh tiến trình “dân chủ hóa”, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam.
Thứ hai, tích cực ủng hộ những phần tử bất mãn, cực đoan, quá khích trong một số cộng đồng tôn giáo, tổ chức lôi kéo, kích động quần chúng tín đồ biểu tình, gây rối dẫn tới bạo loạn để lấy cớ can thiệp từ “bên ngoài”. Sự hậu thuẫn này chính là lý do giải thích tại sao hiện nay các phần tử bất mãn, cực đoan, quá khích trong một số cộng đồng tôn giáo có thái độ công khai thách thức, ngang nhiên chống đối chính quyền. Ngoài ra, chúng còn lợi dụng tình hình khiếu kiện để xuyên tạc, vu cáo Đảng và Nhà nước ta vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do tôn giáo. Từ đó, kích động quần chúng tín đồ nổi dậy chống đối chế độ, chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Một số tổ chức tôn giáo phản động ở hải ngoại như Phật giáo Việt Nam thống nhất hải ngoại tán phát tài liệu trên mạng in-tơ-net với nội dung xuyên tạc, vu khống chính quyền Việt Nam khủng bố, đàn áp, bắt giam, ngăn cản hoạt động tôn giáo của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo; số cầm đầu tổ chức người Thượng lưu vong ở Mỹ tổ chức biểu tình phản đối chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền đối với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tiếp tục chỉ đạo một số phần tử trong nước thu thập tình hình có liên quan đến dân chủ, nhân quyền và tìm cách gặp người nước ngoài để yêu cầu họ giúp giải quyết vấn đề “Tin Lành Đề-ga”. Nhiều năm qua, đạo Tin Lành bị bọn phản động Phun-rô triệt để lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng núp dưới chiêu bài “Tin Lành Đề-ga” để kích động quần chúng chống phá cách mạng.
Thứ ba, tích cực thúc đẩy liên kết hoạt động giữa các tôn giáo (liên tôn); phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phản động, cơ hội chính trị trong nước để tạo dựng ngọn cờ, hình thành lực lượng đối lập, đối trọng với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam (thủ đoạn này đã từng được các thế lực phản động quốc tế chống chủ nghĩa cộng sản sử dụng thành công ở một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đây); đẩy mạnh phát triển các hội đoàn tôn giáo, làm sầm uất xứ đạo, khuyếch trương thanh thế, kết hợp với tăng cường truyền đạo trái phép, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên để tập hợp quần chúng, gây áp lực với chính quyền địa phương nếu bị xử lý.
Thứ tư, tiến hành những hoạt động chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng, tuyên truyền kích động mâu thuẫn, xung đột, nhất là đối lập về hệ tư tưởng giữa “hữu thần” với “vô thần”, giữa thế giới quan tôn giáo với thế giới quan cộng sản; vu cáo cộng sản diệt đạo, Nhà nước đàn áp tôn giáo làm cho bộ phận quần chúng lạc hậu ngộ nhận tin theo, từ đó, tạo lực lượng chống đối ngầm chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một số tổ chức phản động người Việt lưu vong lợi dụng hoạt động tài trợ và thông qua hoạt động từ thiện để chuyển tài liệu tôn giáo có nội dung phản động vào trong nước, xuyên tạc bản chất chế độ ta, kích động tư tưởng chống đối trong quần chúng tín đồ. Điều đó đã ít nhiều tác động đến tư tưởng của một số đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là số đồng bào có đạo, dẫn đến những hành động vi phạm pháp luật như: chống lại việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở địa phương; tập hợp lực lượng để tổ chức gây rối trật tự công cộng, gây bạo loạn chính trị...
Những hoạt động chống phá trên đây của các thế lực thù địch đều nhằm mục đích làm cho nhân dân ta “tự diễn biến”, hình thành các nhân tố, các lực lượng, khuynh hướng chống chủ nghĩa xã hội trong lòng xã hội ta, kích động gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, dùng quần chúng để làm suy yếu hiệu lực của chính quyền. Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm trong hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Đảng ta đã cảnh báo: Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, vấn đề tôn giáo được các thế lực phản động trong và ngoài nước coi là “ngòi nổ” hết sức nhạy cảm.
Trong thời gian tới, các thế lực thù địch, phản động lưu vong, số cơ hội chính trị, phần tử xấu sẽ vẫn tiếp tục lợi dụng tôn giáo với nhiều hình thức, thủ đoạn mới để lôi kéo, tập hợp lực lượng, tiếp tục hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng tiếp tục chỉ đạo từ bên ngoài, móc nối với những phần tử chống đối ở trong nước xây dựng cơ sở, tìm cách tái phục hồi các hoạt động chống đối. Do vậy, nhìn chung tình hình mọi mặt về cơ bản là tiếp tục ổn định, song vẫn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định, khó lường trước, cần hết sức quan tâm, không thể xem thường.
Chủ động ngăn chặn, đối phó hiệu quả với những hoạt động chống phá cách mạng
Thực trạng và xu hướng trên cho thấy tính chất nguy hiểm trong âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Nếu không nâng cao cảnh giác và chủ động ngăn chặn, đối phó có hiệu quả với hoạt động chống phá của chúng, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực trạng này đã và đang đặt ra một số yêu cầu cấp thiết sau:
Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo nói chung, từng tôn giáo cụ thể nói riêng. Chú trọng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý ở một số địa phương. Cần nhận thức rõ rằng, giải quyết tốt vấn đề tôn giáo sẽ là một trong những nhân tố quan trọng góp phần ổn định chính trị - xã hội trong cả nước cũng như từng địa phương.
Hai là, chú trọng công tác xây dựng lực lượng chính trị, cơ sở cốt cán trong tôn giáo; làm tốt công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong tín đồ tôn giáo nhằm phát huy tác dụng làm “hạt nhân” trong phong trào cách mạng của quần chúng ở địa phương, cơ sở. Kiện toàn bộ máy tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng; đặc biệt là ở những vùng có đông đồng bào theo đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền tập trung vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo để quần chúng tín đồ hiểu rõ và chấp hành nghiêm túc; khai thác các giá trị nhân văn, đạo đức tiến bộ trong giáo lý tôn giáo để vận động, thu hút, tập hợp quần chúng tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Trước sự tấn công quyết liệt của các thế lực thù địch, nếu chúng ta không chú trọng, quan tâm, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, không “nắm” được quần chúng thì sẽ phải đối mặt với những nguy cơ như nhiều nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước.
Ba là, đẩy mạnh công tác phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện tốt chính sách đoàn kết lương - giáo; tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, làm cho cộng đồng ổn định, buôn làng phát triển, gia đình ấm no... Bên cạnh đó, phải kịp thời vạch trần mọi âm mưu, phương thức, thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ dân tộc, chống phá cách mạng nước ta; vạch trần bộ mặt phản động, đội lốt tôn giáo để phá hoại cách mạng của cái gọi là “Tin Lành Đề-ga” để quần chúng nhân dân hiểu rõ, từ đó nâng cao trình độ nhận thức, giác ngộ, ý thức cảch giác cách mạng trong quần chúng tín đồ.
Bốn là, các tỉnh, thành phố có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể; nhất là, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo chuyên sâu ở tỉnh, huyện, xã, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới. Tổ chức các lớp, các đợt tập huấn riêng cho các chức sắc, chức việc, người có ảnh hưởng, uy tín với cộng đồng tôn giáo, dân tộc để phổ biến chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; đồng thời, nhắc nhở trách nhiệm của họ trong khi chăm lo việc đạo phải thường xuyên yêu cầu tín đồ chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời - đẹp đạo”, tuân thủ pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, cảnh giác và góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, phải nắm chắc số phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, cực đoan, quá khích trong các cộng đồng tôn giáo, số đối tượng cầm đầu kích động quần chúng giáo dân khiếu kiện trên từng địa bàn cụ thể để chủ động quản lý, đấu tranh có hiệu quả, ngăn chặn kịp thời.
Những năm qua, công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận, đã có những bước tiến tốt hơn và ngày càng đi vào ổn định; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đã đem lại những hiệu quả tích cực hơn, tình hình sinh hoạt tôn giáo ở các chi hội dần đi vào xu thế bình thường, ổn định, quần chúng tín đồ, chức sắc, chức việc vui mừng, phấn khởi, yên tâm, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, các hoạt động tôn giáo trái phép giảm dần... Tuy vậy, trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng và các đoàn thể ở địa phương, cơ sở phải không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, tiếp tục có những biện pháp thiết thực, hữu hiệu để đấu tranh ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch trong nước và quốc tế./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét